Làm gì để Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn?

(Banker.vn) Được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, song thách thức thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2024 vẫn rất lớn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói về 10 điểm sáng của ngành Top 10 địa phương thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất Hàn Quốc đứng số 1 trong số 144 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam

Đánh giá cao môi trường đầu tư Việt Nam

Năm 2023 được đánh giá là một năm tương đối thành công của Việt Nam trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn FDI đăng ký mới, vốn đăng ký tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Cùng với đó, vốn FDI giải ngân trong năm cũng tăng mạnh ở mức kỷ lục, đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022.

Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, năm 2023, Việt Nam thu hút hàng loạt dự án FDI chất lượng cao như: Dự án sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất chip…

Làm gì Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn?
Năm 2023, Việt Nam thu hút hàng loạt dự án FDI chất lượng cao

Đánh giá cao về môi trường đầu tư Việt Nam, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG nhận định: Chúng tôi thấy Việt Nam là một thị trường có tiềm năng lớn. Việt Nam có dân số trẻ, tràn đầy năng lượng và lực lượng lao động chất lượng tốt…

Điều này giúp Việt Nam trở thành trung tâm kết nối với Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á. Việt Nam có một nền chính trị ổn định trong một thời gian dài. Điều này giúp các công ty có thể ổn định việc kinh doanh” - ông Roongrote Rangsiyopash cho biết thêm.

Cũng đánh giá cao về môi trường đầu tư Việt Nam, bà Jo Eunjin, Phó Giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại-đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) văn phòng Hà Nội cho rằng: Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Hiện các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc đã trở lại thời điểm trước dịch Covid 19 và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông mới đây, bà Nicola Buck – Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách về Marketing của Tập đoàn BP và Castrol toàn cầu cho biết: BP đã có mặt tại Việt Nam hơn 30 năm và cam kết thực hiện các mục tiêu chuyển đổi năng lượng và trung hòa carbon của Việt Nam.

Tập đoàn luôn mong muốn mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong tương lai để góp phần cùng thực hiện mục tiêu chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững trong tương lai cũng như phát triển ngành công nghiệp theo hướng xanh hóa tại Việt Nam. Castrol và BP hy vọng, liên doanh sản xuất dầu mỡ nhờn hiện nay giữa Tập đoàn và Petrolimex sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tiếp tục hoạt động ổn định và bền vững trong tương lai.

Làm gì Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn?
Thu hút FDI năm 2024 được dự báo đối mặt với không ít thách thức

Giải pháp giúp Việt Nam tăng cường thu hút FDI

Mặc dù được coi là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Thách thức trong thu hút đầu tư nước ngoài năm 2024 mà Việt Nam phải đối mặt còn rất lớn. Cụ thể, trên thế giới, xung đột chính trị thế giới vẫn tiếp tục phức tạp và khó lường. Mặt khác, lạm phát toàn cầu vẫn được dự báo ở mức cao 5,8%, thậm chí cao hơn mức 5,2% của năm 2023.

Các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào quốc gia lân cận để rút ngắn bớt chuỗi cung ứng. Nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản - nằm trong nhóm những nguồn FDI lớn nhất của Việt Nam, Mỹ và một số nước trong EU, đều đang cố gắng hạn chế đầu tư ra nước ngoài bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng cường ưu đãi đầu tư trong nước để thu hồi vốn đầu tư nước ngoài.

Cạnh tranh trong thu hút đầu tư ngày càng khốc liệt, một số nước từ khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia với nguồn lực tốt hơn, giảm thuế hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đòi hỏi Việt Nam phải không ngừng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, khẳng định vị trí của mình trong bản đồ đầu tư nước ngoài...

Từ những thách thức trên, giải pháp Việt Nam cần phải thực hiện để thu hút FDI trong bối cảnh hiện nay, bao gồm: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách thu hút FDI phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu, trong đó đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số như: Năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, phát triển đô thị xanh, nông nghiệp sạch, nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp Giấy chứng nhận đầu tư như: Đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan...

Cùng với đó, để đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Việt Nam cũng cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế đột phá liên quan đến các chính sách về tài chính, chứng khoán, tiền tệ. Tập trung xây dựng và hoàn thiện đề án Trung tâm tài chính tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để tạo động lực đột phá và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đón đầu xu hướng để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong thời gian tới. Hỗ trợ đồng bộ cho việc thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá như công nghệ cao, bán dẫn, đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện tối đa và khuyến khích các doanh nghiệp triển khai hoạt động R&D (Nghiên cứu và Phát triển) hoặc hợp tác chuyển giao công nghệ tại Việt Nam...

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương