Lạng Sơn: Sẽ trao 9 Biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng vốn 21.500 tỷ đồng

(Banker.vn) Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn dự kiến sẽ trao 9 Biên bản ghi nhớ đầu tư cho các nhà đầu tư với tổng số vốn đầu tư khoảng hơn 21.500 tỷ đồng.
Lạng Sơn: Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp kinh doanh bến bãi tại cửa khẩu Đẩy nhanh tiến độ dự án mở rộng đường vận chuyển hàng hóa khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị Lạng Sơn: Đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu duy trì thông suốt

Đó là thông tin tại Họp báo công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2024 do Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn tổ chức sáng 15/4.

“Cầu nối” ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại

Thông tin tại Họp báo, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, ngày 19/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 236/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Lạng Sơn, quy mô 831.018 ha, với 11 đơn vị hành chính gồm thành phố Lạng Sơn và 10 huyện.

Họp báo công bố quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2024
Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Họp báo công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2024

Phía Đông Bắc giáp Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc; phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng; phía Nam giáp tỉnh Bắc Giang; phía Đông Nam giáp tỉnh Quảng Ninh; phía Tây giáp tỉnh Bắc Kạn; phía Tây Nam giáp tỉnh Thái Nguyên.

Trong quy hoạch nêu rõ, mục tiêu phát triển đến năm 2030: Xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm, là một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là “cầu nối” ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu.

Tỉnh Lạng Sơn có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại, minh bạch; Đầu tư nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển du lịch trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế lớn, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa và con người Lạng Sơn; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Đồng thời, xác định 4 khâu đột phá phát triển, gồm: Chuyển đổi số và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch, phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, xanh, an toàn và hiện đại.

Tầm nhìn đến năm 2050, Lạng Sơn có nền kinh tế hiện đại, năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống số. Lạng Sơn trở thành vùng đất XANH hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng sạch, nông nghiệp, công nghiệp và du lịch.

Lạng Sơn tiếp tục giữ vững vị thế là địa phương có hệ thống cửa khẩu đường bộ, đường sắt phát triển hàng đầu Việt Nam, điểm trung chuyển trên bộ quan trọng hàng đầu trong kết nối Trung Quốc - Việt Nam - các nước ASEAN và các nước trên thế giới. An sinh xã hội của người dân được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia được bảo đảm vững chắc.

Về phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực và phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin, phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và năng lực cạnh tranh. Xây dựng tỉnh Lạng Sơn thành trung tâm dịch vụ cấp vùng, trung tâm giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn thành trung tâm kinh tế cửa khẩu hiện đại, năng động, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần logistics quốc gia và quốc tế. Phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh cao, phát huy lợi thế đặc sản địa phương, gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch.

Tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực: Dân số, lao động, việc làm; An sinh xã hội; Y tế; Giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; Văn hóa, thể thao; Khoa học và công nghệ; Thông tin và truyền thông; Quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn được định hướng phát triển theo mô hình: 1 trục phát triển, 2 hành lang kinh tế và 3 vùng kinh tế - xã hội.

Đến năm 2030, toàn tỉnh có 17 đô thị gồm: 01 đô thị loại II (thành phố Lạng Sơn mở rộng); 03 đô thị loại IV; 13 đô thị loại V. Bên cạnh đó, về phương án phát triển các khu chức năng gồm các phương án phát triển: Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; Hệ thống khu công nghiệp; Cụm công nghiệp; Khu du lịch; Các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; Khu quốc phòng, an ninh; Những khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Đáng chú ý, về danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện, UBND tỉnh cho hay, dự án dự kiến ưu tiên thực hiện gồm 173 dự án, trong đó 27 Dự án đầu tư của trung ương trên địa bàn tỉnh; 38 dự án đầu tư của tỉnh và 108 dự án thu hút đầu tư.

Sẽ trao 14 chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Phát biểu tại họp báo, ông Vũ Hoàng Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh được phê duyệt là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, đóng vai trò như một bản thiết kế toàn diện, tổng quan, xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển dài hạn cho từng ngành, lĩnh vực và hình thành khung định hướng phát triển kinh tế - xã hội dài hạn giúp tỉnh Lạng Sơn nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đảm bảo phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, cụ thể hóa khát vọng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn.

ông Vũ Hoàng Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Ông Vũ Hoàng Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn phát biểu

Để công bố đầy đủ nội dung cơ bản, cốt lõi của Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn đến các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân được biết, hiểu và thống nhất về nhận thức và hành động trong triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, đồng thời thông tin, giới thiệu về định hướng, tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư và các danh mục dự án ưu tiên đầu tư của tỉnh… UBND tỉnh Lạng Sơn dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư năm 2024 vào ngày 21/4/2024.

Tại hội nghị này, UBND tỉnh dự kiến sẽ trao 14 chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đầu tư 18.602 tỷ đồng; trao 9 Biên bản ghi nhớ đầu tư cho các nhà đầu tư với tổng số vốn đầu tư khoảng hơn 21.500 tỷ đồng.

Cũng trong khuôn khổ chương trình hội nghị có các gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư; danh mục ưu tiên đầu tư; thông tin về hình ảnh, con người, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; một số sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn đặt mục tiêu không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà xác định phát triển xanh, thu hút những doanh nghiệp vừa phát huy được thế mạnh của tỉnh, vừa gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái.

Trong quá trình đó, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh trên các lĩnh vực cụ thể.

Chẳng hạn, Nghị quyết 16 của Hội đồng nhân dân tỉnh đã xác định rất rõ hỗ trợ các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp, thì hỗ trợ giảm giá thuê đất, hỗ trợ về kinh phí đầu tư hạ tầng… Còn thu hút vào các khu, cụm công nghiệp, tỉnh cũng đã có những định hướng để làm sao thu hút được những doanh nghiệp tăng trưởng xanh, bền vững như sản xuất chip bán dẫn…

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương