Làm gì để người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cùng có lãi?

(Banker.vn) Phải sắp xếp, tổ chức lại chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo để cả người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu cùng có lãi. Đây là đường dài để gạo Việt đi xa.
Xuất khẩu gạo Sóc Trăng bứt phá mạnh nhờ giá tăng Giá gạo xuất khẩu cao nhưng vì sao doanh nghiệp ngần ngại ký hợp đồng mới? TP. Hồ Chí Minh: Giá gạo ST24, ST25 đột ngột tăng mạnh

Gạo Việt Nam được giá vì giống lúa mới

Tại tọa đàm "Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo" tổ chức ngày 9/1, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2023 là một năm có nhiều kỳ tích của gạo Việt Nam khi đã xuất khẩu khoảng 8,29 triệu tấn gạo, mang về giá trị 4,78 tỷ USD, tăng 16,7% về khối lượng và tăng 38,4% về giá trị so với năm 2022. Đây là con số cao kỷ lục kể từ năm 1989 khi Việt Nam bắt đầu tham gia xuất khẩu gạo. Cũng trong năm 2023, gạo ST25 của Sóc Trăng tiếp tục đoạt giải "Gạo ngon nhất thế giới". Điều đặc biệt hơn, giá trị gạo Việt Nam trên thị trường thế giới đã được khẳng định khi các đối tác nhập khẩu và người tiêu dùng đều ưa chuộng gạo Việt.

Thực tế, theo chuyên gia nông nghiệp - GS Võ Tòng Xuân, kể từ khi gạo ST25 của chúng ta được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019 tại Philippines, ông đã chia sẻ tại hội nghị đó rằng gạo Việt Nam không thua gạo Thái Lan.

Đến hiện tại GS Võ Tòng Xuân khẳng định, gạo của Việt Nam có thể bán được giá 600-700 USD, thậm chí hơn giá của Thái Lan vì giống lúa mới. “Gạo ngắn ngày của Thái Lan không thơm như gạo của mình. Đây không hẳn là do Ấn Độ, Thái Lan bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, mà là do gạo Việt Nam khởi sắc lên nhờ giống mới - còn Thái Lan, Ấn Độ không có. Do đó, giá cao sẽ tiếp tục cao. Đặc biệt, trong khi các đối thủ sản xuất gạo của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu thì Việt Nam vẫn bố trí vùng lúa cao sản 3-4 vụ nhờ biết sống chung với biến đổi khí hậu”- GS Võ Tòng Xuân dự báo.

Giá lúa gạo năm 2024 sẽ vẫn ở mức cao

Nhận định về thị trường năm 2024, ông Nguyễn Vĩnh Trọng - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng dự báo, giá lúa gạo trong năm 2024 và những năm tới vẫn cao. Ông Trọng cho rằng Việt Nam nên tận dụng cơ hội sản xuất, xuất khẩu để nâng cao thu nhập người dân. Bởi lẽ theo ông Trọng, những năm trước, xuất khẩu gạo giá thấp và giá như hiện tại mới phù hợp với công sức của bà con.

Cũng nhận định thị trường năm 2024 có nhiều yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu gạo với giá tốt, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An khẳng định: Năm 2024 có thể tốt hơn khi chúng ta tận dụng được cơ hội thị trường, nhu cầu tiêu thụ vẫn lớn. “Bối cảnh thế giới đang thiếu gạo, Việt Nam cũng bị biến đổi khí hậu nhưng chúng ta vẫn có thể tăng sản xuất”- ông Bình cho biết và nhận định đây không chỉ là cơ hội trời cho mà còn cả sức mạnh nội tại.

Làm gì để người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cùng có lãi?
Cần sắp xếp lại chuỗi sản xuất lúa gạo để đi dường dài và bền vững

Phải sắp xếp lại chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo

Cơ hội là có song các chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tham dự tọa đàm dự báo thị trường năm 2024 sẽ không lường trước và ở góc độ sản xuất phải đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu. Điều quan trọng hơn là trong chuỗi sản xuất lúa gạo không chỉ nông dân có lời mà doanh nghiệp cũng phải có lãi.

Từ kinh nghiệm 30 năm gắn bó với xuất khẩu gạo, ông Phạm Thái Bình đề xuất phải liên kết doanh nghiệp và nông dân để đôi bên cùng có lợi. “Chính phủ có giải pháp, chính là đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Nếu triển khai thành công nông dân có lãi, doanh nghiệp có lãi”- ông Bình nói.

Liên quan vấn đề này, GS Võ Tòng Xuân đề xuất: Để tham gia 1 triệu ha gạo, các tỉnh có thể khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng trước để triển khai sản xuất với nông dân.

Theo đó thành lập hoặc củng cố các hợp tác xã. Các hợp tác xã sẽ được huấn luyện trồng lúa theo giống nào, quy trình nào để nông dân làm theo. Các hợp tác xã sẽ sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp để có đầu ra ổn định.

Ngoài ra, GS Võ Tòng Xuân cho rằng cũng không nhất thiết tất cả đều chạy theo sản xuất gạo ngon, vì vẫn có những thị trường cần gạo bột. Thay vào đó, cần đa dạng sản xuất các giống gạo, loại gạo khác nhau để bán cho những người sản xuất làm bún, hủ tiếu…

Bên cạnh đó, cần sắp xếp trên thị trường, chia thị phần gạo của mình ra để xuất khẩu hoặc bán trong nước. Nếu làm vậy các doanh nghiệp sẽ từ từ không còn tranh mua, tranh bán, mà mỗi doanh nghiệp có vùng nguyên liệu của mình. “Đây là đường dài bền vững để gạo của chúng ta đi xa”- GS Võ Tòng Xuân khẳng định.

Thùy Dương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục