Làm gì để Việt Nam thực sự là điểm đến đầu tư hấp dẫn?

(Banker.vn) Việt Nam tiếp tục được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao, coi là điểm đến đầu tư hàng đầu thế giới.
Năm 2022: Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư được quan tâm Cơ hội thu hút đầu tư trước chính sách mới của Trung Quốc Đồng Nai: Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư

Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thực hiện hàng quý cho thấy, trong quý III/2023, chỉ số niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã tăng lên từ mức 43,5 điểm của quý trước lên đến 45,1 điểm. Cùng với đó, mức độ bi quan về tình hình hiện tại đã giảm 3%, trong khi đó quan điểm tích cực và trung lập tăng lần lượt là 6% và 4%.

Báo cáo của EuroCham cũng cho thấy, hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát dự đoán sẽ tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI) khi năm 2023 gần kết thúc. Đáng chú ý, khảo sát của EuroCham cho thấy sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn mạnh mẽ.

63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào top 10 điểm đến FDI hàng đầu. Đặc biệt, 31% xếp Việt Nam vào top 3, trong đó con số ấn tượng là 16% ca ngợi Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu.

Làm gì để Việt Nam thực sự là điểm đến đầu tư hấp dẫn?
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu thu hút FDI

Không chỉ các nhà đầu tư châu Âu, nhiều nhà đầu tư châu Á cũng đang dành sự quan tâm đặc biệt với môi trường đầu tư Việt Nam. Mới đây, SK Group – "chaebol" Hàn Quốc đã rót 500 triệu USD vào Hải Phòng để xây nhà máy vật liệu phân học sinh học công nghệ cao đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á.

Tháng 3/2023, Tập đoàn đa ngành Sojitz của Nhật Bản và Tổng Công ty chăn nuôi Việt Nam Vilico (công ty thành viên của Vinamilk) đã khởi công xây dựng một Tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt bò Vinabeef quy mô lớn. Dự án được triển khai trên tổng diện tích 75,6 ha tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Tổ hợp gồm 2 hạng mục lớn: Trang trại chăn nuôi bò thịt có quy mô 10.000 con/năm và nhà máy chế biến thịt bò với công suất 30.000 con/năm. Tổng vốn đầu tư ban đầu vào tổ hợp ở tỉnh Vĩnh Phúc chỉ hơn 100 triệu USD. Các lô hàng chế biến sẽ bắt đầu sau khi hoàn thành cơ sở vào tháng 6 năm 2024.

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới đây cũng cho thấy, thu hút FDI của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI giải ngân trong 9 tháng cũng đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm 2022.

Nhận định về thu hút FDI trong 9 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Tình hình kinh tế thế giới và trong nước những tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều biến động, thách thức. Những yêu tố này đang gây áp lực giảm đáng kể lên dòng vốn FDI toàn cầu trong năm 2022 và tiếp tục sang 2023, ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam.

Tuy vậy, vốn FDI đăng ký và giải ngân tại Việt Nam 9 tháng vẫn tăng, chỉ tính riêng trong quý III/2023, dòng vốn FDI đăng ký đã tăng 12,0%, cho thấy rõ tín hiệu tích cực trong thu hút FDI. Đây là động lực rất quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

“Khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường đầu tư của Việt Nam thông thoáng, an toàn; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ cộng động doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh; nhiều chính sách tài khoá, tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đã được thực thi hiệu quả. Các yếu tố này đã tác động tích cực đến các nhà đầu tư nước ngoài quyết định đến đầu tư và mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam” - đại diện Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.

Làm gì để Việt Nam thực sự là điểm đến đầu tư hấp dẫn?
Việt Nam đang có nhiều cơ hội trong thu hút FDI

Mặc dù đã đạt được những tín hiệu tích cực, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức, những thách thức này không chỉ đến từ bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực mà còn đến từ sự cạnh tranh gay gắt trong thu hút FDI giữa các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả các quốc gia xuất khẩu đầu tư và quốc gia tiếp nhận FDI.

Trên cơ sở đó, để tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam trong thời gian tới, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp liên quan đến thể chế và cả vấn đề thực thi.

Trong đó, về thể chế, tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, tiếp tục cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển.

Ban hành văn bản pháp quy quy định việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, chủ động áp dụng quy định Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp nộp bổ sung thuế tại Việt Nam. Cùng với đó, kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp FDI đang hoạt động sẽ phải áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. Nghiên cứu bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu là nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Về thực thi, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn lao động, cũng như phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối các tỉnh, vùng kinh tế tạo thuận lợi cho thu hút FDI.

Cùng với đó, chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện; ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu. Xây dựng cơ chế ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, cần loại bỏ hoàn toàn các chi phí không chính thức bởi đây là nút thắt cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI mà còn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Rà soát toàn bộ các khu công nghiệp, trong đó có các khu công nghiệp cần ưu tiên mở rộng, xây mới, các khu công nghiệp cần thu hẹp. Công bố danh sách các khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng để thu hút đầu tư…

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương