Làng nghề thủ công mỹ nghệ “bắt trend” bán hàng online

(Banker.vn) Bán hàng online đang chiếm tỷ trọng ngày một lớn trong cơ cấu kênh tiêu thụ của cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ.
Hệ lụy từ việc ai cũng có thể bán hàng onlineKhai mạc Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023

Với khoảng 300 hộ gia đình tham gia sản xuất và kinh doanh, Vạn Phúc (Hà Nội) là một trong những làng nghề dệt lụa truyền thống nổi tiếng nhất của cả nước. Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội dệt lụa Vạn Phúc cho hay: Bên cạnh hoạt động kinh doanh tại chỗ, làng nghề đã chủ động chuyển hướng sang kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử và tổ chức mô hình bán hàng trực tuyến theo nhóm.

Theo đó, một số cơ sở sản xuất như lụa Lan Sơn, Phương silk, Phúc Hưng, Phong Thư silk… lập các nhóm bán hàng trên mạng xã hội liên kết hơn 100 hộ gia đình chuyên cung cấp nguyên liệu, sản xuất và kinh doanh thương mại. Từ nhóm này, các thành viên chủ động tìm được nguồn nguyên liệu, giới thiệu những mặt hàng do chính cơ sở sản xuất. Với những dữ liệu trong nhóm, các cơ sở chuyên làm thương mại sẽ tập trung quảng cáo, kết nối với người mua có nhu cầu. Các hộ kinh doanh còn tận dụng nền tảng công nghệ để tư vấn, bán hàng trực tuyến.

Tháng 11/2023, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ chạm mức cao nhất trong 1 năm qua
Làng nghề thủ công mỹ nghệ “bắt trend” bán hàng online

Bên cạnh đó, làng nghề Vạn Phúc cũng tích cực đưa những sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Tất cả sản phẩm được dán tem nhãn "Lụa Vạn Phúc", được bảo hộ độc quyền tới người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế”, ông Phạm Khắc Hà nói.

Hay với làng nghề gốm sứ Giang Cao (Hà Nội), ông Đặng Đình Túc, Trưởng Ban đại diện của làng nghề cho biết: Bán hàng qua kênh online đang chiếm khoảng 26% trong cơ cấu kênh tiêu thụ.

Sản phẩm của làng đang được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản xuất giới thiệu, quảng bá và tiếp thị sản phẩm trên các ứng dụng điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, trên trang bán hàng như Shopee, Lazada...

Dù vậy, ông Đặng Đình Túc cũng chỉ ra: Trên các kênh tiêu thụ online sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề còn yếu so với sản phẩm cùng loại đến từ các nước khác. Nguyên do, sản phẩm của Giang Cao chậm đổi mới mẫu mã, thiếu tính sáng tạo, thiếu tính thương mại, khó sản xuất hàng loạt. Việc sáng tác mẫu mã sản phẩm hầu hết tự phát, chưa có cơ sở tập trung để cho nghệ nhân, thợ giỏi sáng tác, thiết kế mẫu mã. Thiếu liên kết giữa làng nghề với các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà chuyên môn ngành thủ công mỹ nghệ.

Xu thế sản xuất gốm sứ hiện nay là thay đổi mẫu mã rất nhanh, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm phải cập nhật và thích ứng”, ông Đặng Đình Túc cho hay.

Trên thực tế, việc bán hàng online đang được các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh tại làng nghề “bắt trend” tuy nhiên hếu hết đang được thực hiện một cách tự phát, người bán hàng chưa có kỹ năng, chưa có chiến lược kinh doanh phù hợp. Do vậy, mất nhiều thời gian để tiếp cận với khác hàng, hiệu quả chưa cao.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ và Phát triển làng nghề, để bán hàng online đạt hiệu quả, làng nghề cần các bước tiếp cận và cách bán hàng trực tuyến phù hợp.

Theo đó, về lựa chọn sản phẩm bán trực tuyến, có 3 cách mà hầu hết những người bán hàng tìm kiếm nguồn sản phẩm: Tự làm, bán buôn và vận chuyển tận nơi. Mỗi phương pháp đều có những lợi ích và hạn chế riêng. Dù chọn phương pháp nào, khi nghĩ về cách bán một sản phẩm trực tuyến hãy tìm kiếm những sản phẩm chúng ta có thể nắm bắt giá trị, có tiêu chuẩn và đáp ứng được nhu cầu trên thị trường.

Người bán cũng cần xác định thị trường mục tiêu cho sản phẩm, bởi thị trường cho bán hàng trực tuyến rộng lớn nhưng cạnh tranh quyết liệt, phương thức tốt nhất là phát triển thị trường ngách và đảm bảo khả thi. Để tìm được thị trường ngách, người dân làng nghề có thể sử dụng một số công cụ như: Tra cứu về xu hướng trên google, tham gia các nhóm truyền thông xã hội và cộng đồng trực tuyến liên quan đến thị trường, kiểm tra sự cạnh tranh của sản phẩm, sử dụng công cụ để kiểm tra độ lớn của thị trường ngách.

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh làng nghề cần thực hiện nghiên cứu thị trường; nhận dạng thương hiệu cho sản phẩm kinh doanh trực tuyến; xây dựng và phát triển một cửa hàng trực tuyến; thiết lập các quy trình thanh toán, vận chuyển và giữ liên lạc; tiếp tục điều chỉnh cách tiếp cận để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Tất cả những điều trên cần phải có trước khi chúng ta bắt đầu tiếp thị sản phẩm và cần được thực hiện từng bước một. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có thể liên tục thay đổi và điều chỉnh cách tiếp cận. Điều quan trọng là thực hiện bước đầu tiên để tạo đà cho mục tiêu kinh doanh của mình trong tương lai”, bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương