Làm rõ các trường hợp thu hồi đất, những cơ quan nào sẽ quyết định?

(Banker.vn) Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ các trường hợp thu hồi đất và những cơ quan nào sẽ quyết định bởi Luật thì phải rõ ràng, khách quan, minh bạch.
Thu hồi đất không đủ diện tích để tránh nhà “siêu mỏng, siêu méo” Cần giải trình trách nhiệm về thu hồi đất làm sân bay Long Thành chậm 3 năm Kiểm toán nhà nước: Nhiều vướng mắc trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư

Đề nghị làm rõ các trường hợp thu hồi đất

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 3/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Làm rõ các trường hợp thu hồi đất, những cơ quan nào sẽ quyết định?
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - đoàn Nam Định đánh giá cao Báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất công phu, cầu thị trách nhiệm và tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội

Quan tâm góp ý về quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều79, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị làm rõ các trường hợp thu hồi đất là trường hợp gì và những cơ quan nào sẽ quyết định bởi Luật thì phải rõ ràng, khách quan, minh bạch, nhất là trường hợp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng, trường hợp mà chưa làm rõ được thì thì sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung sau theo thủ tục rút gọn. Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát các khoản 1 đến khoản 31 Điều này.

Liên quan đến quy định về đất đai với khu vực đầu tư nước ngoài, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho biết, dự thảo Luật Đất đai tại các Điều 28, Điều 79 và Điều 128 đã bổ sung quy định dự án đầu tư nước ngoài đã được Quốc hội hoặc Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư thì được thu hồi đất hoặc được phép thương lượng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong phạm vi dự án.

Đại biểu cho rằng, những quy định nêu trên là phù hợp và cần thiết. Về Điều 28, đại biểu nhất trí chọn phương án 2 vì quy định này rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta sắp phải thực hiện quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD.

Quy định này sẽ giúp các nhà đầu tư sắp vào nước ta sẽ tiếp tục ở lại cũng như thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, đại biểu tán thành với những nội dung này của dự thảo luật.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn - đoàn Bắc Giang cũng đánh giá cao tinh thần cầu thị hoàn thiện dự thảo Luật của cơ quan soạn thảo…

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận, xem xét thông qua dự thảo Luật một cách thận trọng song cũng phải hết sức khẩn trương để giải quyết càng sớm càng tốt những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra bởi những bất cập của Luật đất đai hiện hành, đồng thời tránh những khó khăn phát sinh do tâm lý chờ đợi Luật đất đai (sửa đổi) ban hành bảo đảm đồng bộ với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các luật liên quan.

Nêu vấn đề đang đặt ra từ thực tiễn đòi hỏi cần được giải quyết triệt để hơn thông qua việc sửa luật lần này, đại biểu đề nghị tại Điều 79 quy định về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã liệt kê 31 trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn việc liệt kê các trường hợp cụ thể như vậy có thể sẽ chưa bao quát hết.

Đại biểu cho rằng, quy định như vậy vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Vì vậy, đề xuất Quốc hội xem xét chỉnh sửa, bổ sung điều chỉnh các điều khoản liên quan trong dự thảo luật theo hướng Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng thực hiện dự án.

Mở rộng đối tượng cho thuê đất không qua đấu giá

Đại biểu Hà Đức Minh - đoàn Lào Cai cũng đánh giá cao dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp thu và giả trình đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã đảm bảo cho ba nội hàm: công tác quản lý của nhà nước, quyền lợi của nhân dân; trách nhiệm và lợi ích của các tổ chức và doanh nghiệp.

Làm rõ các trường hợp thu hồi đất, những cơ quan nào sẽ quyết định?
Đại biểu Hà Đức Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Đóng góp ý kiến, đại biểu nêu, tại Điều 105 quy định 4 trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất, trong đó tại khoản 4 nêu: Công trình hạ tầng kỹ thuật hạ tầng xã hội có công trình xây dựng khác không còn sử dụng trước thời điểm có quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền.

Theo đại biểu, việc quy định không còn sử dụng là chưa rõ ràng, nhất là khi xem xét bồi thường các công trình kỹ thuật phục vụ dự án đầu tư của doanh nghiệp, có thể do khó khăn về kinh tế, mà nhà đầu tư phải ngừng, tạm dừng dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 121 quy định về nhà nước cho thuê đất, thu tiền thuế đất một lần cho cả thời gian thuê trong một số trường hợp, đặc biệt là mở rộng cho các dự án về du lịch.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư các công trình cung cấp dịch vụ công như y tế, giáo dục và môi trường cần nghiên cứu đối tượng này được trả tiền thuế đất một lần.

Tại khoản 3 Điều 125 quy định về các trường hợp nhà nước cho thuê đất không thông qua đấu giá, trong đó có trường hợp cho thuê đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh đối với người được nhà nước cho thuê đất, thu tiền thuế đất hàng năm, nhưng phải di dời ra khỏi vị trí do ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật; hỗ trợ cho thuê đất để tiếp tục sản xuất kinh doanh đối với trường hợp thu hồi đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của người đang sử dụng quy định tại điểm d.

Ngoài ra, tại điểm d khoản 2 Điều 9 quy định đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp gồm: Đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất thương mại dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.

Đại biểu cho hay, để phát triển kinh tế - xã hội mà nhà nước phải thu hồi đất thương mại dịch vụ, không phải đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp như đất trụ sở cơ quan, đất nhà hàng, siêu thị, khách sạn, trạm xăng, trạm dừng nghỉ, trạm sạc điện xe… thì người thu hồi đất sẽ không được thuê đất để tiếp tục kinh doanh nữa.

"Muốn kinh doanh phải đi tìm đất đấu giá nhưng nếu đấu giá không được người khác chúng, đương nhiên người bị thu hồi đất phải dừng hoạt động đóng cửa, sa thải người lao động" - đại biểu nêu.

Như vậy không đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của người đang sử dụng đất, không đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận đất đai. Đại biểu đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng cho thuê đất không qua đấu giá đối với trường hợp này để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh theo nguyên tắc thu hồi thì phải bố trí lại để tái sản xuất.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương