Làm sao để người dân biết được thông tin chất lượng nước sinh hoạt?

(Banker.vn) Đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ hơn việc tổ chức công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, để thực hiện một cách thực chất và hiệu quả.
Thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, Đà Nẵng đề nghị thủy điện xả nước khẩn cấp Nghệ An: Hé lộ nguyên nhân nước sinh hoạt màu vàng và lắng cặn Sau chục năm bình ổn, nước sinh hoạt ở Hà Nội sắp tăng giá

Nước không phải nguồn tài nguyên vô tận và bất biến

Chiều 20/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương nhất trí với tờ trình của Chính phủ và dự thảo luật về tên gọi của luật là Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Tên gọi nhấn mạnh vào ý nghĩa tài nguyên của nước - là một nguồn tài nguyên quý giá, tối quan trọng với sự sống con người và các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, thế nhưng trong thời gian qua, ý nghĩa tài nguyên của nước chưa thực sự được coi trọng.

Làm sao để người dân biết được thông tin chất lượng nước sinh hoạt?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương phát biểu thảo luận tại hội trường

Việt Nam là quốc gia có may mắn sở hữu nguồn tài nguyên nước đa dạng và dồi dào. Tuy nhiên, nước không phải nguồn tài nguyên vô tận và bất biến. Chính việc chưa coi nước là tài nguyên quý giá nên việc khai thác, sử dụng nước thời gian qua nhiều khi chưa được quan tâm đúng mức đến việc tiết kiệm, hiệu quả, gắn khai thác, sử dụng với việc bảo vệ nguồn nước và hành lang nguồn nước khiến cho nhiều nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, bị cạn kiệt, ảnh hưởng tiêu cực tới môi sinh, cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân - đại biểu đoàn Hải Dương nêu.

Riêng việc ô nhiễm nguồn nước, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga dẫn chứng con số thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế: Mỗi năm Việt Nam có khoảng trên 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém; gần 250.000 người nhập viện vì tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm; khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là ô nhiễm nguồn nước.

Bên cạnh đó, việc sụt giảm đến mức báo động về trữ lượng nước do nhiều nguyên nhân cũng đòi hỏi có những quy định, giải pháp quyết liệt để ngăn ngừa nguy cơ mất an ninh nguồn nước. Bởi thế, việc nhấn mạnh khía cạnh tài nguyên của nước trong tên gọi của Luật và quy định xuyên suốt trong các nội dung của luật, nhất quán quan điểm: Nước là tài sản công và sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý.

Tài nguyên nước là cốt lõi trong xây dựng, quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch dân cư, quy hoạch các ngành, lĩnh vực có khai thác, sử dụng nước, hoạch định chiến lược phát triển đất nước. Phạm vi điều chỉnh của luật quy định tại điều 1, theo tôi là phù hợp và đầy đủ- đại biểu nói.

Về các hành vi bị nghiêm cấm (điều 10), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, điều 10 đã quy định tương đối đầy đủ và rõ ràng các hành vi bị nghiêm cấm trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước. So với luật Tài nguyên nước hiện hành, dự thảo luật lần này có bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm, đảm bảo việc quản lý nguồn nước được chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, trong khoản 4 có quy định hành vi bị cấm là “lấp sông suối, kênh rạch” chưa rõ các hành vi bị cấm. Trên thực tế hiện nay, rất nhiều dòng sông tuy chưa bị lấp nhưng bị người dân lấn chiếm phần diện tích ven sông rất nhiều bằng cách đổ vật liệu bồi đắp biến phần mặt nước sông thành diện tích đất để sử dụng.

Hầu như những con sông có các hộ gia đình sinh sống hai bên bờ sông đều rơi vào tình trạng bị lấn chiếm, vì vậy, cần quy định rõ hành vi bị cấm là lấn chiếm, lấp sông suối, kênh rạch… - bà Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị.

Cần quy định rõ thông tin chất lượng nước sinh hoạt

Về chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá, dự thảo Luật đã quy định về việc ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước để cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước ngọt.

Để chính sách này có thể đi vào thực tế cuộc sống, có cơ chế để triển khai thực hiện hiệu quả, cần làm rõ việc ưu tiên và các chính sách ưu đãi được thực hiện như thế nào. Kinh nghiệm cho thấy, các chính sách ưu tiên, ưu đãi chỉ đạt được hiệu quả khi có các quy định, quy trình cụ thể để triển khai. Nếu các quy định về chính sách ưu đãi chỉ mang tính chất chung chung sẽ rất dễ bị vướng, thậm chí bị lãng quên khi Luật có hiệu lực thi hành.

Về bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt (điều 28), đại biểu cho biết, mục b khoản 2 của điều 10 trong dự thảo luật quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm: Tổ chức công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng của nguồn nước sinh hoạt đối với các nguồn nước trên địa bàn.

Quy định về trách nhiệm nói trên của UBND cấp tỉnh là hợp lý và cần thiết để tăng cường tính hiệu lực, hiêu quả và trách nhiệm của chính quyền cũng như người dân trong bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, để đông đảo nhân dân nắm được thông tin về chất lượng nguồn nước sinh hoạt để có phương án lựa chọn sử dụng nước hợp vệ sinh.

Tuy nhiên, đại biểu nhận xét, quy định trên còn quá chung chung, chưa rõ hình thức thực hiện: Công bố thông tin như thế nào? Trên các kênh nào? Theo chu kỳ nào? Bao lâu phải công bố một lần hay công bố từng năm? Đại biểu đề nghị điều này cần được quy định rõ hơn để có thể thực hiện một cách thực chất và hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng nhất trí cao với việc bổ sung nội dung phòng chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước vào dự thảo luật để đảm bảo loại trừ tối đa các hành vi tác động tiêu cực tới nguồn nước. Khoản 5 điều này quy định: Các hồ chứa, đập dâng và công trình khai thác, sử dụng nước khác khai thác nước không hiệu quả, gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng thì phải cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc phá dỡ.

“Quy định như trên còn khá dễ dãi, chưa nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ nguồn nước khi “gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước” tới mức nghiêm trọng mới phải cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc phá dỡ- đại biểu nhận định.

Mặt khác, mức độ “ô nhiễm nghiêm trọng” cụ thể là như thế nào cũng chưa được quy định rõ. Đại biểu đề nghị sửa theo hướng bỏ cụm từ “nghiêm trọng”, các hồ chứa, đập dâng và công trình khai thác nước sử dụng không hiệu quả, gây suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước phải cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc phá dỡ. Như vậy, mới nâng cao được trách nhiệm, hiệu quả của việc phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.

Quỳnh Nga - Thu Hường

Theo: Báo Công Thương