Lãnh đạo Hodeco (HDC) bị bán giải chấp hơn 1 triệu cổ phiếu: CTCK thiếu trách nhiệm và thiện ý?

(Banker.vn) Việc CTCK bán giải chấp cổ phiếu HDC của các lãnh đạo Hodeco diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu HDC trong quá trình dò đáy. Lãnh đạo của Hodeco cho biết, nguyên nhân bị bán giải chấp là “do công ty chứng khoán thiếu tinh thần trách nhiệm và thiện ý, hạ tỷ lệ margin về 0 một cách đột ngột, mặc dù đã liên hệ đề xuất trong vòng 1 tuần sẽ bổ sung tài sản nhưng không được chấp thuận".
Chuyên gia nói gì giữa “làn sóng” bán giải chấp cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp

Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa-Vũng Tàu (Hodeco, HOSE: HDC) vừa có báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu HDC của ông Lê Viết Liên - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và ông Đoàn Hữu Thuận - Chủ tịch HĐQT Công ty.

Theo đó, ông Lê Viết Liên - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HDC vừa bị Chứng khoán VPS bán giải chấp 804.600 cổ phiếu HDC. Giao dịch được thực hiện trong phiên 16/11 theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn. Sau khi bị bán giải chấp, ông Liên giảm lượng cổ phiếu nắm giữ xuống còn 3,7 triệu đơn vị, tương đương 3,42% vốn.

Lãnh đạo Hodeco (HDC) bị bán giải chấp hơn 1 triệu cổ phiếu: CTCK thiếu trách nhiệm và thiện ý?

Trong báo cáo giao dịch, ông Liên giải thích lý do bị bán giải chấp do "công ty chứng khoán thiếu tinh thần trách nhiệm và thiện ý, hạ tỷ lệ margin về 0 đột ngột, nên mặc dù đã liên hệ đề xuất trong vòng 1 tuần sẽ bổ sung tài sản nhưng không được chấp thuận".

Tương tự, ông Đoàn Hữu Thuận, Chủ tịch HĐQT công ty cũng bị bán giải chấp 200.000 cổ phiếu HDC trong phiên 16/11. Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu của ông Thuận giảm còn hơn 10,44 triệu cổ phiếu, chiếm 9,65%. Tương tự như trên, thông tin công bố nêu rõ ông Thuận bị bán giải chấp do CTCK đột ngột cắt margin về 0, mặc dù phía Hodeco đã liên hệ đảm bảo nộp tiền trong buổi sáng 16/11.

Tuy nhiên, ngay sau khi bị bán giải chấp, ông Thuận đã đăng ký mua vào 200.000 cổ phiếu nhằm đảm bảo tỷ lệ nắm giữ sau khi bị bán giải chấp. Thời gian thực hiện từ ngày 22/11 - 21/12/2022. Nếu thành công, ông Thuận sẽ nâng tỷ lệ nắm giữ lên 10,7 triệu cổ phiếu, chiếm 9,84%.

Việc công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu của các lãnh đạo HDC diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu HDC vẫn đang trong quá trình dò đáy. Chốt phiên 17/11, thị giá cổ phiếu HDC ở mức 30.850 đồng/cp, giảm 26% từ vùng hồi phục tháng 9 vừa qua, nếu tính từ đầu năm mã này đã mất gần 60% thị giá.

Diễn biến giá cổ phiếu FRT. Nguồn TradingView
Diễn biến giá cổ phiếu HDC. Nguồn TradingView

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2022, Hodeco ghi nhận doanh thu đạt 344,21 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 72,06 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ 35,8% lên 38,5%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 31,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 31,84 tỷ đồng lên 132,5 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 84,2% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 8,57 tỷ đồng lên 18,75 tỷ đồng; lãi công liên doanh, liên kết ghi nhận lỗ 6,18 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 0,13 tỷ đồng, tức giảm tới 6,31 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 80,3%, tương ứng tăng thêm 6,65 tỷ đồng lên 14,93 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Công ty cho biết doanh thu tăng trong quý III do ghi nhận chủ yếu từ một phần dự án The Light City giai đoạn 1, dự án Ngọc Tước và dự án Ecotown Phú Mỹ.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Hodeco đạt 1.124 tỷ đồng, tăng 22%; lãi gộp đạt 447 tỷ đồng, tăng 34%, tương ứng biên lãi gộp 39,7% (cải thiện đáng kể so với cùng kỳ là 36%). Chi phí tài chính 9 tháng đạt 75 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ, là điểm đáng chú ý trong bức tranh kinh doanh. Kết quả, Hodeco có lãi trước thuế 321 tỷ đồng, tăng 22%. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 60% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán