Làm gì để FDI công nghệ cao ‘đổ bộ’ Việt Nam?

(Banker.vn) Chỉ cần có chính sách thu hút đầu tư một cách rõ ràng, Việt Nam sẽ nhanh chóng thu hút được dòng vốn FDI từ Hàn Quốc vào các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Nhận diện xu hướng FDI vào Việt Nam trong năm 2025 Loạt giải pháp để Đồng Nai thành ‘nam châm’ hút vốn FDI Ngày hội việc làm HaUI 2025: Hàng loạt 'ông lớn' FDI săn tìm nhân tài

Cơ hội hút FDI vào lĩnh vực công nghệ

Chia sẻ về cơ hội của Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn nói chung và FDI từ các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng, ông Ko Tae Yeon - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho biết: Các doanh nghiệp Hàn Quốc sẵn sàng cùng đóng góp vào sự phát triển của đất nước Việt Nam với năng lực và kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn và năng lượng xanh.

'Dựa trên sự tin cậy và thành tựu mà hai nước đã xây dựng cho đến nay, chúng tôi tin rằng nếu Chính phủ Việt Nam có những hoạt động thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc một cách rõ ràng hơn, thì chắc chắn Việt Nam sẽ nhanh chóng thu hút được doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này' – ông Ko Tae Yeon khẳng định.

Vi mạch bán dẫn
Việt Nam có cơ hội thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc vào lĩnh vực bán dẫn, AI. Ảnh minh hoạ

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng đưa ra đề xuất, để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn hay AI, chính phủ Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư kịp thời, đặc biệt là Luật Công nghiệp – Công nghệ số do Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng.

Ông Ko Tae Yeon cũng đề cập những nội dung cốt lõi của Luật Công nghiệp – Công nghệ số cần có để góp phần ‘mở đường’ cho việc thu hút dòng vốn vào lĩnh vực bán dẫn, AI và công nghệ cao. Cụ thể, về cơ bản, luật đặc biệt nên là một đạo luật khuyến khích đầu tư và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để thu hút đầu tư. Cùng với đó, nội dung về đào tạo nhân lực cần được quy định cụ thể, không chỉ dừng lại ở các chương trình đào tạo do chính phủ dẫn dắt, mà cần mở rộng thông qua các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia bằng các biện pháp ưu đãi khác nhau.

'Bên cạnh đó, luật sẽ bao gồm các nội dung có thể mang lại hiệu quả thực tế, chẳng hạn như thiết lập hệ thống làm việc 24/7 cho logistics để phù hợp với đặc thù của ngành bán dẫn, nới lỏng quy định nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng, cũng như đơn giản hóa điều kiện cấp visa cho chuyên gia nước ngoài' – đại diện KoCham khẳng định.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tháng 1/2025 tăng 2% so với cùng kỳ 2024. Ảnh minh họa
Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam hơn 2 tỷ USD trong quý I/2025. Ảnh minh họa

Muốn FDI ổn định, chính sách thuế phải minh bạch

Không chỉ đánh giá cao tiềm năng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, đại diện KoCham còn cho rằng, môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng hoàn thiện và có sức hấp dẫn lớn đối với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc.

Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố, thu hút FDI của Việt Nam trong quý I/2025 bao gồm tổng vốn đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đạt gần 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia đứng thứ hai trong tổng số khoảng 70 quốc gia có đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký gần 2,04 tỷ USD, tăng gần 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ của các nhà đầu tư Hàn Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.

Theo KoCham, hiện có khoảng 10.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, tạo ra 900.000 việc làm và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm qua. Kết qủa này cho thấy, Việt Nam đang khẳng định vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và vai trò quan trọng đối với lựa chọn của nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng.

Mặc dù đánh giá cao môi trường đầu tư Việt Nam, nhưng đại diện KoCham cũng cho rằng, khảo sát của KoCham mới đây cho thấy, 73% doanh nghiệp Hàn Quốc nhận định áp lực thương mại đối với Việt Nam sẽ ra tăng, nhất là trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới đang thực hiện chính sách áp thuế. Nếu điều đó xảy ra, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc có thể hoãn kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.

Theo đó, để gia tăng cơ hội đầu tư, đại diện KoCham cho rằng, việc hợp tác chiến lược về thương mại và chính sách thuế đối với Việt Nam là vô cùng quan trọng. Nếu Việt Nam chủ động xây dựng các chiến lược linh hoạt và điều chỉnh quy định thuế nhập khẩu phù hợp, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư Hàn Quốc với môi trường đầu tư Việt Nam sẽ càng được củng cố.

Bên cạnh đó, khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được triển khai, các doanh nghiệp FDI kỳ vọng vào những ưu đãi thuế và hỗ trợ chính sách từ Chính phủ. Theo đó, Quỹ Hỗ trợ đầu tư cần được vận hành minh bạch với một quy trình rõ ràng để đảm bảo các tập đoàn đủ điều kiện được tiếp cận thuận lợi.

Ông Ko Tae Yeon - Chủ tịch KoCham: Một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với doanh nghiệp là hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) và quy định về thuế xuất nhập khẩu nội địa. Việc xác định rõ ràng thời điểm hoàn thuế và duy trì quy định về thuế xuất nhập khẩu nội địa sẽ giúp giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh trong giao thương nội địa. Điều này sẽ khuyến khích nhiều doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục