Lần đầu tiên một chủ tàu cá đánh bắt hải sản trái phép bị khởi tố

(Banker.vn) Chủ tàu cá Trần Văn Luyến đã bị khởi tố hình sự do tuyển hàng chục ngư dân lên 2 tàu cá qua vùng biển Malaysia đánh bắt hải sản trái phép.
Tập trung cao điểm xử lý hành vi vi phạm đánh bắt hải sản bất hợp pháp Gỡ "thẻ vàng" IUU: Nỗ lực, quyết liệt hoàn thành khuyến nghị của EC Thủ tướng Chính phủ: Xử lý nghiêm vi phạm, chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Tuyển hàng chục ngư dân đi khai thác cá trái phép

Giữa tháng 10/2023 Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Kiên Giang đã ra Quyết định khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt tạm giam đối với Trần Văn Luyến (sinh năm 1981 - ngụ phường Vĩnh Bảo, TP. Rạch Giá) và Phạm Chí Dũng (sinh năm 1965, ngụ xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” theo khoản 3 Điều 348 Bộ luật Hình sự.

Lần đầu tiên một chủ tàu cá đánh bắt hải sản trái phép bị khởi tố
Trần Văn Luyến (bên trái) bị bắt giữ và khởi tố

Theo cơ quan Công an, để điều tra xử lý vụ việc nêu trên, Cục Cảnh sát hình sự- Bộ Công an đã cử một tổ công tác gồm những cán bộ, điều tra viên nhiều kinh nghiệm phối hợp với Công an tỉnh Kiên Giang tổ chức điều tra. Ban chuyên án xác định việc các đối tượng đưa tàu, thuyền viên ra vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản có dấu hiệu hành vi “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép”.

Theo kết quả điều tra, Trần Văn Luyến (là chủ cặp tàu mang số hiệu KG-93949-TS và KG-93971-TS) đã chỉ đạo cho Phạm Chí Dũng, là thuyền trưởng tuyển ngư phủ lên 2 tàu cá trên qua vùng biển Malaysia khai thác hải sản trái phép, mang về Việt Nam bán, thu lợi.

Theo đó vào tháng 9/2022, Dũng tuyển 27 ngư phủ đi qua vùng biển Malaysia khai thác hải sản trái phép. Khi tàu đến khu vực đánh bắt, Luyến kêu Dũng xóa số cuối của tàu để tránh bị phát hiện. Sau khi khai thác hơn 1 tháng, ngày 18/10/2022, Dũng điều khiển cặp tàu quay về Việt Nam thì bị lực lượng Cảnh sát Biển Vùng 4 phát hiện bắt và xử phạt 27,9 triệu đồng. Sau khi nộp phạt, Dũng điều khiển tàu chạy về Sông Đốc, Cà Mau bán hải sản được khoảng 2 tỷ đồng.

Đến ngày 25/10/2022, Luyến tiếp tục chỉ đạo cho Dũng điều khiển cặp tàu cùng số ngư phủ nêu trên qua vùng biển Malaysia khai thác hải sản. Trong lúc đang đánh bắt ở khu vực thuộc vùng biển chồng lấn giữa Malaysia và Indonesia bị lực lượng chức năng Indonesia phát hiện, bắt giữ. Đến tháng 4/2023, Dũng cùng các ngư phủ được thả về Việt Nam.

Qua điều tra, cơ quan Công an cũng phát hiện thủ đoạn đối phó tinh vi của các đối tượng. Cụ thể, đối tượng Luyến chỉ đạo cho Dũng thực hiện việc tắt thiết bị giám sát hành trình khi tàu qua vùng biển nước ngoài và vẽ lại số hiệu tàu để trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Hành vi của hai đối tượng được xác định đã vì động cơ vụ lợi cá nhân mà chuẩn bị phương tiện (tàu), tìm kiếm thuyền viên, ngư dân, tắt thiết bị giám sát định vị, sửa biển kiểm soát tàu... để tổ chức cho 27 ngư dân xuất cảnh trái phép ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Nỗ lực chống bắt hải sản trái phép

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đây là vụ án hình sự đầu tiên về hành vi đưa tàu và ngư phủ ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Bởi thực tế từ trước đến nay, hành vi vi phạm về đánh bắt hải sản mới chỉ bị xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe. Được biết vụ án này vẫn đang được cơ quan Công an tiếp tục điều tra mở rộng, xử lý các đối tượng có liên quan.

Liên quan đến khai thác hải sản bất hợp pháp, theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thời gian qua Ủy ban châu Âu (EC) đã rằng khẳng định sẽ không xem xét gỡ "thẻ vàng" nếu Việt Nam tiếp tục để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và có nguy cơ bị cảnh báo "thẻ đỏ". Việc này không chỉ tác động nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, uy tín, vị thế ngoại giao của quốc gia trên trường quốc tế.

Trong khi đó EU hiện nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trị giá 11 tỷ USD năm 2022, thị trường EU đóng góp khoảng 1,3 tỷ USD.

Để khắc phục "thẻ vàng" EC, thời gian qua các tỉnh như Kiên Giang, Cà Mau, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu… đã và đang tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật trên biển. Chẳng hạn tỉnh Cà Mau đã huy động cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc triển khai quyết liệt, đồng bộ có hiệu quả các giải pháp như: mở lớp tuyên truyền tại các xã, Đồn Biên phòng; phát thanh trên hệ thống truyền thông của cấp xã; phát thanh ngoài biển trên tần số của các đài trực canh dân sự duyên hải; nhắn tin qua điện thoại; in ấn tờ rơi, tờ gấp, pano, sơ đồ, bản đồ ranh giới biển, khu vực vùng cấm khai thác, thực hiện các phóng sự chuyên đề... Với tỉnh Kiên Giang, các ngành chức năng và địa phương cũng đồng loạt mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm tàu cá vi phạm, thành lập nhiều tổ điều tra, xác minh, xử lý tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Mặt khác, qua tuyên truyền, vận động của ngành chức năng, địa phương, sự hiểu biết, trách nhiệm, ý thức của chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, các doanh nghiệp thủy sản về những quy định của pháp luật về chống IUU được nâng lên.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và TP. Hồ Chí Minh đã cùng phối hợp để đấu tranh với các đối tượng tổ chức, môi giới xuất, nhập cảnh trái phép nhằm khai thác hải sản trái phép ở các vùng biển nước ngoài. Qua đó ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân của các tỉnh, thành phố vi phạm khai thác hải sản trái pháp luật ở vùng biển nước ngoài, quyết tâm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.

Ngọc Thùy

Theo: Báo Công Thương