Lãnh đạo giữ "lời hứa", cổ phiếu DDG tăng kịch trần

(Banker.vn) Phiên giao dịch ngày 9/8, ngược dòng thị trường chung, cổ phiếu DDG của Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương bật tăng kịch trần lên mức 10.200 đồng/cp cùng thanh khoản khớp lệnh hơn 7,6 triệu cổ phiếu...

Theo thông báo mới nhất, trong 2 ngày 07 và 08/08, Chủ tịch và Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (HNX: DDG) đăng ký mua tổng cộng 1,8 triệu cổ phiếu. Với động thái này, kết phiên 09/08, giá cổ phiếu DDG tăng bật trần. Thậm chí, đà tăng của DDG còn tiếp tục kéo dài sang ngày hôm nay (10/8) với việc cổ phiếu này nhanh chóng áp sát mức giá trần ngay khi vừa mở cửa phiên giao dịch.

Lãnh đạo giữ

Được biết, vào ngày 07/08, bà Trần Kim Sa – Tổng Giám đốc kiêm Thành viên DDG đã đăng ký mua 800.000 cổ phiếu DDG, dự kiến giao dịch trong giai đoạn 14/08 - 11/09/2023. Giao dịch nếu thành công sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của bà Sa từ 2,67% (hơn 1,6 triệu cổ phiếu) lên 4,01% (khoảng 2,4 triệu cổ phiếu).

Sau đó vào ngày 08/08, ông Nguyễn Thanh Quang – Chủ tịch HĐQT DDG cũng đăng ký mua 1 triệu cp trong giai đoạn 15/08-11/09/2023. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của ông Quang sẽ nâng từ 2,23% (1,33 triệu cổ phiếu) lên 3,9% (2,33 triệu cổ phiếu).

Trước thông tin 2 lãnh đạo đăng ký mua cổ phiếu, giá DDG tăng 2 phiên liên tiếp, trong đó phiên 09/08 tăng bật trần, lên 10.200 đồng/cp. Nếu chiếu theo thị giá này, bà Sa cần chi gần 8,2 tỷ đồng, trong khi ông Quang cần chi khoảng 10,2 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch.

Trước đó, cổ phiếu DDG từng trải qua giai đoạn lao dốc mạnh với 19 phiên liên tiếp giảm sàn từ phiên ngày 10/04. Cùng lúc đó, các lãnh đạo của Công ty cũng có động thái đồng loạt bán cổ phiếu.

Giải thích cho chuyện này, đại diện Công ty cho biết nguyên nhân để đảm bảo nghĩa vụ tài chính với các công ty chứng khoán, kèm theo lời hứa khi thị trường ổn định, Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc sẽ đăng ký mua lại cổ phiếu. Với động thái mua trên, có vẻ như các lãnh đạo của DDG đã giữ lời hứa đưa ra cách đây ít lâu.

Ngược thời gian, giai đoạn từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 5, cổ phiếu DDG lại khiến nhà đầu tư bất ngờ theo chiều hướng thị giá đi xuống. Đáng chú ý, DDG đã có 19 phiên liên tiếp xuống giá mạnh: Từ ngày 7/4 đến 9/5 (thị giá giảm sâu nhất) giảm gần 86%, rơi từ mức 42.200 đồng/cp (phiên 7/4) xuống 6.000 đồng/cp (phiên 9/5).

Trong bối cảnh đó, hàng loạt cá nhân và lãnh đạo doanh nghiệp bán ra cổ phiếu. Thời điểm tháng 5, bốn lãnh đạo doanh nghiệp gồm bà Trần Kim Sa, Yang Kiều An (con ruột bà Sa), ông Nguyễn Thanh Quang và ông Trần Kim Cương (thành viên HĐQT) đã bị bán tổng số lượng 2,5 triệu cổ phiếu cầm cố.

Trước khi có đà lao dốc này, cổ phiếu DDG gần như không chịu tác động tiêu cực từ thị trường, luôn duy trì được mức ổn định, thậm chí có phiên lên tới 43.200 đồng/cp trong tháng 2/2023.

Lãnh đạo giữ
Diễn biến giá cổ phiếu DDG từ đầu năm 2023 đến nay

Lợi nhuận âm trong 6 tháng đầu năm 2023

Được biết, DDG tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Giáo dục Đông Thành được thành lập ngày 25/6/2010 vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của DDG đã xấp xỉ 600 tỷ đồng.

Nhìn về kết quả kinh doanh, mặc dù nằm trong nhóm HNX30 (nhóm có tính thanh khoản tốt nhất trên sàn HNX), nhưng Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương lại ghi nhận lợi nhuận âm trong 6 tháng đầu năm 2023.

Trong báo cáo tài chính quý II/2023, doanh thu thuần của công ty đạt 191 tỷ đồng, giảm 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 6 tháng cũng giảm khoảng 17% so với 6 tháng đầu năm 2022. Doanh thu nửa năm đạt 350,3 tỷ đồng, bằng 32,4% kế hoạch cả năm.

Lãnh đạo giữ
Nguồn: BCTC DDG

Kết quả, lợi nhuận sau thuế đạt mức âm 193,5 tỷ đồng tại quý II, lũy kế 6 tháng lỗ 193,3 tỷ đồng (trước đó, tại quý I/2023, công ty chỉ lãi khoảng 200 triệu đồng). Con số này tạo khoảng cách khá lớn so với cùng kỳ 6 tháng năm 2022 có mức lợi nhuận là 30,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, nợ phải trả tại doanh nghiệp ở mức 1.020 tỷ đồng, trong đó 525,5 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, giảm đáng kế so với con số đầu năm; ngược lại, nợ dài hạn lại tăng, gấp 4 lần so với đầu năm, đạt mức 424,5 tỷ đồng. Nợ từ vay nợ tài chính chiếm 840 tỷ đồng. Hiện, công ty đang ghi nhận dư nợ trái phiếu dài hạn 300 tỷ đồng tại lô trái phiếu mã DDGH212300.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, DDG đặt mục tiêu doanh thu 1.080 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 56,3 tỷ đồng.

Một số dự án trọng điểm DDG đã và đang triển khai có thể kể đến như: dự án đốt rác phát điện Biwase – Bình Dương, giai đoạn 2 dự án cấp hơi nhiệt và xử lý bã hèm Heneiken Vũng Tàu, dự án thu hồi và sản xuất khí CO2 hóa lỏng, dự án xử lý rác công nghiệp Long An.

Mới đây, DDG đã công bố thông tin về việc mở rộng thêm các lĩnh vực kinh doanh về trồng rừng và khai thác rừng trồng nhằm phát triển năng lượng xanh bền vững, tăng lợi nhuận trong việc sản xuất và kinh doanh mặt hàng công nghệ năng lượng sinh khối (Biomass). DDG dự kiến việc trồng trừng và khai thác rừng trồng sẽ đóng góp doanh thu khoảng 200 tỷ đồng/năm trong tổng số doanh thu của năm 2023, với hệ số lợi nhuận ròng khoảng 10%/doanh thu.

Lãnh đạo DDG bị công ty chứng khoán bán cầm cố hơn 2,5 triệu cổ phiếu

Giá cổ phiếu DDG trải qua chuỗi tuột dốc không phanh với 19 phiên liên tiếp giảm sàn kể từ phiên 10/04. Thị giá từ ...

Các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ngày 29/5/2023

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến quý độc giả tổng hợp các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ...

Một doanh nghiệp HNX30 báo lỗ 193 tỷ sau nửa năm, cổ phiếu từng giảm sàn 19 phiên liên tiếp

Sau nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp HNX30 này ghi nhận 350 tỷ đồng doanh thu - bằng 32,4% kế hoạch. Chỉ tiêu lợi nhuận ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán