Lãnh đạo TTC Group và WinCommerce đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững

(Banker.vn) Tại cuộc gặp giữa Thường trực Chính phủ và doanh nghiệp, Lãnh đạo TTC Group và WinCommerce đã đưa ra các đề xuất hỗ trợ kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường vốn, và thúc đẩy kinh tế bền vững. Các đại diện nhấn mạnh vai trò của chính sách thuế, tài chính xanh, và cải thiện hạ tầng nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất và tăng trưởng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Ngày 4/10, tại cuộc gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ và các đại diện doanh nghiệp, bà Huỳnh Bích Ngọc - Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) đã đưa ra những đề xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

Bà Ngọc ghi nhận những quyết sách kịp thời của Chính phủ từ đầu năm 2024, như việc giảm thuế giá trị gia tăng và yêu cầu các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất cho vay. Tuy nhiên, bà đề xuất cần có thêm các chính sách "kích cầu tiêu dùng" để thúc đẩy lưu thông hàng hóa và dịch vụ, góp phần tăng thặng dư và đóng góp hiệu quả cho ngân sách Nhà nước.

Lãnh đạo TTC Group và WinCommerce đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững
Bà Huỳnh Bích Ngọc - Phó chủ tịch Tập đoàn TTC. Ảnh: VGP

Theo bà Ngọc, một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Singapore đã áp dụng các chương trình hỗ trợ tiền mặt hoặc phiếu mua sắm cho người dân. Bà đề xuất Việt Nam có thể xem xét việc cung cấp phiếu mua sắm (voucher) với thời hạn sử dụng nhất định nhằm kích thích tiêu dùng. Bà lý giải rằng các voucher này sẽ cân đối giữa nhu cầu kích cầu hàng hóa và dịch vụ, đồng thời hỗ trợ ngân sách Nhà nước và phát triển hệ sinh thái logistics và dịch vụ kèm theo. Ngoài ra, việc này cũng gián tiếp giảm thuế thu nhập cá nhân cho người dân.

Bên cạnh đó, bà Ngọc cũng đề xuất rà soát lại một số điều khoản của Luật Các tổ chức tín dụng liên quan đến quản lý tài sản đảm bảo là bất động sản trong việc phát hành trái phiếu. Hiện nay, ngân hàng thương mại không còn được phép thực hiện vai trò này, trong khi Luật Đất đai cho phép tổ chức kinh tế nhận thế chấp nhưng lại chưa có hướng dẫn thi hành, gây khó khăn cho việc xác định chủ thể nhận thế chấp. Bà kêu gọi các cơ quan chức năng sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể để phát triển thị trường vốn, đồng thời tăng cường tính minh bạch và hiệu quả.

Đại diện TTC Group cũng kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân niêm yết các loại hình hàng hóa mới trên thị trường chứng khoán để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài dài hạn. Bên cạnh đó, bà Ngọc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển chỉ số ETF chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp đạt chuẩn ESG quốc tế, nhằm thúc đẩy tài chính xanh và kinh tế bền vững. Việc này không chỉ giúp nhà đầu tư nước ngoài có thêm lựa chọn mà còn khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam phát triển theo chuẩn mực quốc tế.

Cũng tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Phương - Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce, thành viên của Tập đoàn Masan, đánh giá cao những chính sách của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển ngành bán lẻ. Bà nhấn mạnh rằng các chính sách như đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng và giảm thuế giá trị gia tăng đã giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình logistics và nâng cao tính cạnh tranh.

Lãnh đạo TTC Group và WinCommerce đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững
Bà Nguyễn Thị Phương - Tổng giám đốc WinCommerce. Ảnh: VGP

Bà Phương cũng đề cao các chính sách kích cầu kinh tế trong giai đoạn hậu Covid-19, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thị trường bán lẻ. Cụ thể, tổng mức bán lẻ và dịch vụ của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024 đã tăng 8,5%, tạo đà cho sự phát triển của ngành bán lẻ trong nước.

Dù Việt Nam có quy mô dân số lớn với nhiều tiềm năng phát triển, bà Phương nhận xét rằng tỷ lệ bán lẻ hiện đại của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTG với 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành bán lẻ đến năm 2030, nhằm nâng cao tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước và thúc đẩy sự tăng trưởng của cơ sở bán lẻ hiện đại.

Bà Phương kêu gọi các Bộ, ngành sớm triển khai các giải pháp chiến lược nhằm đạt được mục tiêu phát triển thương mại hiện đại, tăng trưởng bền vững và tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tháo gỡ cho doanh nghiệp là chìa khóa phát triển kinh tế bền vững

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là tháo gỡ cho nền kinh tế. Chính phủ cam kết ...

Tăng trưởng tín dụng và chính sách tiền tệ: Thủ tướng chỉ đạo giải pháp phát triển kinh tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với các ngân hàng thương mại cổ phần, thảo luận về chính sách tiền tệ, tăng ...

Tuấn Tú

Tuấn Tú

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục