Lạm phát toàn cầu năm 2022 dự báo ở mức 6,5%

(Banker.vn) Lạm phát giá tiêu dùng đã vượt quá mục tiêu của các ngân hàng trung ương (NHTW) ở hầu hết các quốc gia thực hiện cơ chế lạm phát mục tiêu. Các NHTW đã chuyển sang đợt tăng lãi suất lớn nhất trong 20 năm qua.

Biểu đồ: Các quốc gia có lạm phát vượt quá mục tiêu (%)

 

Lạm phát toàn cầu tính đến quý II/2022 là 7,8%, mức cao nhất kể từ năm 2008, khi đó, lạm phát lên tới 9,2%. Thực tế ở tất cả các quốc gia đặt mục tiêu lạm phát, các mục tiêu này đều vượt quá - gần 90% các nền kinh tế đang phát triển và tất cả các nền kinh tế phát triển, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.

Lạm phát sẽ tiếp tục tăng với mức cao nhất dự kiến ​​vào giữa năm 2022 và sau đó, sẽ giảm dần do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, các thách thức logistic trong chuỗi cung ứng toàn cầu giảm bớt và giá hàng hóa giảm (mặc dù chúng sẽ vẫn ở mức cao). Theo dự báo của Consensus Economics đưa ra hồi tháng 5/2022, đến cuối năm nay, lạm phát toàn cầu sẽ ở mức khoảng 6,5%, cao hơn 1,5 lần so với dự báo tháng 2 (4%) được đưa ra trước khi bắt đầu cuộc xung đột quân sự ở Ukraine. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới vào giữa năm 2023, lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống 3% - vẫn cao hơn 1 điểm phần trăm so với năm 2019.

Trước đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã xác định 5 động lực chính của sự gia tăng lạm phát hiện nay:

Thứ nhất, tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng do nhu cầu phục hồi nhanh chóng sau đại dịch;

Thứ hai, sự dịch chuyển nhu cầu từ dịch vụ sang hàng hóa: chi tiêu cho hàng hóa đã tăng đáng kể do đại dịch, và một phần hiệu ứng này có thể kéo dài do những thay đổi trong xã hội - ví dụ, sự thay đổi hình thức làm việc theo hướng làm việc từ xa;

Thứ ba, mở rộng tài khóa: khoảng 16,9 nghìn tỷ USD đã được phân bổ để chống lại đại dịch trên khắp thế giới (hầu hết trong số đó là ở các nền kinh tế phát triển);

Thứ tư, thiếu hụt lao động: sự tham gia của lực lượng lao động ở một số quốc gia vẫn còn dưới mức trước đại dịch. Ví dụ, ở Mỹ, là 1,5%, tương đương 4 triệu lao động;

Thứ năm, xung đột quân sự ở Ukraine dẫn đến những cú sốc về nguồn cung trên thị trường năng lượng và thực phẩm: Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu lớn tại các thị trường này.

Tất cả các yếu tố này tạo ra rủi ro đáng kể là lạm phát sẽ tiếp tục tăng và kéo dài hơn dự báo hoặc duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới lưu ý rằng, vấn đề này diễn ra chỉ khi chuỗi cung ứng vẫn tiếp tục tắc nghẽn hoặc nếu cuộc xung đột quân sự kéo dài.

Các NHTW trên thế giới đã chuyển sang đợt tăng lãi suất lớn nhất trong hai thập kỷ qua. Theo Financial Times, trong ba tháng đầu năm 2022, NHTW trên toàn thế giới đã công bố hơn 60 đợt tăng lãi suất chủ chốt - đây là con số cao nhất kể từ ít nhất là đầu năm 2000. Fed đã công bố kết thúc chính sách tiền tệ siêu lỏng kéo dài thập kỷ. Theo đó, đã tăng lãi suất ba lần trong năm nay (trong đó, có lần tăng 0,75 điểm phần trăm vào tháng 6 là lần cao nhất kể từ năm 1994), và NHTW Anh, đã tăng lãi suất trong năm cuộc họp gần đây nhất. Theo Reuters, lạm phát trên 8% ở châu Âu đã biến ECB "từ bồ câu thành diều hâu", đồng thời, hứa hẹn sẽ chấm dứt hoạt động mua lại tài sản vào tháng 7 và tăng lãi suất hai lần trước tháng 9.

Ngân hàng Canada, các ngân hàng trung ương của Na Uy, Thụy Điển, Úc, Hungary, Hàn Quốc, Brazil, Mexico, Ấn Độ, Peru, Malaysia và Nam Phi cũng đã tăng lãi suất. Ngân hàng Thế giới ước tính, bất chấp sự thắt chặt toàn cầu này, lãi suất thực (đã điều chỉnh theo lạm phát) vẫn âm, trung bình âm 5,2% ở các nước phát triển và âm 3,2% ở các nước đang phát triển.

Nếu lạm phát vẫn ở mức cao thì kỳ vọng lạm phát có thể tăng lên, điều này sẽ dẫn đến việc tăng giá và tiền lương. Kỳ vọng lạm phát gia tăng sẽ buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách hơn so với dự báo, điều này sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế và một số nước có thể rơi vào suy thoái. Đồng thời, một số rủi ro khác có thể xảy ra - các đợt bùng phát coronavirus mới ở Trung Quốc với các đợt đóng cửa tiếp theo hoặc một đợt tăng giá năng lượng mới do xung đột quân sự ở Ukraine. Điều này làm tăng khả năng nền kinh tế thế giới sẽ bước vào thời kỳ lạm phát đình trệ, như những năm 1970.

Nhật Trung

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ