Lạm phát giá bán buôn tại Mỹ giảm tháng thứ năm liên tiếp xuống 7,4%

(Banker.vn) Dữ liệu cho thấy áp lực lạm phát tại Mỹ đang bắt đầu hạ nhiệt dù với tốc độ chậm.

Chỉ số giá bán buôn tại Mỹ đã tăng 7,4% trong tháng 11 so với một năm trước đó, mức giảm tháng thứ năm liên tiếp và là dấu hiệu đầy hy vọng cho thấy áp lực lạm phát trên toàn bộ nền kinh tế đang tiếp tục hạ nhiệt (so với mức 8% trong tháng 10 và mức cao nhất gần đây là 11,7% vào tháng 3).

Ngày 9/12, Chính phủ Mỹ cho biết, chỉ số giá sản xuất – dùng để đo lường chi phí trước khi đến tay người tiêu dùng - đã tăng 0,3% trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 11 và là tháng thứ ba liên tiếp tăng.

Thước đo giá sản xuất “cốt lõi”, loại trừ chi phí năng lượng và thực phẩm dễ bay hơi, cũng đã tăng tốc, tăng 0,4% từ tháng 10 đến tháng 11. Chỉ số này chỉ tăng 0,1% từ tháng 9 đến tháng 10. Tuy nhiên, nhìn vào 12 tháng qua, giá sản xuất cốt lõi đã tăng 6,2% trong tháng 11, thấp hơn mức 6,7% trong tháng 10.

Những số liệu mới nhất phản ánh sự thay đổi liên tục của lạm phát từ hàng hóa sang dịch vụ. Chi phí hàng hóa chỉ tăng 0,1% từ tháng 10 đến tháng 11, với giá xăng dầu bán buôn giảm 6%. Giá thực phẩm là một ngoại lệ: tăng 3,3% trong tháng trước, do giá rau, trứng và thịt gà đắt hơn.

Ngược lại, giá dịch vụ tăng nhiều hơn, tăng 0,4%, chủ yếu do các dịch vụ tài chính đắt đỏ hơn. Tuy nhiên, giá vé máy bay và phòng khách sạn đều giảm và giá dịch vụ tổng thể đã chậm lại trong ba tháng qua.

“Lạm phát nói chung đang đi đúng hướng, mặc dù với tốc độ chậm,” Tập đoàn Dịch vụ Tài chính PNC cho biết trong một báo cáo nghiên cứu. “Các kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của FED sẽ vẫn tích cực cho đến khi các dấu hiệu rõ ràng, nhất quán về việc kiểm soát hoàn toàn lạm phát được chứng minh.”

Giá cả vẫn tăng

Giá cả tăng cao vẫn đang gây căng thẳng cho tài chính của người Mỹ, đặc biệt là đối với thực phẩm, tiền thuê nhà và các dịch vụ như cắt tóc, chăm sóc y tế và ăn uống tại nhà hàng. Tuy nhiên, một số xu hướng gần đây đã kết hợp để làm chậm lạm phát từ mức cao nhất trong bốn thập kỷ ghi nhận hồi giữa năm như giá xăng đã giảm sau khi đạt mức cao nhất là 5 USD/gallon (1,32 USD/ lít) vào tháng Sáu. Theo AAA, giá xăng trung bình trên toàn quốc ngày 8/12 là 3,33 USD/gallon (0,88 USD/lít), sát dưới mức trung bình một năm trước.

Và những khó khăn của chuỗi cung ứng gây ra sự chậm trễ kinh niên trong vận chuyển và tình trạng thiếu nhiều hàng hóa, từ bàn ghế ngoài trời đến rèm cửa, đang được dần gỡ bỏ. Các cảng của Mỹ đã giải quyết xong lượng tàu tồn đọng mà đầu năm nay phải mất hàng tuần để dỡ hàng. Và chi phí vận chuyển một container hàng hóa từ châu Á đã giảm mạnh trở lại mức trước đại dịch.

Do đó, giá của các hàng hóa lâu bền, từ ô tô và đồ nội thất đã qua sử dụng đến các thiết bị gia dụng và một số thiết bị điện tử, đang giảm bớt.

Dữ liệu giá sản xuất công bố ngày 9/12 phản ánh lạm phát ở giai đoạn đầu của quá trình sản xuất và thường có thể báo hiệu xu hướng giá tiêu dùng.

Tuần tới, chính phủ sẽ báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Báo cáo CPI gần đây nhất (tháng 10), cho thấy lạm phát ở mức vừa phải, với giá cả tăng 7,7% so với một năm trước đó. Mặc dù vẫn còn cao, nhưng đó là con số hàng năm thấp nhất kể từ tháng 1/2022.

Chủ tịch FED Jerome Powell, trong một bài phát biểu vào tuần trước, đã chỉ ra giá hàng hóa giảm là một dấu hiệu đáng khích lệ. Powell gợi ý rằng chi phí nhà ở, bao gồm cả tiền thuê nhà, vốn là nguyên nhân chính gây ra lạm phát, cũng sẽ bắt đầu chậm lại vào năm tới.

Chủ tịch FED cũng đưa ra tín hiệu ngân hàng trung ương có thể sẽ tăng lãi suất chuẩn với mức tăng nhỏ hơn khi họp vào tuần tới. Các nhà đầu tư dự đoán FED sẽ tăng 0,5 điểm, sau bốn lần tăng 0,75 điểm liên tiếp.

Tuy nhiên, ông Powell lưu ý, giá dịch vụ - khu vực lớn nhất của nền kinh tế Mỹ - vẫn đang tăng với tốc độ nhanh trong lịch sử. Ông lưu ý rằng tiền lương tăng nhanh là động lực chính của lạm phát dịch vụ. Đó là bởi vì khi tiền lương tăng, nhiều doanh nghiệp chuyển chi phí lao động cao hơn cho khách hàng của họ thông qua giá sản phẩm/dịch vụ cao hơn, điều này làm tăng lạm phát.

Tiền lương vẫn đang tăng nhanh và có thể tiếp tục thúc đẩy lạm phát cao hơn trong hầu hết năm tới. Trong báo cáo việc làm của tháng 11 vào tuần trước, chính phủ cho biết, mức lương trung bình theo giờ đã tăng 5,1% so với một năm trước đó, cao hơn nhiều so với tốc độ trước đại dịch. Ông Powell cho biết mức tăng lương gần 3,5% là cần thiết để giảm lạm phát xuống mục tiêu 2% hàng năm của FED.

Hải Yến

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ