Lạm phát tại Mỹ tăng cao, thị trường Phố Wall chao đảo

(Banker.vn) Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của nước này tăng cao hơn dự báo của giới phân tích, làm giảm bớt kỳ vọng về khả năng FED hạ lãi suất.
Biến động giá năng lượng, lạm phát liệu còn đeo bám nền kinh tế năm 2024? Kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2024: Không đơn giản! Lạm phát không quá lo, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Lạm phát Mỹ tăng cao hơn dự báo

Theo đó, CPI của Mỹ tăng 0,3% trong tháng 1 và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhà ở tăng 0,6% trong tháng 1, đóng góp vào 2/3 mức tăng CPI. Trong khi CPI lõi (loại bỏ giá năng lượng và thực phẩm) cũng tăng 0,4% so với tháng trước và 3,9% so với cùng kỳ. Mức dự báo trước đó lần lượt là 0,3% và 3,7%.

My
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tháng 1 tăng cao hơn dự báo của giới phân tích, làm giảm bớt kỳ vọng về khả năng FED sớm hạ lãi suất

Thị trường việc làm tăng trưởng tốt, sức mua của thị trường được duy trì là những chỉ dấu cho thấy lạm phát tại Mỹ chưa thế giảm xuống mức 2% như mong muốn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Thị trường Phố Wall chao đảo

Sau thông báo từ Bộ Lao động Mỹ, thị trường Phố Wall phản ứng tương đối mạnh. Theo đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 522,05 điểm (-1,36%) xuống 38.275,33 điểm, S&P 500 mất 68,14 điểm (-1,37%) và đóng cửa ở mức 4.953,70 điểm. Trong khi đó, Nasdaq Composite trượt 282,64 điểm (-1,79%) còn 15.659,91 điểm. Chỉ số Dow Jones ghi nhận mức giảm phần trăm trong một ngày lớn nhất trong gần 11 tháng sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố dữ liệu.

Thị trường tiền điện tử cũng biến động mạnh. Giá Bitcoin giảm gần 3%, từ mức hơn 50.000 USD xuống 48.600 USD chỉ trong vài phút.

Ngoài ra, các công ty vốn hóa lớn nhạy cảm với lãi suất như Microsoft, Alphabet, Amazon.com và Meta Platforms đều chứng kiến mức giảm từ 1,6% đến 2,2%, do lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất trong 2 tháng. Hầu hết các cổ phiếu chip như Micron Technology, Qualcomm và Broadcom cũng đi xuống, kéo chỉ số Philadelphia SE Semiconductor giảm 2%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng cao hơn vào phiên 13/2 do căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông và Đông Âu tiếp tục là tâm điểm của sự quan tâm. Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 77 cent, tương đương 0,94% ở mức 82,77 USD/thùng, dầu thô WTI tăng 95 cent, tương đương 1,24%, ở mức 77,87 USD/thùng.

Báo cáo mới của chính phủ Mỹ cho thấy lạm phát tiêu dùng vẫn tăng cao. Các nhà hoạch định chính sách của FED được cho là sẽ chần chừ hơn trong việc cắt giảm lãi suất. Điều này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu về dầu, đồng thời cũng đẩy USD lên mức cao và làm giảm nhu cầu đối với những người mua thanh toán bằng các loại tiền tệ khác.

Báo cáo CPI được nhiều người mong đợi là sự thất vọng đối với những người kỳ vọng lạm phát sẽ giảm xuống. Nhìn chung các con số đều ‘nóng’ hơn dự kiến, điều này chắc chắn FED sẽ cần nhiều dữ liệu hơn trước khi bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất”, ông Quincy Krosby, chiến lược gia toàn cầu tại LPL Financial nhận định.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương