Lao động ngành du lịch nguy cơ mất việc trên “sân nhà”

(Banker.vn) Nhân lực du lịch Việt Nam hiện đang vừa thiếu về số lượng lại vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, dẫn đến chất lượng phục vụ du lịch còn thấp, sức cạnh tranh yếu.
Website quảng bá du lịch Việt Nam xếp vào top đầu trong khu vực Chuyển đổi xanh để du lịch Việt Nam phát triển bền vững

Sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đang có bước phục hồi ấn tượng. Theo đó, quý I/2024, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Theo báo cáo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Lao động ngành du lịch nguy cơ mất việc trên “sân nhà”
Chất lượng nhân lực du lịch, khách sạn tác động đến sức cạnh tranh đối với ngành du lịch Việt Nam. Ảnh: Quý Minh

Với tín hiệu tích cực này, ngành du lịch kỳ vọng sẽ tạo được đột phá và đón được 18 triệu lượt khách du lịch theo mục tiêu đề ra trong năm 2024.

Tuy nhiên, quá trình phục hồi ngành du lịch đang gặp không ít thách thức, trở ngại, một trong số đó chính là vấn đề chất lượng nguồn nhân lực. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam đang còn rất thấp. Cụ thể, năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/10 so với Nhật Bản và 1/5 so với Malaysia.

Đáng chú ý, theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong bối cảnh thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA-TP) cho phép dịch chuyển lao động du lịch có tay nghề thuộc khối ASEAN lao động ngành du lịch có nguy cơ bị cạnh tranh cũng như mất việc làm ngay tại Việt Nam bởi nhân lực từ các nước ASEAN như: Thái Lan, Philippines và Malaysia.... Hiện nay, lao động Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore đến Việt Nam để làm việc khá nhiều, hầu như khách sạn 4-5 sao đều có lao động nước ngoài có trình độ, chuyên môn.

Theo Liên Chi hội đào tạo du lịch Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước hiện có 195 cơ sở đào tạo du lịch gồm: 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng; 71 trường trung cấp và 4 trung tâm đào tạo nghề. Có 2 cơ sở đào tạo trực thuộc doanh nghiệp là Trường Cao đẳng nghề khách sạn du lịch quốc tế Imperial đào tạo theo mô hình Hotel college và Trường Trung cấp du lịch - khách sạn Saigontourist của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn.

Hàng năm các cơ sở đào tạo du lịch cho tốt nghiệp ra trường được khoảng 20.000 sinh viên, học viên trên khoảng 22.000 học sinh tuyển dụng đầu vào. Trong đó có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, khoảng 18.200 học viên hệ trung cấp, ngoài ra còn có khoảng 5.000 sơ cấp và đào tạo truyền nghề dưới 3 tháng.

Đánh giá của Liên Chi hội đào tạo du lịch Việt Nam cho thấy, chương trình đào tạo nhân lực du lịch vẫn chưa thống nhất, mã ngành đào tạo chưa cập nhật, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của xã hội. Chưa áp dụng triệt để các tiêu chuẩn kỹ năng nghề trong việc xây dựng chương trình đào tạo.

Đặc biệt, công tác đào tạo và sử dụng thiếu đồng bộ, thiếu hệ thống và chưa đạt chuẩn dẫn đến nguồn nhân lực được đào tạo ra bị lệch hướng, thiếu nhân sự cấp cao. Dẫn tới, doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng phải đào tạo lại theo các tiêu chuẩn riêng của hệ thống.

Từ thực tế đó, Chủ tịch Liên Chi hội đào tạo du lịch Việt Nam - GS.TS Đào Mạnh Hùng cho rằng, vấn đề phát triển nhân lực, đặc biệt nhân lực có chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu của tình hình mới. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững.

Còn theo ông Urs Eberhardt, Giám đốc phát triển chiến lược Đông Nam Á của Trường Quản lý Kinh doanh và Khách sạn BHMS - một trong những trường đào tạo chuyên ngành khách sạn tốt nhất Thụy Sĩ - cho biết, ở một số quốc gia đang phát triển, nhân sự thiếu những kỹ năng thực tiễn chuyên môn dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo chuyên sâu và bài bản.

"Bên cạnh đó, sự phát triển vượt bậc của khoa học - kỹ thuật với nhiều nền tảng, ứng dụng thông minh ra đời, phục vụ cho việc vận hành ngày càng dễ dàng và thuận lợi do đó đòi hỏi nhân sự phải nhanh chóng thích ứng, bắt kịp xu thế"- ông Urs Eberhardt cho hay.

Theo PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), không thể 100% sinh viên tốt nghiệp ra trường làm đúng nghề, mà chỉ có khoảng 20%-25% gắn với nghề, còn lại vẫn chuyển công việc khác. Cần có những nhân sự thật sự yêu nghề thì mới nâng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, theo ông các cơ quan quản lý định hướng nghề du lịch theo tiêu chuẩn cụ thể, để các trường xây dựng mô hình đào tạo đạt chất lượng quốc tế.

PGS.TS Dương Đức Thắng, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Công nghệ Đông Á cũng chỉ ra rằng, nhân lực du lịch hiện nay không chỉ thông thạo ngoại ngữ mà còn phải sử dụng tốt công nghệ, các kỹ năng xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Trong khi đó, nhiều sinh viên được đào tạo tại các khoa du lịch khi ra trường thậm chí không cạnh tranh được với những sinh viên học ngoại ngữ do yếu kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài. Vì vậy, công tác đào tạo theo phương thức truyền thống hiện không còn phù hợp với tiêu chuẩn, đòi hỏi ngày càng cao của ngành du lịch.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Trọng Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục Du ljch quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chính là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho du lịch Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Do vậy, các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch cần có giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, trước hết cần xây dựng một chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn quốc tế trong ngành du lịch.

Hướng tới phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị; đồng thời phát triển du lịch Việt Nam “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” tháng 11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, phù hợp với yêu cầu của cạnh tranh và hội nhập.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động du lịch; khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục