Lâm Đồng: Ga Đà Lạt với kiến trúc, công năng đặc biệt, ngày càng hút khách

(Banker.vn) Nhà ga Đà Lạt (Lâm Đồng) là một công trình kiến trúc đặc sắc, độc đáo và là nơi ghi dấu đặc biệt lịch sử của ngành đường sắt Việt Nam.
Lâm Đồng: Gia đình bệnh nhân bị phẫu thuật nhầm chấp nhận lời xin lỗi của Bệnh viện Lâm Đồng: Lãnh đạo Sở Công Thương nắm bắt tình hình, động viên doanh nghiệp đầu xuân mới Lâm Đồng: Thu hồi đất, chấm dứt hoạt động dự án trồng cao su tại huyện Bảo Lâm

Ngày 25/2, ông Nguyễn Võ Minh Chánh, Trưởng ga Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, cùng với nhiều công trình kiến trúc di sản tiêu biểu như: Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, nhà thờ Chánh Tòa (nhà thờ con Gà), dinh Tỉnh Trưởng,… thì nhà ga xe lửa Đà Lạt cũng đang là điểm đến không thể thiếu trong hành trình du lịch của du khách khi đến tham quan, trải nghiệm tại Đà Lạt.

Nhà ga với “5 cái nhất”

Đầu tiên, điều dễ nhận ra đó là ga Đà Lạt là nhà ga xe lửa cao nhất Việt Nam, vì nằm trên độ cao 1.500m so với mực nước biển. Trước đây, tuyến đường sắt được xây dựng để kết nối giữa thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) với thành phố cao nguyên Đà Lạt, trong đó, có đoạn đường sắt răng cưa dài 16km, vượt độ cao 1.000m của đèo Sông Pha với độ dốc trung bình 12%.

Lâm Đồng: Ga Đà Lạt với kiến trúc, công năng đặc biệt, ngày càng hút khách
Kiến trúc độc đáo, cổ kính của ga Đà Lạt

Năm 1972, tuyến đường sắt bị chiến tranh tàn phá và đến năm 2001, ga Đà Lạt được công nhận là ''Di tích lịch sử cấp Quốc gia''. Hiện tại, nhà ga duy trì 1 đoàn tàu có 1 đầu máy và 4 toa, đi từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát (cách trung tâm Đà Lạt 7 km). Khách du lịch đi trên cung đường này được thỏa thích ngắm nhìn, chiêm ngưỡng phong cảnh ngoại ô Đà Lạt, đầy thơ mộng và hữu tình.

Lâm Đồng: Ga Đà Lạt với kiến trúc, công năng đặc biệt, ngày càng hút khách
Chuyến tàu chở khách trải nghiệm từ ga Đà Lạt xuống ga Trại Mát chuẩn bị lăn bánh

Bên cạnh đó, ga Đà Lạt là nhà ga cổ độc nhất Đông Dương, được thiết kế bởi hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Revêron và được thi công, thầu khoán bởi một người Việt tên Võ Đình Dung, với kinh phí xây dựng là 200.000 Francs. Công trình (dài 66,5m; ngang 11,4m; cao 11m) được khởi công xây dựng từ năm 1932 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 1938.

Tiếp đó, ga Đà Lạt là nhà ga xe lửa đẹp nhất Việt Nam, với một công trình kiến trúc cổ kính đẹp bậc nhất, được coi là nhà ga xe lửa cổ đẹp nhất Việt Nam và Đông Dương. Trải qua biết bao thăng trầm, kiến trúc, đặc sắc, hài hòa với thiên nhiên, nhà ga vẫn còn nguyên vẹn và là một hình ảnh tiêu biểu của TP. Đà Lạt ngày nay.

Điều đặc biệt và thú vị tiếp theo là ga Đà Lạt sử dụng đầu tàu hơi nước và hệ thống bánh răng duy nhất tại Việt Nam. Mỗi đầu máy hơi nước thường có 1 lái tàu, 2 nhân viên phụ trách tiếp nước, đốt than. Để vượt đèo, mỗi đầu máy có lắp hệ thống bánh răng, khi lên đèo, lái tàu sẽ điều khiển cho hệ thống này “ngoạm” chặt vào đường răng cưa nằm giữa 2 đường ray để leo lên dốc.

Cuối cùng, ga Đà Lạt là nhà ga với biểu tượng độc đáo nhất Việt Nam, đây là một nhà ga có phong cách kiến trúc độc đáo. Nơi đây đậm dấu ấn văn hóa bản địa với 3 chóp nhọn, cách điệu ba đỉnh núi của cao nguyên Langbiang hoặc là mái nhà rông đặc trưng Tây Nguyên tùy theo góc nhìn và sự liên tưởng của mỗi người.

Qua rất nhiều đổi thay, ga Đà Lạt vẫn tồn tại và lưu giữ nhiều ký ức một thời của thành phố. Không chỉ là điểm tham quan hấp dẫn du khách mà nó còn chứa đựng nhiều giá trị của Đà Lạt nói chung và con người nơi đây nói riêng.

Thu hút hàng trăm ngàn lượt khách

Ông Nguyễn Võ Minh Chánh, Trưởng ga Đà Lạt cho biết, ga Đà Lạt mở cửa tham quan từ 7h30 – 17h hàng ngày và hiện đang phục vụ 8 chuyến tàu mỗi ngày với ký hiệu ĐL1-ĐL8 (4 chuyến xuống, 4 chuyến lên) từ Đà Lạt xuống Trại Mát, trong đó, tàu ĐL3-ĐL4 có lịch trình chạy hàng ngày, các chuyến tàu khác chạy theo nhu cầu của khách du lịch.

Hành trình du lịch trải nghiệm trên tàu Đà Lạt “PLEATEAU - RAILROAD”, với toa xe “giả cổ” từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát và ngược lại. Khách du lịch sẽ được chiêm ngưỡng, ngắm hình quang cảnh thơ mộng, trữ tình của Đồi thông hai mộ, các vườn rau, hoa,… của nông dân Đà Lạt và chùa Linh Phước, ngôi chùa linh thiêng giữ 11 kỷ lục Việt Nam,...

Anh Đinh Quang Vũ, Việt kiều Mỹ chia sẻ: "Dịp này, sau gần 20 năm trở lại Đà Lạt, tôi thật bất ngờ vì ga Đà Lạt vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử, kiến trúc cổ kính, độc đáo. Trải nghiệm trên chuyến tàu cổ từ Đà Lạt xuống đến Trại Mát, đi qua những cung đường quang co uốn lượn, những cánh đồng hoa, những điểm du lịch,... với thời tiết lý tưởng se se lạnh, hít thở không khí trong lành, tôi cứ ngỡ như đang đi ở một thành phố nào đó của châu Âu".

Ga Đà Lạt ngày càng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Mỗi năm đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, chỉ riêng trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua (từ ngày 8-14/2), ga Đà Lạt đón khoảng 16.000 lượt khách đến tham quan, trong đó có khoảng 6.000 lượt khách đi tàu trải nghiệm” - Trưởng ga Đà Lạt chia sẻ.

Lâm Đồng: Ga Đà Lạt với kiến trúc, công năng đặc biệt, ngày càng hút khách
Đông đảo du khách đến tham quan tại ga Đà Lạt
Lâm Đồng: Ga Đà Lạt với kiến trúc, công năng đặc biệt, ngày càng hút khách

Nhiều dịch vụ, trong đó có dịch vụ tổ chức đám cưới đang phát triển tại ga Đà Lạt

Lâm Đồng: Ga Đà Lạt với kiến trúc, công năng đặc biệt, ngày càng hút khách
Một đám cưới được tổ chức ngay trên toa tàu của nhà ga Đà Lạt, đây là những kỷ niệm đáng nhớ mà du khách không thể nào quên
Lâm Đồng: Ga Đà Lạt với kiến trúc, công năng đặc biệt, ngày càng hút khách
Ga Đà Lạt là điểm lựa chọn ưa thích của nhiều du khách Hàn Quốc

Lê Sơn

Theo: Báo Công Thương