Làm gì để gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ?

(Banker.vn) Hoa Kỳ hiện đang là nhà mua hàng lớn nhất của Việt Nam, tận dụng cơ hội và bắt kịp các xu thế là cách để gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.
Hoa Kỳ là nhà mua hàng lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023 Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam trong tháng 1/2024 Hoa Kỳ là nhà mua nông lâm thủy sản nhiều nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024 Bộ Công Thương: Xuất nhập khẩu ‘điểm sáng’ nổi bật 2 tháng đầu năm 2024

Đối diện với rào cản phòng vệ thương mại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2024 đến 15/2, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm đạt kim ngạch hơn 1,82 tỷ USD, tăng tới 50,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số các thị trường xuất khẩu chủ yếu của nhóm hàng này Hoa Kỳ đứng Top đầu với kim ngạch đạt 821 triệu USD (cập nhật đến hết tháng 1/2024), tăng 123,6% so với cùng kỳ năm trước.

xuất khẩu hàng hóa
Hoa Kỳ hiện đang là nhà mua hàng lớn nhất của Việt Nam

Ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ tháng 12/2023, sự phục hồi thể hiện rõ hơn khi kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, nội thất ghi nhận mức tăng trưởng tới 10%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng của tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước...

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Liêm đánh giá thị trường vẫn tiềm ẩn rất nhiều khó khăn khi xung đột giữa các quốc gia diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đáng chú ý, mặt hàng tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam đang bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) điều tra phạm vi sản phẩm và lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại. Theo thông báo của DOC, kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm dự kiến được ban hành vào ngày 5/4/2024. Đối với điều tra lẩn tránh thuế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng của vụ việc tới ngày 19/4 và ngày 18/7/2024. Việc điều tra của DOC đối với mặt hàng này sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu của tủ gỗ của Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 9,84 tỉ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Hoa Kỳ là nhà mua nông lâm thủy sản nhiều nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024 với kim ngạch 2,1 tỉ USD.

Tính tới 15/1/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt hơn 15 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, mới đây, Hiệp hội Chế biến tôm Hoa Kỳ (ASPA), một tổ chức đại diện cho quyền lợi của ngành khai thác tôm tự nhiên và chế biến tôm của Hoa Kỳ, mới đây đã nộp đơn đề nghị áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador và Indonesia, và thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Chưa rõ kết quả như thế nào, nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng trong năm nửa đầu năm 2024.

Hoa Kỳ là nước đã điều tra tất cả các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (cả phá giá, trợ cấp, lẩn tránh thuế, tự vệ). Trong 11 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ đã nhận đơn/khởi xướng 4 vụ việc phòng vệ thương mại với mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2022 song mức độ kim ngạch ảnh hưởng lại có xu hướng tăng.

Thêm vào đó, Hải quan Hoa Kỳ vẫn tiếp tục khởi xướng và áp thuế tạm thời một số mặt hàng của Việt Nam với lý do lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (bên cạnh việc tăng cường áp dụng Đạo luật cưỡng bức).

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng đang xem xét ban hành hàng luật các thay đổi trong điều tra phòng vệ thương mại với xu hướng ngày càng khó khăn cho doanh nghiệp và có khả năng tăng mức thuế trong tương lai.

Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho hay, các vụ việc phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam và Hoa Kỳ với một số nước khác có sự khác biệt đó là việc Mỹ chưa coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường, do đó, Hoa Kỳ sử dụng giá trị thay thế từ nước thứ 3 để tính toán cho hàng xuất khẩu của ta dẫn đến mức thuế thường bị đẩy lên cao hơn.

Điều này đã khiến mức thuế trong một số vụ việc bán phá giá bị đẩy lên rất cao, không phản ánh đúng thực tế diễn ra ở Việt Nam, gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu, khiến hàng hóa mất đi năng lực cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ.

Tăng năng lực, tận dụng cơ hội xuất khẩu

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong 2 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước.

Việc “bùng nổ” về thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong bối cảnh mới của năm 2024 này đang đòi hỏi các doanh nghiệp Việt tiếp tục cải thiện, chuẩn bị nhiều hơn nữa nhằm tận dụng tốt các cơ hội được mở ra trong xuất khẩu.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, nhiều chính sách của Hoa Kỳ đang mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa của Việt Nam. Song hành với các cơ hội đang mở ra là không ít những thách thức đối với các doanh nghiệp. “Thị trường Hoa Kỳ cũng sẽ áp dụng các quy định mới như Cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới. Do đó, các doanh nghiệp cần chú trọng những mặt hàng có yếu tố xanh, ít ảnh hưởng tới môi trường”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.

Còn theo TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, xanh hóa, số hóa và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, đầu tư, thương mại là 3 xu thế trong bối cảnh mới của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Do đó, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng các vấn đề quản trị rủi ro, tận dụng cơ hội và bắt kịp các xu thế.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group chia sẻ, kinh nghiệm của doanh nghiệp khi làm ăn với doanh nghiệp Hoa Kỳ chính là phải chịu khó đi để gặp trực tiếp các đối tác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp triển khai các giải pháp phát triển bền vững, chính điều này đã mang lại lợi thế lớn cho công ty để có thể phát triển khắp thế giới.

Theo các chuyên gia, Hoa Kỳ không phải là một thị trường mà là đa dạng hóa thị trường, bởi tại đây có tới 50 tiểu bang, mỗi tiểu bang lại có khác biệt về địa lý, thời tiết, văn hóa cũng như tập tục thương mại… Do đó, doanh nghiệp cần xác định hàng hóa của mình sẽ bán vào tiểu bang nào và tìm hiểu các thông tin cụ thể về tiểu bang đó.

Mặt khác, tại thị trường Hoa Kỳ luôn có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, nhưng thuận lợi là quy định pháp lý rất rõ ràng, minh bạch, có thể dễ dàng tra cứu thông tin và pháp luật tại đây cũng rất nghiêm minh. Dù vậy, trước khi xuất hàng qua Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần tìm hiểu thật kỹ các quy định về pháp lý tại đây, bao gồm quy định hải quan, xác định đúng HS code, C/O để tránh những hệ lụy về sau. Rào cản phi thuế quan cũng là điều các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục