Ngày 21/12/2022, bà Đặng Huỳnh Ức My - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thành Thành Công Biên Hòa (TTC AgriS, Hose: SBT) đã công bố hoàn tất mua vào 5 triệu cổ phiếu SBT đã đăng ký. Chính thức nâng sở hữu tại SBT lên 112.147.115 cổ phiếu, tương ứng 16,14% vốn cổ phần. Giao dịch được thực hiện hoàn toàn theo phương thức 100% khớp lệnh từ 28/11/2022 đến 19/12/2022.
Trước đó, ngày 14/12/2022, Bà Huỳnh Bích Ngọc – Chủ tịch HĐQT của TTC AgriS cũng công bố hoàn tất mua vào 2 triệu cổ phiếu SBT đã đăng ký. Tính đến thời điểm hiện tại, Bà Ngọc đang nắm giữ 71.724.473 cổ phiếu SBT, tương ứng 10,32%.
Ngày 16/12/2022 Ông Hoàng Mạnh Tiến - Thành viên độc lập HĐQT cũng công bố hoàn tất mua hết 800.000 cổ phiếu đã đăng ký, nâng tổng số lượng cổ phiếu sở hữu lên 2.375.000 cổ phiếu SBT, tương ứng 0,34%.
Chỉ trong thời gian ngắn, việc hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của SBT liên tiếp mua vào số lượng lớn cổ phiếu SBT đã khẳng định cam kết đồng hành cùng cổ đông và sự quyết tâm gắn bó lâu dài của các thành viên Hội đồng quản trị, đóng góp vào chiến lược phát triển bền vững của công ty và chia sẻ thành quả với các bên liên quan.
Trên thị trường, tại phiên giao dịch sáng ngày 22/12, cổ phiếu SBT tăng 2,75% lên mức 14.950 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đại hơn 5,3 triệu đơn vị.
Diễn biến giá cổ phiếu SBT thời gian gần đây (Nguồn: TradingView) |
Một quỹ ngoại trở thành cổ đông lớn của SBT
Ngày 25/11/2022, Quỹ Legendary Venture Fund 1 (Legendary), một quỹ đầu tư nước ngoài có trụ sở tại Singapore vừa báo cáo đã mua tổng cộng 31.707.862 cổ phiếu SBT, tương đương 5,04% chính thức trở thành cổ đông lớn của SBT. Theo báo cáo của Legendary, số cổ phần mà Quỹ này sở hữu tại SBT trước khi trở thành cổ đông lớn đã là 31.357.862, tương ứng với 4,98% vốn cổ phần.
Được biết, Quỹ Legendary chuyên đầu tư các doanh nghiệp có tiềm năng khu vực châu Á, họ xác định các cơ hội đầu tư thông qua giá trị nội tại hấp dẫn và chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp, cùng với các dữ liệu dự đoán sẽ mở ra giá trị cho các nhà đầu tư. Bằng việc triển khai vô số khung thời gian đầu tư khác nhau, cùng với trọng tâm quản lý danh mục rủi ro nghiêm ngặt, quỹ này được đánh giá có khả năng tạo ra lợi nhuận nhất quán trong các thương vụ đầu tư của họ từ trước đến nay.
Từ năm 2018, Quỹ Legendary đã liên tục đầu tư vào cổ phiếu SBT khi nhận thấy triển vọng tích cực trong trung và dài hạn của ngành đường thế giới, đồng thời, họ cũng đánh giá cao về chiến lược kinh doanh của AgriS, kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng của công ty thông qua chiến lược mở rộng vùng nguyên liệu xuyên biên giới, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm/dịch vụ đa dạng, các giải pháp nông nghiệp tiên tiến, toàn diện và bền vững cũng như mạng lưới khách hàng lớn trên toàn cầu.
Về kết quả kinh doanh, AgriS cũng vừa công bố Báo cáo tài chính quý 1(1/7-30/9) với kết quả tích cực khi ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.309 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, hoàn thành 31% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 262 tỷ, tăng 34% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ của các kênh bán hàng khác cũng ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ. Đặc biệt kênh xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc khi sản lượng bán hàng tăng 80%, kênh công nghiệp B2B tăng 44% so với cùng kỳ. Đây là một dấu hiệu khởi sắc cho thấy nhu cầu tiêu thụ đường được cải thiện đáng kể trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Mới đây, ngày 21/11 vừa qua SBT thông báo chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7% (100 cổ phiếu được nhận 07 cổ phiếu mới). Theo đó, SBT sẽ phát hành 44.040.562 cổ phiếu và số cổ phiếu trả cổ tức niên độ 2020-2021 bằng cổ phiếu không bao gồm 21.611.333 cổ phiếu ưu đãi cổ tức có quyền chuyển đổi.
Tại ĐHCĐ thường niên 2021-2022 của SBT được tổ chức vào 28/10/2022, bà Huỳnh Bích Ngọc từng chia sẻ: "Trong khó khăn hiện nay thì nông nghiệp được xem là bệ đỡ cho nền kinh tế, có chiến tranh thì vẫn phải ăn, và hạt đường cũng được xem là nhu yếu phẩm", bà Ngọc nhấn mạnh với cổ đông, nhà đầu tư về tiềm năng tăng trưởng bền vững của việc đầu tư vào cổ phiếu SBT.
Trước những diễn biến bất thường của TTCK, cổ phiếu SBT cũng bị ảnh hưởng bởi xu hướng giảm chung và phản ánh không đúng giá trị nội tại của công ty. Việc mua vào cổ phiếu SBT thời điểm này khẳng định niềm tin mạnh mẽ của Ban lãnh đạo SBT vào triển vọng phát triển của công ty trong tương lai.
Theo nhận định từ Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), SBT là công ty dẫn đầu thị trường trong ngành mía đường Việt Nam với khoảng 46% thị phần. Đường và các phụ phẩm từ đường đóng góp doanh thu lớn nhất với 94,5%, tiếp theo là phân bón (1,1%), điện (0,7%) và các ngành khác (3,7%). Lợi nhuận trước thuế năm tài chính 2021/2022 đạt 1,0 nghìn tỷ đồng - cao nhất kể từ khi SBT thành lập.
Cũng theo VCSC, bất chấp sự cạnh tranh gay gắt từ đường nhập khẩu, SBT ghi nhận sản lượng đường bán ra hơn 1 triệu tấn trong năm tài chính 2021/2022.
Bên cạnh đó, SBT đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm tài chính 2022/2023 giảm 19% YoY - tương đương 850 tỷ đồng. Theo SBT, kế hoạch khá thận trọng này được dự báo trên sự cạnh tranh gay gắt của thị trường đường Việt Nam hiện tại.
Trong năm tài chính 2022/2023, VCSC kỳ vọng SBT sẽ được hưởng lợi từ (1) các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan và một số nước ASEAN khác và (2) giá đường trong nước cao hơn trong năm 2022.
Trong dài hạn, VCSC ước tính biên lợi nhuận gộp của SBT sẽ cải thiện nhờ (1) việc mở rộng mạnh mẽ diện tích nuôi trồng mía của công ty và (2) kế hoạch tập trung hơn vào các sản phẩm có biên lợi nhuận cao.
Anh Khôi
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|