Lạm phát tăng mạnh, NHNN có thể sẽ tăng tốc độ thắt chặt tiền tệ

(Banker.vn) Lạm phát cơ bản tháng 10 tăng 4,47% so với cùng kỳ, BSC nhận định xu hướng này nếu duy trì trong thời gian tới sẽ tạo áp lực mạnh cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Lãi suất Ngân hàng HDBank cao nhất là 9,2%/năm trong tháng 11/2022

Tổng tài sản của các ngân hàng biến động ra sao sau 9 tháng 2022?

Người nhà “sếp lớn” VIB đẩy mạnh các giao dịch khi giá cổ phiếu giảm sâu

Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) đề cập đến CPI cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và dịch vụ y tế và giáo dục) tăng 4,47% so với cùng kỳ trong tháng 10, khiến mức bình quân 10 tháng là 2,14%.

Khối phân tích BSC cho rằng tốc độ tăng của CPI cốt lõi vượt lên CPI cho thấy yếu tố đáng quan ngại về áp lực tăng giá của nhóm hàng hóa dịch vụ. Xu hướng này nếu duy trì trong thời gian tới sẽ tạo áp lực mạnh cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Lạm phát cơ bản tháng 10 tăng mạnh, BSC cảnh báo xu hướng này kéo dài sẽ khiến NHNN tăng tốc độ thắt chặt tiền tệ (Ảnh minh họa)
Lạm phát cơ bản tháng 10 tăng mạnh, BSC cảnh báo xu hướng này kéo dài sẽ khiến NHNN tăng tốc độ thắt chặt tiền tệ (Ảnh minh họa)

Theo BSC, mức độ mất giá của VND so với USD vẫn ở mức thấp so với nhiều đồng tiền khác như yen Nhật, Bạt Thái, Nhân dân tệ, won Hàn Quốc,… Dự trữ ngoại hối hiện tại ước đạt 85,7 tỷ USD, NHNN vẫn còn dư địa để điều tiết tỷ giá.

Các chuyên gia tại đây cũng dự báo đà tăng của tỷ giá USD/VND có thể chậm lại khi NHNN nâng lãi suất điều hành giúp bình ổn lại dòng vốn ngoại đang có xu hướng chảy khỏi thị trường Việt Nam.

Trong báo cáo mới nhất, bộ phận phân tích của Công ty CP Chứng khoán VNDirect cũng nêu vấn đề khó khăn đang gia tăng sẽ tạo thêm áp lực cho NHNN phải thắt chặt chính sách. Cụ thể Fed vẫn quyết liệt theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ với kế hoạch tăng thêm khoảng 150 điểm cơ bản lãi suất điều hành trong vòng 6 tháng tới.

Hôm 24/10, NHNN thông báo tăng loạt lãi suất điều hành và áp dụng từ ngày 25/10. Theo đó, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại các tổ chức tín dụng là 6%/năm, thay vì 5%/năm như mức cũ.

Riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa cho tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6,5% một năm.

Với khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, trần lãi suất được nâng từ 0,5% lên 1% một năm.

Bên cạnh đó, 2 loại lãi suất điều hành khác gồm lãi suất tái cấp vốn; tái chiết khấu cũng tăng thêm 1 điểm phần trăm, lên tương ứng 6% một năm và 4,5% một năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế tăng từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm.

Quyết định tăng lãi suất điều hành được NHNN giải thích do áp lực lạm phát toàn cầu ở mức cao. Trong bối cảnh này, cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên mức 3-3,25% một năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Ngoài ra, việc đồng USD lên giá mạnh đã làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.

Thu Thủy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán