Lãnh đạo Coteccons có đang "lạc quan" thái quá về cổ phiếu CTD?

(Banker.vn) Đến thời điểm hiện tại, tức là chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm, thị giá cổ phiếu CTD vẫn còn thấp hơn nhiều so với thời điểm Chủ tịch Bolat Duisenov “hứa hẹn” tại ĐHĐCĐ thường niên 2022...

Thị trường chứng khoán từ đầu năm 2022 đến nay nhìn chung vẫn mang một màu sắc khá "u ám", rất nhiều cổ phiếu đã giảm mạnh xuống đáy trung, thậm chí là dài hạn, trong đó cổ phiếu CTD của Coteccons cũng không phải ngoại lệ. Cổ phiếu đầu ngành xây dựng này hiện đang giao dịch quanh vùng đáy 7 năm với thị giá 42.000 đồng/cổ phiếu, giảm gần 62% từ đầu năm. Vốn hóa thị trường cũng theo đó “bốc hơi” hơn 5.000 tỷ đồng sau 10 tháng, chỉ còn khoảng 3.100 tỷ đồng.

Lãnh đạo Coteccons có đang

Trong quá khứ, giai đoạn tăng nóng từ năm 2015 – 2018 từng đưa CTD trở thành cái tên quen thuộc trong top các cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên, những khó khăn trong hoạt động kinh doanh cùng xung đột lợi ích giữa nhóm cổ đông ngoại Kusto và Ban lãnh đạo cũ dưới thời ông Nguyễn Bá Dương đã đẩy cổ phiếu này vào giai đoạn dò đáy kéo dài nhiều năm.

Phải đến cuối năm ngoái, CTD mới bất ngờ tăng mạnh để trở lại mức 3 chữ số. Thời điểm đó, Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov cũng có lần đầu tiên muốn sở hữu cổ phiếu CTD trên phương diện cá nhân khi đăng ký mua vào 740.000 đơn vị. Dù vậy, Chủ tịch của Coteccons sau đó chỉ mua được 570.000 đơn vị.

Về lý do không mua đủ lượng cổ phiếu đăng ký, ông Bolat Duisenov cho biết “ Tôi đã dành tất cả số tiền tiết kiệm mà tôi có và mua vào CTD để bày tỏ niềm tin với cổ đông. Tuy nhiên do tình hình giá CTD đã tăng quá cao nên tôi chưa thể mua được đủ số lượng cổ phiếu như đã đăng ký. Thời gian tiếp theo tôi sẽ tập trung cụ thể hóa kế hoạch, chiến lược kinh doanh và bạn hãy chờ xem các con số biết nói đó sẽ là những bằng chứng thuyết phục nhất” .

Cổ phiếu CTD sau đó cũng chững lại và bắt đầu trược dốc cùng thị trường chung từ đầu tháng 4. Ngay cả khi Chủ tịch Bolat Duisenov đã có những thông điệp trấn an nhà đầu tư tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 diễn ra ngày 25/4, cổ phiếu này vẫn miệt mài dò đáy đến giữa tháng 5 trước khi có một nhịp hồi khá mạnh kéo dài hơn 3 tháng.

Trả lời thắc mắc của một cổ đông mất 75% tài sản vì ôm CTD, Chủ tịch Coteccons chia sẻ “Trước hết tôi rất lấy làm tiếc và xin lỗi vì nhà đầu tư đã có trải nghiệm như vậy. TTCK không dành cho người lướt ngắn hạn. Chúng ta nên nhìn vào nền tảng của công ty đó và phải có niềm tin vào năng lực, và trong dài hạn nếu có sự kiên trì, bền bỉ thì kết quả sẽ đến trong dài hạn. 1,5 năm qua tôi bạc tóc, da mặt dày hơn nhưng tôi tin giá cổ phiếu sẽ tăng vào cuối năm nay ”.

Trong giai đoạn CTD bắt đầu hồi mạnh, ông Bolat Duisenov đã có lần thứ 2 đăng ký mua vào với khối lượng 730.000 cổ phiếu. Tuy nhiên, vị chủ tịch này lại một lần nữa không mua đủ lượng cổ phiếu đăng ký với lý do Coteccons hết room ngoại.

Kết thúc sóng hồi, CTD đã nhanh chóng quay đầu giảm mạnh từ cuối tháng 8 và hiện vẫn đang “ngụp lặn” vùng đáy dài hạn. Đến thời điểm hiện tại tức là chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm, thị giá cổ phiếu này vẫn còn thấp hơn nhiều so với thời điểm Chủ tịch Bolat Duisenov “hứa hẹn” tại ĐHĐCĐ thường niên 2022.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/11, cổ phiếu CTD giảm 0,12% xuống mức 42.000 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch trung bình phiên đạt hơn 469.000 đơn vị.

Lãnh đạo Coteccons có đang
Diễn biến giá cổ phiếu CTD thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Bức tranh tài chinh quý III đẩy "ảm đạm"

Tình hình kinh doanh không mấy khả quan với nhiều quý thua lỗ được đánh giá là yếu tố chính đẩy cổ phiếu CTD miệt mài dò đáy. Quý III/2022, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 3.113 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tăng 2 lần, đạt 33 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp quý này giảm từ 1,57% xuống chỉ còn 1,05%; do chi phí nhân công, nguyên vật liệu tăng cao - theo giải trình của Coteccons.

Trong quý, doanh thu tài chính không biến động nhiều so với cùng kỳ, đạt 83 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng mãnh liệt 18 lần lên 44 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 14% lên 103 tỷ đồng. Thêm nữa, Coteccons chịu khoản lỗ trong công ty liên kết 5 tỷ đồng; khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng này lỗ thuần tới 36 tỷ đồng.

Khoản thu nhập khác mang lại lợi nhuận 33 tỷ đồng không đủ để đưa Coteccons thoát khỏi thua lỗ. Kết quả, công ty chịu lỗ trước thuế 3 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 2 trong năm nay (quý II/2022, Coteccons lỗ trước thuế 27 tỷ đồng). Khấu trừ thuế, công ty chịu lỗ sau thuế 3,5 tỷ đồng.

Lãnh đạo Coteccons có đang

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Coteccons đạt 8.306 tỷ đồng, tăng 34%; lợi nhuận gộp đạt 315 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 3,79% (kém hơn cùng kỳ là 4,38%).

Doanh thu tài chính là điểm sáng trong 9 tháng với 311 tỷ đồng (tăng 61%). Nhưng chi phí tài chính cũng tăng tới 29 lần, đạt 103 tỷ đồng; chi phí quản lý tăng 66%, đạt 552 tỷ đồng và lỗ trong công ty liên kết 16 tỷ đồng. Tất cả khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 46 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 106 tỷ đồng.

Phải nhờ khoản lợi nhuận khác trị giá 54 tỷ đồng (tăng gấp 5 lần cùng kỳ), Coteccons mới có lãi trước thuế 1,9 tỷ đồng – giảm 98% so với cùng kỳ năm trước.

Coteccons đang ôm khoản lỗ chứng khoán khá lớn

Bên cạnh tình hình kinh doanh ảm đạm, bức tranh tài chính của Coteccons trong 9 tháng cũng đang kém đi gam màu tươi sáng. Tại ngày kết thúc quý III, tổng tài sản tăng 18%, đạt 17.756 tỷ đồng. Song, lượng tiền và tương đương tiền sụt giảm 53% còn 416 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý là Coteccons đem 766 tỷ đồng đầu tư trái phiếu, 255 tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán kinh doanh. Điều này khiến lượng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dài chỉ còn 1.235 tỷ đồng. Đáng nói, việc đầu tư chứng khoán lại thua lỗ khi Coteccons đang phải dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh 36,6 tỷ đồng.

Một điểm đáng lưu tâm, đó là các khoản phải thu ngắn hạn tăng 20% so với đầu năm lên 10.310 tỷ đồng; trong đó dự phòng phải thu ngắn hạn tăng 45% lên 960 tỷ đồng (do tăng dự phòng cho khoản nợ xấu tại Công ty Ngôi Sao Việt - thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Hàng tồn kho tăng tới 89% lên 3.197 tỷ đồng.

Tính chung hàng tồn kho và các khoản phải thu đã lên tới 13.507 tỷ đồng, chiếm tới 76% tổng tài sản.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 30/9/2022 là 9.561 tỷ đồng, tăng 40% so với đầu năm. Đáng chú ý nhất trong cơ cấu nợ phải trả của Coteccons là tổng dư nợ vay đã lên tới 1.464 tỷ đồng (nợ vay ngắn hạn đạt 939 tỷ đồng, nợ vay dài hạn đạt 525 tỷ đồng), trong khi đầu năm con số này chỉ vỏn vẹn chưa tới 2 tỷ đồng!

Việc gia tăng nợ vay khiến chi phí tài chính trong kỳ tăng vọt (như trên đã phân tích) là một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền kinh doanh trong 9 tháng của Coteccons âm nặng tới 1.990 tỷ đồng (cùng kỳ dương 183 tỷ đồng).

Dòng tiền vay/trả trong kỳ của công ty cũng tăng mạnh, cụ thể lần lượt là 1.880 tỷ đồng/419 tỷ đồng, tăng 5,5 lần và 23,5%.

Dù đã tăng cường vay mượn, song dòng tiền thuần 9 tháng vẫn âm 468 tỷ đồng, khiến lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ sụt giảm 53%, còn 416 tỷ đồng.

Đại diện Coteccons cho biết kế hoạch lợi nhuận năm nay thấp do công ty xác định không lao vào cuộc chiến giảm giá với các nhà thầu khác trên thị trường và áp dụng chính sách trích lập dự phòng rủi ro thận trọng với các khoản phải thu khó đòi, ưu tiên chiến lược phát triển bền vững. Giá vật liệu xây dựng tăng cao cộng với những rủi ro bất ngờ trong năm 2021 khiến công ty đặt ra mục tiêu có phần thận trọng trong năm nay.

HĐQT Coteccons đánh giá năm 2022 ngành xây dựng đối diện với một số thách thức chính gồm lạm phát tăng, qua đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của chủ đầu tư bất động sản và thu nhập người mua nhà hay chủ trương nắn dòng tín dụng vào bất động sản có thể tác động đến những chủ đầu tư có dòng tiền kém. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng các công ty xây dựng do sự phụ thuộc vào tiến độ ký hợp đồng với chủ đầu tư.

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán