Làm mới động lực kích cầu tiêu dùng

(Banker.vn) Tiêu dùng nội địa là một trong 3 chân kiềng của tăng trưởng kinh tế. Làm mới các động lực kích cầu tiêu dùng là nhiệm vụ đang được đặt ra.
Chuyên gia nói gì về kích cầu tiêu dùng nội địa? Ngành bán lẻ chuyển mình để bứt tốc trong kỷ nguyên mới

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Kích tiêu dùng tương xứng với quy mô nền kinh tế 500 tỷ USD

- Kết thúc quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây có là tiền đề cho sự bứt phá những quý tiếp theo không, thưa ông?

Ông Nguyễn Thường Lạng: Theo số liệu mới công bố của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2025 ước tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 18,3%.

Kết thúc quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước
Kết thúc quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước

Có thể thấy, nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng cao trong các kỳ nghỉ lễ, Tết đầu năm; số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao là các nhân tố đóng góp tích cực cho tăng trưởng của ngành thương mại, dịch vụ trong quý I này.

Đáng chú ý, để thúc tăng trưởng thị trường nội địa, mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 4/4/2025 giao chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 cho từng địa phương. Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BCT, các địa phương cũng đã bắt tay vào triển khai thực hiện. Đây là giải pháp quan trọng để thúc tăng trưởng thị trường nội địa trong nhưng quý tiếp theo của năm.

Tuy nhiên, năm 2025, tình hình chính trị và kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa trong và ngoài nước. Do đó, mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, nhưng so với mục tiêu Chính phủ giao tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu đạt 12%, nhiệm vụ của những quý còn lại của năm sẽ khá lớn.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, tôi cho rằng, cần thực hiện có hiệu quả các chương trình khuyến mại quốc gia; cần có hệ thống phân phối phù hợp hơn, thông minh hơn, đi vào mọi ngóc ngách để từ đó thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử; thúc đẩy kết nối giữa nhà sản xuất trong nước và các kênh phân phối hiện đại để mở rộng tiêu thụ sản phẩm nội địa trên cả nước. Bên cạnh đó, cần có các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất... để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cần thay đổi các chính sách tiền lương, thu nhập; điều chỉnh chính sách thuế thu nhập. Các địa phương cần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến nhiều hơn.

Từ đó, kích thích hoạt động tiêu dùng hàng hóa trong nước, tạo điều kiện cho dung lượng thị trường trong nước phải phát triển tương xứng với quy mô nền kinh tế dự kiến đạt khoảng hơn 500 tỷ USD trong năm nay.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp, đồng thời coi trọng việc thành lập doanh nghiệp mới với quy mô lớn hơn, phạm vi rộng hơn.

Thể chế chính sách không chỉ là quản lý, bảo vệ mà là khuyến khích tối đa, để giúp cho năng lực của khu vực này được bộc lộ. Khi đó, sẽ tạo ra thị trường lao động, đầu tư và các yếu tố khác. Từ đó, tăng tổng cầu.

Các đại dự án cũng cần được thúc đẩy nhanh. Mỗi bước thúc đẩy nhanh của các đại dự án sẽ giúp tăng tổng cầu. Từ đó, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Tất cả những yếu tố này nếu cộng gộp lại sẽ tạo ra được sức bật mới cả về thị trường, sản xuất của nền kinh tế.

Các chính sách hỗ trợ cần thực chất hơn

- Kích tổng cầu trong nước, ông có nhắc đến vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Đây là khu vực đang có đóng góp lớn trong tổng thể nền kinh tế, tuy nhiên, khu vực này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, ông bình luận gì về việc này?

Ông Nguyễn Thường Lạng: Khu vực kinh tế tư nhân hiện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những lý do cho tình trạng này là hệ thống pháp luật, chính sách còn bất cập, khiến doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực. Hệ thống pháp luật kinh doanh thiếu rõ ràng, thiếu cụ thể, chưa hợp lý, còn chồng chéo, mâu thuẫn, không tiên liệu hết các vấn đề có thể xảy ra.

Phát triển kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế thị trường đã được khẳng định từ cách đây khoảng gần 20 năm. Khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới, mở cửa nền kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân được cho là bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên, thực tế không hẳn là như vậy.

Tôi cho rằng, chúng ta cần định vị lại khu vực kinh tế tư nhân. Kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là động lực cho sự phát triển , khu vực kinh tế tư nhân phải là khu vực kinh tế bao trùm. Bởi khu vực này giải quyết việc làm cho người lao động không nằm trong khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế có vốn FDI.

Tôi xin nhấn mạnh cần xem xét kinh tế tư nhân là khu vực bao trùm cho Việt Nam, phát triển kinh tế bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau.

Chúng tôi cũng kỳ vọng với cách nhìn nhận mới, khu vực kinh tế tư nhân sẽ có quan điểm phát triển toàn diện hơn, được đối xử bình đẳng hơn, đồng thời, được hỗ trợ mạnh hơn nữa, thực chất hơn nữa, nhất là hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực đất đai, nguồn vốn...

- Trở lại câu chuyện tiêu dùng nội địa, làm mới các động lực kích cầu tiêu dùng, ông có khuyến nghị những giải pháp gì?

Ông Nguyễn Thường Lạng: Người tiêu dùng muốn tăng chi tiêu, phải có khoản thu nhập. Như tại Thái Lan, Chính phủ có các khoản trợ cấp cho nông dân, bên cạnh đó, họ có các chính sách phát tiền cho những người dân dễ bị tổn thương, yếu thế, thu nhập thấp... Sáng kiến này giúp họ thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Chính sách này, tôi cho rằng, Việt Nam nếu có thể cũng nên áp dụng.

Bên cạnh đó, về thuế thu nhập cá nhân, tôi cho rằng, cần đưa ra mức thuế thấp hơn. Đồng thời, đối với những doanh nghiệp có chính sách tốt với người lao động như tăng lương, tăng thưởng và các chính sách phúc lợi xã hội thì cần có cơ chế khuyến khích cho các doanh nghiệp này. Khi đó, sẽ giúp kích thích tiêu dùng thực sự.

Cùng với đó là các chính sách tín dụng tiêu dùng hay chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp cần phải đi vào thực chất hơn. Các chính sách cần được thực thi một cách triệt để, thấu đáo và chu kỳ chính sách cũng cần dài hơi hơn.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục