Lâm Đồng: Hành trình và điểm đến cuối cùng của khoáng sản

(Banker.vn) Một trong những điểm đến của khoáng sản được khai thác tại tỉnh Lâm Đồng là KCN Mỹ Xuân A, P. Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Lâm Đồng: Dự án nhà ở xã hội vẫn “án binh, bất động” sau 3 tháng khởi công Lâm Đồng: Liên tiếp xảy ra các vụ trộm cắp tài sản của người dân Lâm Đồng: Bắt quả tang đối tượng vận chuyển trái phép động vật rừng quý hiếm

Hé lộ điểm khai thác khoáng sản

Bám theo những chiếc xe ben đang hối hả chở khoáng sản về bãi tập kết ở xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, phóng viên xác định điểm khai thác khoáng sản tại khu vực giáp ranh giữa thôn Phúc Hưng, xã Tân Hà và thôn Văn Minh, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng). Vị trí này tiếp giáp với đường nhựa nối liền huyện Đức Trọng và huyện Lâm Hà.

Lâm Đồng: Hành trình và điểm đến cuối cùng của khoáng sản
Xe xúc đang múc từng gầu khoáng sản lên xe ben tại điểm khai thác khu vực giáp ranh giữa thôn Phúc Hưng, xã Tân Hà và thôn Văn Minh, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), để xe ben vận chuyển về điểm tập kết

Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, điểm khai thác khoáng sản này rộng hàng nghìn mét vuông, nhiều vị trí tại khu vực này đã bị máy múc đào xới ngổn ngang. Ở đây, từng đống khoáng sản đã được máy múc cào lên, phân loại rồi múc lên xe ben chở đi.

Điều đáng nói, xung quanh cách đó không xa là những quả đồi đã và đang từng ngày bị “xẻ thịt”, đào bới bởi các vết gầu của máy múc. Khoảng cách từ đỉnh đồi xuống đến mặt đất có độ cao trung bình từ 5-10m tuỳ theo vị trí. Các quả đồi lộ rõ những lớp sét, cao lanh có màu sắc, độ mịn khác nhau. Lớp trên cùng có màu nâu pha lẫn màu đen. Lớp giữa có màu hồng phấn, điểm thêm màu vàng nhạt và lớp cuối cùng có màu xám trắng.

Khoảng cách từ địa điểm khai thác đến điểm tập kết khoáng sản tại thôn Thanh Bình, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng khoảng 12km. Theo ghi nhận của phóng viên, các xe ben chuyên chở khoáng sản từ nơi khai thác về nơi tập kết, mang các biển kiểm soát 49C-132.xx, 49C-257.xx…

Theo lãnh đạo UBND xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, trên địa bàn không có tổ chức, cá nhân nào được cấp phép khai thác khoáng sản là sét, cao lanh. Địa phương chỉ có một mỏ đá được cấp phép nhưng hiện đang bị cơ quan chức năng tạm đình chỉ hoạt động để khắc phục các sai phạm liên quan.

Hành trình “hướng Nam” của khoáng sản "lậu"

Tại bãi tập kết, hàng ngày không kể trời nắng hay trời mưa có rất nhiều xe tải siêu trọng, xe đầu kéo tấp nập nối đuôi nhau vào lấy hàng, rồi vận chuyển khoáng sản đi các tỉnh tiêu thụ. Theo quan sát của phóng viên, mỗi ngày trung bình gần 10 xe siêu tải vào “ăn hàng”. Loại xe tải 4 chân, thường xuyên chở khoáng sản từ địa điểm này tới nơi tiêu thụ, mang biển kiểm soát 49C-132.xx, 49C-059.xx, 49H-022.xx, 49H-022.xx, 49H-019.xx, 49H-009.xx… và loại xe đầu kéo rơ moóc 49R-004.xx, 49R-004.xx, 49R-004.xx...

Ngoài việc cung cấp cho các đối tác loại khoáng sản “nguyên bản” được vận chuyển từ điểm khai thác về, nơi đây còn có loại khoáng sản trộn giữa khoáng sản có màu xám, đóng cục với loại khoáng sản có màu vàng nhạt và tơi. Thường trực có mặt tại bãi tập kết khoáng sản này là người đàn ông khoảng 40 - 50 tuổi. Người này cũng là tài xế điều khiển máy múc, chuyên múc khoáng sản lên các xe tải siêu trọng và xe đầu kéo tới “ăn hàng” chở đi tiêu thụ.

Thời gian trung bình 1 xe vào bãi tập kết lấy hàng mất khoảng từ 20 đến 30 phút. Mỗi lần đánh xe vào “ăn hàng”, tài xế hoặc phụ xe tải lại leo lên thùng đếm từng gầu. Trung bình, mỗi xe siêu tải chở khoảng 20 gầu khoáng sản.

Để trốn tránh sự tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, sau khi “ăn hàng” tại bãi tập kết khoáng sản ở thôn Thanh Bình, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, nếu trời còn sáng, các xe siêu tải trọng thường lui vào đỗ trong khuôn viên một nhà xưởng cách bãi tập kết khoảng 300m hoặc một số địa điểm tại xã Tân Hội, huyện Đức Trọng.

Với các xe đầu kéo, khi lấy hàng xong, tài xế thường điều khiển ra hướng tỉnh lộ ĐT 724, vào đậu trong khuôn viên cây xăng Petrolimex số 15, thuộc thôn Tân Trung, xã Tân Hội. Khi trời bắt đầu xẩm tối, các xe chở đầy khoáng sản trên đồng loạt nổ máy nối đuôi nhau, di chuyển ra quốc lộ 20 rồi rẽ hướng TP. Hồ Chí Minh để tới các địa điểm tiêu thụ.

Trong thời gian chờ xuất phát, hầu hết các tài xế hoặc phụ xe sẽ leo lên nóc xe để kiểm tra, che bạt phủ kín thùng xe, đồng thời, tiến hành rửa sạch các vết sét, cao lanh còn đang dính trên bề mặt ngoài thùng xe, mục đích là không để cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.

Để tìm hiểu rõ lịch trình di chuyển của những chiếc xe tải, xe đầu kéo chở khoáng sản trái phép này đi đâu, về đâu. Phóng viên quyết định bám theo chiếc xe tải biển kiểm soát 49H – 009.xx. Xuất phát từ thôn Thanh Bình, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng lúc 18 giờ, sau gần 9 tiếng đồng hồ di chuyển xe 49H – 009.xx đã có mặt tại nhà máy gạch men Viglacera Eurotile, Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào lúc 2 giờ sáng ngày hôm sau.

Trong quá trình di chuyển, do xe 49H – 009.xx chở khoáng sản quá nặng tải nên trên đường di chuyển rất ì ạch. Đoạn đường nào có độ dốc, thông thường xe chỉ đi được tốc độ khoảng 20 km/h. Đặc biệt, trên đường vận chuyển, thay vì đi vào những con đường chính, dễ đi, tài xế lại điều khiển xe chủ yếu đi vào những cung đường tắt, vắng dân cư, dọc đường phải dừng lại 2 lần tại trạm xăng dầu (đầu đèo Bảo Lộc) của Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm, xã Đại Lào, TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Trạm dừng chân Lắc Chuông, xã Túc Trưng, huyện Định Quán (Đồng Nai) để nghỉ ngơi, kiểm tra xe và bơm nước làm mát xe.

Nhiều năm qua, tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương có nguồn và cung cấp loại khoáng sản sét, cao lanh chủ lực này cho các doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… sử dụng để làm chất phụ gia trong sản xuất phân bón, gạch men, gốm sứ các loại… Vì vậy, việc khai thác, vận chuyển, mua bán sét, cao lanh trái phép trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng luôn là đề tài nóng được dư luận xã hội quan tâm.

Lê Sơn và nhóm PV

Theo: Báo Công Thương