Lạm phát ở Anh chạm mức cao nhất trong 30 năm

(Banker.vn) (thitruongtaichinhtiente.vn) - Lạm phát giá tiêu dùng tại London (Anh) đã tăng vọt lên mức cao nhất trong ba thập kỷ vào tháng trước, làm gia tăng sức ép lên Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak trong nỗ lực giảm bớt áp lực về chi phí sinh hoạt đối với người dân.

Theo đó, tỷ lệ lạm phát hàng năm từ mức 6,2% trong tháng 2 đã tăng lên 7,0% vào tháng 3, mức cao nhất kể từ tháng 3/1992 và cao hơn dự kiến ​​của hầu hết các nhà kinh tế.

Mức tăng theo tháng đạt mức cao nhất trong năm kể từ khi hồ sơ của Văn phòng Thống kê Quốc gia bắt đầu vào năm 1988. Mức tăng giá trên diện rộng, từ nhiên liệu xe cộ đến thực phẩm và đồ đạc, đều là nguyên nhân dẫn đến mức lạm phát tăng cao chưa từng thấy.

Theo các nhà dự báo ngân sách của Anh, các hộ gia đình đang phải đối mặt với mức thắt chặt chi phí sinh hoạt lớn nhất kể từ năm 1950. Lạm phát tăng vọt cũng là một tin xấu đối với chính phủ.

"Tôi biết đây là thời điểm đáng lo ngại đối với nhiều hộ gia đình. Chúng tôi đang nỗ lực giảm bớt gánh nặng do lạm phát gia tăng, bằng cách cung cấp khoản hỗ trợ trị giá khoảng 22 tỷ bảng Anh (29 tỷ USD) trong năm tài chính này", Bộ trưởng Sunak cho biết.

Jack Leslie, nhà kinh tế cấp cao của Resolution Foundation cho rằng khoản hỗ trợ mà Thủ tướng đưa ra quá ít ỏi so với việc thắt chặt mức sống đối với người dân. Và quyết định này chắc chắn sẽ phải được xem xét lại.

Lạm phát ở Anh đã tăng lên mức chưa từng có trong năm qua khi giá năng lượng tăng và những khó khăn về chuỗi cung ứng vì đại dịch vẫn tiếp diễn.

Vào tháng trước, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách của Anh dự báo lạm phát sẽ đạt mức cao nhất trong 40 năm là 8,7% vào quý cuối cùng của năm 2022.

Ngày 5/5, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) sẽ tăng lãi suất từ 0,75% lên 1% trước khi đưa lên mức 2 -2,25% vào cuối năm 2022. BOE dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong suốt năm nay do áp lực chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng.

Samuel Tombs, Trưởng nhóm kinh tế của Anh tại Pantheon Macroeconomics, dự báo lạm phát ở mức 8,8% vào tháng 4 khi hóa đơn tiện ích của hộ gia đình tăng vọt, nhưng sau đó sẽ giảm xuống dưới 2% trong nửa cuối năm tới.

Dữ liệu ngày 13/4 cho thấy CPI cốt lõi (không bao gồm giá thực phẩm, năng lượng, rượu và thuốc lá) đã tăng từ mức 5,2% trong tháng 2 lên 5,7% trong tháng 3.

Chỉ số giá bán lẻ - một thước đo lạm phát cũ nhưng được sử dụng rộng rãi trong các hợp đồng thương mại tại Anh và để trả lãi suất trái phiếu chính phủ liên quan đến lạm phát - đã tăng lên 9,0%, mức cao nhất kể từ năm 1991.

Có những dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng khi các nhà sản xuất tăng giá 11,9% trong vòng 12 tháng tính đến tháng 3, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2008. Ngoài ra, chi phí nguyên liệu thô đã tăng vọt lên 19,2%, mức tăng cao nhất bắt đầu vào năm 1997.

Theo: