Lãnh đạo PVN, EVN, PVGas đề xuất gì để phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi?

(Banker.vn) Tổng giám đốc Tập đoàn PVN, EVN và PV Gas đã có những đề xuất, kiến nghị cụ thể nhằm phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi.
Cần sớm có cơ chế đặc thù cho điện gió ngoài khơi và điện khí Bộ Công Thương họp tìm giải pháp gỡ khó để phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi và Hydrogen

Tại cuộc họp bàn giải pháp thúc đẩy tiến độ các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi và lấy ý kiến dự thảo Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 25/12, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) đã có những kiến nghị đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai các dự án nguồn điện nêu trên.

Lãnh đạo PVN và EVN đề xuất gì để phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi?

Báo cáo tại cuộc họp, Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) Phạm Văn Phong cho biết, theo quy hoạch điện VIII, đã có 10 dự án nhiệt điện khí tự nhiên trong nước với tổng công suất 7.900 MW; và 13 dự án nhiệt điện LNG với tổng công suất 22.400 MW đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện đến năm 2030.

Lãnh đạo PVN và EVN đề xuất gì để phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi?
Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) Phạm Văn Phong

Trong đó các nhà máy sử dụng nguồn khí trong nước gồm Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn I (660 MW) đã đi vào vận hành, sẽ chuyển sang dùng khí Lô B. Các dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, III, IV (1050 MW) đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư (sử dụng khí Lô B-3.810 MW); Dự án nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Quảng Trị (sử dụng khí mỏ Báo vàng 340 MW) đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư; Dự án nhà máy Miền điện tuabin khí hỗn hợp Miền Trung I và II, Dung Quất I, Dung Quất II, Dung Quất III (750 MW) đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư (sử dụng khí Cá Voi Xanh -3.750 MW). Tiến độ thực hiện phụ thuộc vào tiến độ dự án thượng nguồn.

Đối với 13 dự án nhiệt điện LNG, tiêu thụ khoảng 22,5 tỷ m3 khí/năm, tương đương 16,1 triệu tấn LNG/năm (chưa bao gồm phần LNG cấp bù cho các nhà máy điện sử dụng khí tự nhiên khai thác trong nước với tổng công suất dự kiến đến năm 2030 là 14.930 MW), chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước. Tổng nhu cầu vốn cho các dự án chưa triển khai khoảng 20 tỷ USD và khoảng 6,3 tỷ USD để xây dựng hệ thống kho chứa, cảng nhập LNG.

Khối lượng dự án và nhu cầu đầu tư rất lớn, trong khi thời gian triển khai các dự án để đạt được mục tiêu đề ra không còn nhiều, trong khi còn quá nhiều vướng mắc.

Theo ông Phạm Văn Phong, hiện, chúng ta chưa có chính sách về tài chính, cơ chế bao tiêu sản lượng điện khí, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện... Điều đó đã khiến các dự án đầu tư không xác định được khả năng thu hồi vốn, thu xếp vốn, không xác định được lượng LNG cần nhập khẩu bao nhiêu để đảm bảo mức giá khí cạnh tranh trong ký kết hợp đồng nhập khẩu LNG cho sản xuất điện… Tất cả các vướng mắc trên làm chậm tiến độ của các dự án điện khí.

Cho đến nay, Việt Nam mới chỉ có duy nhất kho chứa và cảng nhập LNG tại khu vực Thị Vải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu của PV GAS đã được hoàn thành và sẵn sàng cung cấp LNG tái hóa cho các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Bộ. Các kho cảng khác, bao gồm một số cảng nhập được quy hoạch tích hợp trong các dự án nhiệt điện LNG, hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc kể cả các vấn đề về điều kiện kỹ thuật và các quy định có liên quan. Như vậy, có thể thấy hạ tầng nhập khẩu LNG còn rất thiếu để đảm bảo mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch Điện VIII. Ngoài ra, việc chưa xem xét để kết nối hạ tầng nhập khẩu LNG và các nhà máy điện sẽ không tối ưu được nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư và lãng phí tài nguyên cảng biển của Việt Nam.

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ các dự án, PVGas kiến nghị về nhập khẩu LNG, Nhà nước giao cho PVN/PVGas xây dựng quy trình nhập khẩu, đảm bảo cạnh tranh công bằng minh bạch. Giai doạn từ nay đến 2030 giao PVN/PVGas là đầu mối để tập trung và tạo lợi thế đàm phán.

Về đầu tư nên ưu tiên đầu tư kho cảng tập trung nhằm tối ưu chi phí đầu tư, tối ưu hoá tài nguyên cảng biển để giảm giá thành phát điện.

Về cơ chế tiêu thụ LNG cho phát điện, cần chấp thuận cơ chế chuyển ngang giá, phí và bao tiêu sản lượng điện dài hạn từ 75-80% cho các nhà máy điện. Bổ sung các quy định liên quan đến xác định cước phí nhập khẩu, tồn trữ, tái hoá và phân phối LNG.

Lãnh đạo PVN và EVN đề xuất gì để phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi?
Tổng giám đốc Tập đoàn PVN phát biểu

Phát biểu bổ sung ý kiến về điện khí và điện gió ngoài khơi, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng đánh giá cao Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp trao đổi liên quan đến các cơ chế, chính sách cho phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi.

Ông Lê Mạnh Hùng cho rằng, ngoại trừ Hydrogen, hiện các lĩnh vực liên quan đến thực hiện Kế hoạch Quy hoạch Điện VIII thuộc trách nhiệm của PVN đều đang được triển khai, tuy nhiên do thiếu các cơ chế chính sách cho điện khí, điện gió ngoài khơi nên rủi ro rất cao cho nhà đầu tư.

Về phát triển các nhà máy điện sử dụng khí tự nhiên trong nước, ông Hùng cho biết sẽ mang lại lợi ích cho nhà nước rất lớn. 1 kWh điện khí, nhà nước thu gần 50% các loại thuế, phí...

Góp ý về điện gió ngoài khơi, ông Lê Mạnh Hùng thông tin, pháp luật hiện hành không thể hiện rõ dự án điện gió ngoài khơi có được xác định là dự án có sử dụng đất hay không. Luật Đầu tư năm 2020 không có định nghĩa cụ thể dự án như thế nào được xác định là “dự án có sử dụng đất”. Luật Đất đai hiện hành không có định nghĩa “đất” nói chung mà chỉ quy định về “đất có mặt nước” là một loại đất, nhưng có bao gồm đất dưới mặt nước biển hay không, trong khi đó, lòng đất dưới đáy biển thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Biển Việt Nam... trong khi Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy, trong Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII chưa xác định được tên, địa điểm, quy mô công suất, phương án đấu nối các dự án điện gió ngoài khơi, chưa có cơ sở để thực hiện khảo sát, đo đạc, điều tra, đánh giá tác động làm cơ sở lập dự án đầu tư điện gió ngoài khơi..

Do tương đồng với các hoạt động dầu khí ngoài khơi nên các dự án điện gió ngoài khơi được các nước trên thế giới gắn với hoạt động của dầu khí ngoài khơi như: Khảo sát đáy biển, điều tra... và điều này PVN hoàn toàn làm được, vấn đề là thiếu cơ chế, chính sách, quy hoạch, chưa có địa điểm, chưa có cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm quyết định phê duyệt.

Lãnh đạo PVN và EVN đề xuất gì để phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi?
Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn phát biểu

Trong khi đó, dưới góc độ là bên mua điện, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, tất cả những khó khăn vướng mắc hiện nay rất khó giải quyết vì cơ chế giá.

"Vấn đề mấu chốt hiện nay là cơ chế giá. EVN là doanh nghiệp duy nhất bị quản lý theo chế độ đầu vào theo thị trường nhưng đầu ra lại theo sự điều tiết, quản lý giá của Nhà nước. Do vậy, Tập đoàn rất khó hoàn thành nhiệm vụ được giao" - Ông Nguyễn Anh Tuấn nói và bày tỏ mong muốn sớm có các cơ chế chính sách phù hợp đối với thị trường điện Việt Nam. Khi giải quyết được cơ chế đầu vào đầu ra theo thị trường thì sẽ khuyến khích được các nhà đầu tư.

Song Dũng Lâm

Theo: Báo Công Thương