Lâm Đồng: Xử lý số tiền phạt về đất đai đối với chủ đầu tư sân Golf Đà Lạt ra sao?

(Banker.vn) Tỉnh Lâm Đồng sẽ xử lý số tiền hơn nửa tỷ đồng mà chủ đầu tư sân Golf Đà Lạt đã nộp phạt theo Quyết định xử phạt trong lĩnh vực đất đai như thế nào?
Lâm Đồng: Thu hồi văn bản đưa Sân golf Đồi Cù vào rừng phòng hộ nội ô Đà Lạt Lâm Đồng: Nhiều doanh nghiệp ‘lao đao’ vì giá tiền thuê đất quá cao Toà án quyết định tạm thời 'cấm thay đổi hiện trạng Toà nhà Golf Đà Lạt', luật sư nói gì?

Theo nội dung vụ việc, năm 2023, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện và tiến hành xác định các sai phạm của công trình Toà nhà Câu lạc bộ Golf Đà Lạt do Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL (Công ty Hoàng Gia) làm chủ đầu tư.

Cụ thể, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng xác định tại khu vực lỗ golf số 8, trong sân Golf Đà Lạt có khối công trình (khối 1) có diện tích 6.120m2 là công trình đã được cấp phép. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã cho xây vượt diện tích lẫn khối tích dẫn đến sai phép hơn 3.300m2.

Đối với khối công trình (khối 2), được xây đối diện với nhà mái vòng (khối 1) thì không có giấy phép xây dựng và thiết kế được phê duyệt với quy mô gồm 2 tầng hầm, 1 tầng triệt và 2 tầng lầu, tổng diện tích sàn 17.073m2.

Lâm Đồng: Xử lý số tiền phạt về đất đai đối với chủ đầu tư sân Golf Đà Lạt ra sao?

Sân Golf Đà Lạt không có rừng phòng hộ. (Ảnh: Lê Sơn)

Sau khi vụ việc được phát giác, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) và UBND TP. Đà Lạt kiểm tra, lập hồ sơ xử lý các sai phạm trong đầu tư xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng tại dự án Toà nhà Câu lạc bộ Golf thuộc sân Golf Đà Lạt theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Đến ngày 13/12/2023, Thanh tra Sở TN&MT Lâm Đồng đã làm việc và lập biên bản vi phạm hành chính (VPHC) đối với Công ty Hoàng Gia bởi Công ty này đã tác động và tiến hành xây dựng khối công trình trên phần diện tích đất lâm nghiệp thuộc diện tích rừng phòng hộ nội ô. Theo đó, ngày 15/12/2023, Thanh tra Sở TN&MT ban hành Quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai số 37/QĐ-XPHC, đối với Công ty Hoàng Gia với số tiền hơn 572 triệu đồng (45 triệu tiền xử phạt, 527 triệu tiền thu lợi bất chính).

Tiếp đến, ngày 4/1/2024, UBND TP. Đà Lạt đã ban hành 2 Quyết định xử phạt VPHC đối với Công ty Hoàng Gia với tổng số tiền 240 triệu đồng. Trong đó, xử phạt về hành vi xây dựng công trình sai phép số tiền 110 triệu đồng và hành vi xây dựng công trình không phép số tiền 130 triệu đồng. Chủ đầu tư đã tiến hành nộp phạt đầy đủ.

Tuy nhiên, mới đây ngày 12/7/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng, đồng thời ban hành Văn bản số 5805 (thu hồi, huỷ bỏ Văn bản số 4134 ngày 20/7/2016) và Quyết định số 1170 (huỷ bỏ toàn bộ Quyết định số 2068 ngày 16/9/2016).

Nội dung Văn bản số 5805 và Quyết định số 1170, thể hiện UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi, huỷ bỏ các văn bản, quyết định không phù hợp, không đúng quy định trong việc đưa một phần diện tích rừng thông do Công ty Hoàng Gia trồng năm 1993 vào diện tích đất rừng phòng hộ nội ô Đà Lạt.

Lâm Đồng: Xử lý số tiền phạt về đất đai đối với chủ đầu tư sân Golf Đà Lạt ra sao?
Hàng nghìn cây thông trong sân Golf Đà Lạt được chủ đầu tư trồng năm 1993. (Ảnh: Lê Sơn)
Lâm Đồng: Xử lý số tiền phạt về đất đai đối với chủ đầu tư sân Golf Đà Lạt ra sao?

Chủ đầu tư sân Golf Đà Lạt phải trả giá thuê đất số tiền hơn 130 tỷ đồng/năm. (Ảnh: Lê Sơn)

Theo hồ sơ, ngày 20/7/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Văn bản số 4134 về việc chuyển diện tích 29,59 ha rừng trồng thông năm 1993 trong sân Golf Đà Lạt đã đạt tiêu chí thành rừng vào rừng phòng hộ nội ô Đà Lạt và Quyết định số 2068 ngày 16/9/2016 về việc điều chỉnh tên chủ sử dụng đất, diện tích đất theo Quyết định số 842 ngày 8/4/2008 và Quyết định số 1655 ngày 3/8/2011 của UBND tỉnh.

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc ban hành Văn bản số 4134 và Quyết định số 2068 là dựa trên đề nghị của Công ty Cổ phần khu nghỉ mát Đà Lạt tại Văn bản số 444/DRI ngày 28/4/2016 và đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại Văn bản số 1113 ngày 16/6/2016 về việc xác định diện tích đất trồng cây thông, cây xanh trong sân Golf Đà Lạt của Công ty Cổ phần khu nghỉ mát Đà Lạt (nay là Công ty Hoàng Gia).

Như vậy, căn cứ nội dung Văn bản số 5805 và Quyết định số 1170, đồng nghĩa với việc UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định sân Golf Đà Lạt không có đất rừng phòng hộ; tuy nhiên, theo Quyết định xử phạt VPHC số 37 đối với Công ty Hoàng Gia nêu rõ: “Công ty Hoàng Gia đã thực hiện các hành vi VPHC chuyển đất rừng phòng hộ là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp (đất thương mại, dịch vụ) thuộc một phần thửa đất số 01, tờ bản đồ số C70.I.C, phường 1, TP. Đà Lạt với diện tích 4.629,9m2 thuộc diện tích đất rừng phòng hộ nội ô (rừng trồng) được UBND tỉnh Lâm Đồng cho Công ty Hoàng Gia thuê theo các Quyết định số 842 ngày 8/4/2008, số 1655 ngày 3/8/2011 và số 2068 ngày 16/9/2016”.

Lúc này, vấn đề đặt ra Quyết định xử phạt VPHC số 37, do Thanh tra Sở TN&MT ban hành có hiệu lực và còn đúng quy định pháp luật hay không. Nếu không đúng, thì số tiền hơn 572 triệu đồng (45 triệu tiền xử phạt, 527 triệu tiền thu lợi bất chính) mà công ty đã nộp vào ngân sách Nhà nước sẽ được các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Lâm Đồng xử lý, giải quyết như thế nào?!

Tại Quyết định số 1170, UBND tỉnh Lâm Đồng mới chỉ giao Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND TP. Đà Lạt rà soát, truy thu nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất do chênh lệch giá đất rừng phòng hộ nội ô với các loại đất khác…chứ chưa nêu quan điểm về việc xử lý số tiền hơn 572 triệu đồng này; liệu rằng UBND tỉnh Lâm Đồng có tiếp tục ra văn bản chỉ đạo hoặc Sở TN&MT có ban hành quyết định thu hồi, huỷ bỏ Quyết định xử phạt số 37 ngày 15/12/2023 của Thanh tra Sở này hay không.

Trong Quyết định số 1170 cũng nêu rõ, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và trước UBND tỉnh Lâm Đồng về sự phù hợp với quy định của pháp luật và tính chính xác đối với các thông tin, số liệu nêu trong Quyết định này.

Song song đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở TN&MT rà soát các nội dung có liên quan đến Quyết định số 1655 ngày 3/8/2011 của UBND tỉnh và tổ chức rà soát, xác lập lại hồ sơ đất đai theo đúng quy định pháp luật hiện hành để doanh nghiệp thuê đất theo đúng loại đất theo quy định pháp luật về đất đai.

Lê Sơn

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục