Lâm Đồng: Vén bức màn bí ẩn trong thùng những chiếc "xe vua"

(Banker.vn) Bên trong thùng những chiếc "xe vua" đi từ bãi tập kết ở thôn Thanh Bình, xã Bình Thạnh (Lâm Đồng) là 'mặt hàng' gì mà tấp nập suốt thời gian dài?
Lâm Đồng: Dự án nhà ở xã hội vẫn “án binh, bất động” sau 3 tháng khởi công Lâm Đồng: Liên tiếp xảy ra các vụ trộm cắp tài sản của người dân Lâm Đồng: Bắt quả tang đối tượng vận chuyển trái phép động vật rừng quý hiếm

Nhiều năm qua, người dân ở thôn Thanh Bình, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), hàng ngày phải chứng kiến hàng loạt xe ôtô tải trọng lớn thường xuyên chở nặng khoáng sản ra vào, cày nát tuyến đường dân sinh nối xã Tân Hội, huyện Đức Trọng và thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà.

Lần theo dấu vết của những chiếc xe siêu tải trọng hoạt động bất thường này, phóng viên Báo Công Thương đã phát hiện một đường dây khai thác, vận chuyển, tập kết khoáng sản có nhiều dấu hiệu bất thường về nguồn gốc.

Lâm Đồng: Vén bức màn bí ẩn trong thùng những chiếc
Tuyến đường dân sinh nối xã Tân Hội, huyện Đức Trọng và thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), bị cày nát thành “ổ trâu”, “ổ voi”, bởi hầu hết do các xe siêu trọng tải chở khoáng sản

"Xe vua" cày nát đường dân sinh

Chứng kiến tuyến đường dân sinh ở thôn Ba Cản, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng đoạn dài khoảng 2km bị dàn xe siêu tải trọng thường xuyên chở nặng, hoạt động ngày đêm, dẫn đến bề mặt đường bị cày nát, xuất hiện hàng loạt “ổ trâu”, “ổ voi”… mới thấy được nỗi thống khổ của người dân địa phương, hằng ngay di chuyển qua cung đường này.

Không chỉ gây hư hỏng đường sá, những chiếc xe siêu trường, siêu trọng và bãi tập kết khoáng sản đã gây ảnh hưởng tới môi trường, làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây. Rất nhiều lần, người dân địa phương đã phản ánh tới chính quyền địa phương, nhưng tới nay sự việc vẫn chưa được giải quyết triệt để, đường sá hư hỏng ngày một nặng hơn.

Theo người dân địa phương, sở dĩ đoạn đường này ngày càng xuống cấp là do phía địa phận thôn Thanh Bình, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng có một bãi tập kết khoáng sản quy mô lớn. Hàng ngày, từng đoàn xe chở đầy ắp khoáng sản vẫn ngang nhiên ra rào. Tuyến đường dân sinh vốn tải trọng nhỏ vẫn phải oằn mình “cõng” những chiếc xe siêu trọng với hàng chục tấn hàng hóa "trên lưng".

Thoạt nhìn, bãi tập kết khoáng sản trông giống một địa điểm san lấp mặt bằng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhưng theo người dân địa phương, có dấu hiệu đây là một bãi tập kết, cung cấp khoáng sản quy mô lớn cho nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch men, gồm sứ ở các tỉnh, thành phía Nam.

Lâm Đồng: Vén bức màn bí ẩn trong thùng những chiếc
Máy xúc trong bãi tập kết khoáng sản ở thôn Thanh Bình, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) hoạt động

Hàng ngày, có rất nhiều xe ben chở khoáng sản về đây tập kết, đồng thời cũng có hàng loạt xe tải siêu trọng, xe đầu kéo tấp nập vào “ăn hàng”, vận chuyển khoáng sản đi các tỉnh, thành tiêu thụ.

Theo quan sát của phóng viên, bãi tập kết khoáng sản này có diện tích khoảng 1ha. Khoáng sản được phân thành nhiều loại tương ứng với chất lượng khác nhau. Tùy vào nhu cầu của đối tác và giá cả mà chủ điểm tập kết khoáng sản này sẽ múc lên xe, vận chuyển tới nơi tiêu thụ.

Bất thường nguồn gốc khoáng sản

Những ngày đầu tháng 10/2023, trong vai một người đi mua đất san lấp mặt bằng, chúng tôi đã dễ dàng tiếp cận điểm tập kết khoảng sản này...

Lâm Đồng: Vén bức màn bí ẩn trong thùng những chiếc
Điểm dừng chân của các xe chở khoáng sản gần đèo Bảo Lộc.

Qua nắm bắt thông tin một số người dân địa phương, bãi tập kết khoáng sản này không phải là đất san lấp thông thường mà có thể là sét, cao lanh. Được biết, cao lanh là loại khoáng sản chủ lực của các nhà máy chuyên sản xuất gạch men, gốm sứ, vật cách điện, cách nhiệt hoặc chất phụ gia để sản xuất phân bón… Nhiều năm qua, tỉnh Lâm Đồng là nơi cung cấp loại khoáng sản trên cho các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng có liên quan tới sét, cao lanh ở các tỉnh, thành phía Nam, nhất là ở Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận…

Để làm rõ nguồn gốc khoáng sản đang được tập kết, buôn bán ở đây, phóng viên quyết định bám theo những chiếc xe ben đang chuyển khoáng sản về bãi. Sau nhiều ngày quan sát, chúng tôi ghi nhận khoáng sản được tập kết tại thôn Thanh Bình, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng được khai thác ở hai vị trí khác nhau tại huyện Lâm Hà.

Một nguồn được lấy từ mỏ khai thác khoáng sản tại xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà. Mỏ này được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép khai thác sét làm gạch cho Công ty TNHH khoáng sản Hiệp Thành từ năm 2017. Một nguồn lớn khoáng sản còn lại được khai thác ngay tại khu vực giáp ranh giữa thôn Phúc Hưng, xã Tân Hà và thôn Văn Minh, xã Tân Văn, thuộc huyện Lâm Hà.

Lâm Đồng (Bài 1): Ngang nhiên khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép
Khoáng sản trong bãi tập kết được nhóm phóng viên ghi lại.

Theo hồ sơ, tháng 2/2023, UBND xã Bình Thạnh đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường (huyện Đức Trọng) thành lập đoàn kiểm tra bãi tập kết khoáng sản trên. Tại hiện trường, đoàn công tác ghi nhận, khu vực 1 có diện tích khoảng 800m2, đang tập kết sét, cao lanh màu vàng, chiều cao trung bình 3m, trữ lượng khoáng sản khoảng 2.400m3. Bên cạnh đó, còn có thêm một đống tập kết sét, cao lanh có dấu hiệu mới tập kết rộng khoảng 500m2, chiều cao trung bình khoảng 3m, trữ lượng khoáng sản mới tập kết khoảng 1.500m3.

Tại khu vực 2 có một đống đất sét màu vàng có dấu hiệu mới tập kết, diện tích khoảng 200m2, cao 2m và 1 đống đất sét màu xám, diện tích khoảng 600m2, cao trung bình 3m. Tổng trữ lượng tập kết sét, cao lanh tại vị trí này khoảng 2.200m3 nhưng không có ai đứng ra nhận số khoáng sản trên.

Sau đó, đoàn công tác đã lập hồ sơ, xác minh chủ thửa đất trên là ông Vũ Thiện và đã cho Công ty TNHH Long Quang LH thuê lại. Lực lượng chức năng cũng đã đình chỉ hoạt động của bãi tập kết khoáng sản này.

Tuy nhiên, qua theo dõi nhiều tháng, phóng viên Báo Công Thương ghi nhận bãi tập kết khoáng sản này vẫn ngang nhiên hoạt động, hàng ngày nhộn nhịp xe cộ ra vào, vận chuyển khoáng sản từ nơi khai thác tới điểm tập kết. Từ đây, những chiếc xe tải siêu trọng, xe đầu kéo lại hối hả vào bãi “ăn hàng”, chở khoáng sản tỏa đi tiêu thụ.

Lê Sơn và nhóm PV

Theo: Báo Công Thương