Lào Cai có nhiều trụ cột để phát huy năng lực hội nhập kinh tế quốc tế

(Banker.vn) Lào Cai đã, đang cải thiện năng lực hội nhập kinh tế quốc tế với những hướng đi phù hợp và dần chuyển hoá thành công những lợi thế thành nguồn lực phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương thị sát tại Cửa khẩu quốc tế Kim Thành Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc với tỉnh Lào Cai Chùm ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc tại tỉnh Lào Cai Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Làm tốt các quy hoạch ngành, tạo động lực đột phá phát triển kinh tế Lào Cai Công tác truyền thông của tỉnh Lào Cai cần gắn với xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm

Phát biểu tham luận tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo tỉnh Lào Cai về công tác hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai, ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế kinh tế cho biết, hội nhập kinh tế quốc tế là một tất yếu khách quan trong bối cảnh toàn cầu hóa. Ngay từ những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã hướng đến xây dựng nền kinh tế mở theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, trong suốt quá trình lãnh đạo của Đảng cho đến nay, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng phát triển kinh tế.

Thứ nhất, cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, là thành viên tích cực của gần 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Việt Nam là một trong 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại; top 15 nền kinh tế hàng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài, top 46 nước đứng đầu thế giới về Chỉ số đổi mới sáng tạo.

Thời gian qua, Việt Nam duy trì được tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam bình quân 3 năm (2021 - 2023) đạt 5,2%/năm (là mức cao của khu vực và thế giới); 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tụctăngtrưởng 6,42%, cao hơn nhiềucùng kỳ năm trước và dự báo tiếp tục xu hướng tích cực hơn trong thời gian tới.

Kết quả đó có được là nhờ thời gian qua, hoạt động thương mại quốc tế của VN ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu, đặc biệt thông qua việc ký kết và tham gia các FTA. Chúng ta hiện đã ký kết 16 FTA và đang đàm phán 3 FTA, tổng cộng đã và đang tham gia 19 FTA, qua đó, chúng ta có có trên 60 đối tác FTA, phủ rộng khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu, nâng tầm vị thế của VN trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới quan hệ đối tác của các QG trên thế giới. Nhờ đó mà thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam đã được mở rộng trên 2 góc độ:

Góc độ thứ nhất, thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được mở rộng theo hướng đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ kinh tế. Hiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu như trước đây châu Á vẫn là khu vực thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam thì tỷ trọng của khu vực châu Mỹ tăng mạnh trong giai đoạn 2013-2022 (tăng từ 21,2% năm 2013 tới 34,1% năm 2022 so với mức trung bình 21% giai đoạn 2013-2015.). Năm 2023 xuất khẩu sang Mỹ giảm 11,6%.

Góc độ thứ hai, xét về quy mô thị trường xuất khẩu đã có sự tăng trưởng tích cực, nếu như năm 2013, Việt Nam chỉ có 24 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 3 thị trường trên 10 tỷ USD, thì 10 năm sau năm 2022, có 33 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó, 6 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 16 thị trường trên 5 tỷ USD. (Năm 2023, có 32 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó, 6 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 16 thị trường trên 5 tỷ USD).

Thứ hai, đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa, chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu: Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu 114,6 tỷ USD và nhập khẩu 114,3 tỷ USD và là năm đầu tiên Việt Nam đạt thặng dư trong lĩnh vực xuất khẩu. 10 năm sau, trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 ở trong nước và tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động nhưng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt mức kỷ lục 732,5 tỷ USD, trong đó xuất siêu 11,2 tỷ USD. Năm 2023 cán cân thương mại của Việt Nam ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022 với tổng kim ngạch 683 tỷ USD.

Thứ ba, trở thành một trong 20 nền thương mại lớn nhất thế giới: WTO ghi nhận việc Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở cao, tới 200% GDP. Báo cáo rà soát thống kê thương mại thế giới năm 2020 của WTO ghi nhận trong số 50 quốc gia có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí thứ 23 vào năm 2019 và lọt vào tốp 20 năm 2021.

Đây chính là thành quả to lớn của tiến trình đổi mới hơn 35 năm qua, việc gia nhập WTO đầu năm 2007 và thực hiện các cam kết trong WTO cùng với khoảng 100 hiệp định thương mại song phương và đa phương, hơn 60 hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư. Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2020-2022, hiện đạt 431 tỷ USD.

Trong năm 2023, mặc dù có sự giảm sút trong kim ngạch trao đổi thương mại, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, ASEAN, EU, Nhật Bản vẫn giữ vị thế là các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Về xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước với giá trị xuất khẩu đạt 96,8 tỷ USD (giảm so với mức 29,3% và 109,1 tỷ USD năm 2022).

Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã có sự cải thiện trong những tháng cuối năm nhưng tính chung kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2023 vẫn giảm 11,6% so với năm trước. Tuy vậy, cán cân thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ vẫn duy trì trạng thái thặng dư ở mức cao với kim ngạch xuất siêu là 83 tỷ USD (trong đó kim ngạch xuất khẩu gấp 7 lần kim ngạch nhập khẩu). Sau Hoa Kỳ, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 61,7 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm trước.

Đây là trường hợp duy nhất trong tốp 5 thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu tăng trong năm nay. Về nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là nguồn cung hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch nhập khẩu đạt 111,6 tỷ USD, chiếm 34,1% tổng nhập khẩu của cả nước. Trung Quốc là nguồn nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, với mức thâm hụt thương mại giữa hai nước đạt gần 50 tỷ USD (trong đó nhập khẩu gần gấp đôi xuất khẩu).

Sau Trung Quốc, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 2 của Việt Nam với tổng giá trị nhập khẩu đạt 52,6 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Như vậy, chỉ hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc đã chiếm hơn phân nửa hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam năm 2023.

6 tháng đầu 2024 tình hình chuyển biến tốt hơn, các thị trường xuấ khẩu tăng trưởng tốt, Mỹ tăng 22,3%, EU 16%, Hàn Quốc 10,9%, Nhật 3,2%,).

Cũng theo ông Trịnh Minh Anh, quá trình tích cực chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam thời gian qua không thể thành công nếu không có sự nỗ lực đóng góp của các Bộ ngành và các địa phương.

Tuy nhiên, mức độ hội nhập của các địa phương không đồng đều, có những địa phương tận dụng rất tốt các cơ hội của hội nhập nhưng có những địa phương tham gia vào hội nhập còn hạn chế. Điều này phụ thuộc vào năng lực hội nhập của mỗi địa phương và năng lực hội nhập lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.

Lào Cai có nhiều trụ cột để phát huy năng lực hội nhập kinh tế quốc tế
Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành kinh tế phát biểu tham luận tại buổi làm việc

Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO do Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế quốc tế (nay là Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế) chủ trì triển khai, với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Australia (AusAID) và Bộ phát triển quốc tế Anh (DfID) đã nghiên cứu và phân tích năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của các địa phương trên cơ sở 8 nhóm tiêu chí, gọi là 8 trụ cột, bao gồm: Thể chế, Cơ sở hạ tầng, Văn hóa, Đặc điểm tự nhiên địa phương, Con người, Thương mại, Đầu tư, Du lịch.

Đối với tỉnh Lào Cai, qua nghiên cứu, phân tích các chuyên gia đã đưa ra một số kết luận liên quan đến tám trụ cột cấu thành năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Lào Cai. Theo đó, nếu so sánh vào thời điểm 7 năm trước đây, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Lào Cao thuộc thứ hạng cao so với các tỉnh vùng Tây Bắc nhưng vẫn ở mức thấp so với mặt bằng chung của cả nước.

Tuy nhiên, hiện nay, có thể thấy Lào Cai đã và đang cải thiện năng lực hội nhập kinh tế quốc tế rất tốt với những hướng đi phù hợp với điều kiện địa phương và dần dần chuyển hoá thành công những lợi thế của mình trở thành nguồn hỗ trợ hiệu quả cho phát triển kinh tế xã hội.

Ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh, dựa trên tám trụ cột hội nhập kinh tế quốc tế, có thể thấy Lào Cai có nhiều trụ cột có thể phát huy được thế mạnh, nổi bật là:

Về trụ cột đặc điểm địa phương, Lào Cai có vị trí địa chiến lược rất tốt, có trên 182km đường biên giới với Trung Quốc cùng hệ thống cửa khẩu đa dạng ở nhiều vị trí và quy mô khác nhau, thuận lợi cho phát triển kinh tế cửa khẩu, biên mậu và quan hệ đối ngoại.

Đây chính là điều kiện để Lào Cai có thể phát triển thành trung tâm logistic lớn của Việt Nam và các nước ASEAN, trở thành trung tâm giao thương của các nước ASEAN với thị trường Tây Nam-Trung Quốc…

Trong quá trình này, cần đặc biệt lưu ý, hiện nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc cùng các nước ASEAN đã ký kết tới 8 FTA. Các FTA này đang đưa lại rất nhiều cơ hội trong trao đổi thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa các bên nhờ việc cắt giảm thuế quan và mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư.

“Việc khai thác tốt các FTA sẽ tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc về thị trường hoặc thiếu nguyên liệu sản xuất, đồng thời có thể kêu gọi được đầu tư từ các đối tác nước ngoài...” - ông Trịnh Minh Anh thông tin và nhấn mạnh, trong bối cảnh Lào Cai đang đặt mục tiêu tới thành trung tâm dịch vụ và tài chính của khu vực và quốc tế trong tương lai, rất cần khai thác các cơ hội từ các FTA này trong các lĩnh vực: xuất nhập khẩu, phát triển dịch vụ logistic, hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật... qua đó phát triển kinh tế của địa phương.

Tuy nhiên cần lưu ý, ở gần đối tác lớn là Trung Quốc thì vấn đề cạnh tranh cũng trở nên gay gắt hơn. Thực tế, xét cả về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp lẫn công nghiệp, Lào Cai đều kém phát triển và ít lợi thế hơn so với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ thị trường Lào Cai sẽ bị “lấn át” do khả năng cạnh tranh thấp và do đó các doanh nghiệp trong tỉnh có nguy cơ bị mất dần thị trường của mình.

Vì vậy, để phát triển, Lào Cai cần tăng cường kết nối thị trường địa phương với thị trường cả nước, trước hết là vùng Trung du và miền núi phía Bắc và địa bàn kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để hợp tác sản xuất, tìm kiếm và khai thác lợi thế so sánh của tỉnh với các địa phương khác trong và ngoài vùng, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng phát triển kinh tế thương mại của tỉnh. Trong bối cảnh hội nhập, các địa phương càng cần phải tăng cường liên kết với nhau để nâng cao sức mạnh tổng thể, tránh tình trạng cá lớn nuốt cá bé.

Về trụ cột du lịch và trụ cột văn hóa. Đây là lợi thế nổi bật của Lào Cai mà không phải địa phương nào cũng có được. 10 năm cách đây, trụ cột du lịch và văn hóa của Lào Cai ở mức thấp so với các địa phương trong cả nước (đứng thứ 10/62) nhưng hiện nay Lào Cai đã khai thác khá tốt lĩnh vực này, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong phát triển du lịch của cả nước.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, thương mại và du lịch có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ. Cần phát huy thế mạnh về du lịch để một mặt phát triển du lịch, mặt khác phát triển thương mại địa phương, đưa hình ảnh của Lào Cai đến với bạn bè trong nước và quốc tế, qua đó kết nối, mở rộng giao thương, thu hút đầu tư quốc tế. Mặc dù Lào Cai có lợi thế về khoáng sản nhưng phát triển thương mại dịch vụ gắn với du lịch mới là hướng đi bền vững.

Liên quan đến tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương, thời gian qua, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã nhận được các báo cáo hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Lào Cai rất đầy đủ, qua đó nhận thấy công tác hội nhập đã được tỉnh ủy, các sở ban ngành, đặc biệt là Sở Công Thương quan tâm sâu sát.

Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã nhận được một số kiến nghị cụ thể của Lào Cai trong đó có việc “Tiếp tục hỗ trợ tỉnh Lào Cai triển khai các nhiệm vụ về hội nhập kinh tế quốc tế, trao đổi, chia sẻ thông tin tài liệu về hội nhập quốc tế; định hướng, hỗ trợ địa phương tổ chức thực thi các hiệp định, cam kết quốc tế; hỗ trợ địa phương triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; làm cầu nối vận động chương trình dự án, viện trợ, hợp tác quốc tế từ cơ quan, tổ chức, đối tác nước ngoài, hỗ trợ tỉnh Lào Cai trong việc mở các buổi tọa đàm, hội nghị, lớp bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho các đối tượng cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

Về vấn đề này, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế luôn sẵn sàng phối hợp và hỗ trợ địa phương trong công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế về các FTA.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương