Lãnh đạo VPBank: Khó khăn trên thị trường bất động sản đang dần được tháo gỡ

(Banker.vn) Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2023, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank đánh giá, thị trường bất động sản đang nằm trong giai đoạn phát triển, trong quá trình đó có giai đoạn phát triển quá nóng, nhưng chưa khó khăn đến mức khủng hoảng hệ thống.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên 2023. Báo cáo với cổ đông tại đại hội, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho biết, hậu quả của Covid và tăng trưởng chậm của nền kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động chung của ngành ngân hàng.

"Sếp Tổng" VPBank: Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp dự kiến giảm 10.000 tỷ đồng đến hết tháng 6/2023
Năm 2023, VPBank lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng trưởng 13%

Trong 2 năm Covid, ngân hàng đã có chương trình hỗ trợ để giảm thiểu tác động tới khách hàng, nhưng sang năm 2022, sự ảnh hưởng vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó, khủng hoảng thanh khoản trên thị trường tiền tệ giai đoạn cuối năm, bắt nguồn từ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đã tạo ra sự lo ngại trong giới đầu tư.

Trong điều kiện khó khăn như vậy, ưu tiên hàng đầu của VPBank là quản trị rủi ro, thanh khoản, đảm bảo an toàn rủi ro. VPBank là một trong những ngân hàng củng cố được nguồn vốn chủ sở hữu, vốn huy động từ dân cư, doanh nghiệp ở mức cao nhất thị trường, giúp ngân hàng vượt qua được khó khăn thanh khoản chung của thị trường.

Ngoài ra, do yếu tố lạm phát, NHNN đã áp dụng một số biện pháp kiềm chế như room tín dụng. Tuy nhiên, trên cơ sở nguồn vốn dồi dào, VPBank là một trong những ngân hàng được dành room tín dụng tương đối lớn để phục vụ khách hàng.

Đánh giá về khó khăn của thị trường bất động sản, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết: "Chúng tôi đánh giá thị trường BĐS đang nằm trong giai đoạn phát triển, trong quá trình đó có giai đoạn phát triển quá nóng, nhưng nó chưa đến mức khó khăn đến mức khủng hoảng hệ thống. Cuộc khủng hoảng này đang dần dần được tháo gỡ, khắc phục".

Lãnh đạo VPBank: Khó khăn trên thị trường bất động sản đang dần được tháo gỡ
Quang cảnh ĐHĐCĐ năm 2023 của VPBank.

Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho biết, thị trường này đã có những ảnh hưởng tới hoạt động ngành ngân hàng nói chung và VPBank nói riêng.

Cụ thể, ông Vinh chia sẻ: “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua đúng là có những khủng hoảng bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có chất lượng trái phiếu kém. Một số trái phiếu được cơ quản quản lý xử lý như Tân Hoàng Minh, An Đông đã tạo ra sự suy giảm lòng tin của nhà đầu tư.”

Được biết, VPBank cũng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp khá nhiều, hiện tổng là hơn 30.000 tỷ đồng, giảm hơn 5.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Theo CEO VPBank, dự kiến đến hết tháng 6, con số này sẽ giảm còn trên dưới 20.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong số trái phiếu mà VPBank nắm giữ có Novaland. Ông Vinh cho hay, dư nợ với Novaland dưới 1% tổng dư nợ của ngân hàng và đều có tài sản đảm bảo. Hơn nữa, ngân hàng đang quản lý dòng tiền của Novaland trong quá trình khách hàng mua dự án, hiện dòng tiền vẫn đủ đáp ứng tiếp tục chi trả. Với Novaland, từ nay đến cuối năm, VPBank không có sức ép về vấn đề chuyển nợ xấu. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc khoản nợ là vấn đề cấp thiết.

Cũng tại Đại hội vừa diễn ra, Tổng Giám đốc VPBank thông tin trong quý I/2023, ngân hàng mẹ có lợi nhuận hơn 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 7% và huy động là 11,5%.

"Với 4.000 tỷ lợi nhuận, ngân hàng mới đi 1/5 chặng đường, nhưng với tăng trưởng tới đây thì mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ 22.000 tỷ vẫn trong tầm tay.", ông Vinh khẳng định.

Về tình hình kinh doanh của FE Credit, Tổng Giám đốc VPBank khẳng định, thời điểm hiện tại thị trường tài chính tiêu dùng rất khó khăn, kết quả kinh doanh của FE Credit trong năm ngoái và quý 1/2023 đều không tốt nhưng ngân hàng đã có chương trình phục hồi mới.

Tổng Giám đốc VPBank thông tin thêm, ban lãnh đạo ngân hàng đang có kế hoạch và cấu trúc lại sao cho không bị lỗ trên cơ sở đánh giá tài chính tiêu dùng tiếp tục là mảng tiềm năng.

Trong năm 2023, ngân hàng VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 39%, đạt hơn 877.460 tỷ đồng; tiền gửi tăng 41%, đạt hơn 518.192 tỷ đồng; dư nợ cho vay tăng 33%, đạt mức 635.972 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%. Ngân hàng cũng lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 24.003 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng) trong quý 2-3/2023. Tổng số tiền dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt được ngân hàng công bố là gần 8.000 tỷ đồng.

Hé lộ kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 của các ngân hàng

Sau ba năm không thực hiện hình thức trả cổ tức bằng tiền mặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng ...

Phó Tổng Giám đốc VPBank mua thành công 298.600 cổ phiếu VPB

Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – HOSE: VPB), ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng ...

ĐHĐCĐ VPBank 2023: Ngân hàng đã nhận 10% tiền cọc từ SMBC, cam kết chia cổ tức tiền mặt 5 năm tới

Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết với nền tảng ...

Ánh Kim

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán