Lâm Đồng: Điện mặt trời góp phần bảo đảm an ninh năng lượng

(Banker.vn) Ngày 18/11, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị vừa có đánh giá tổng quan về thị trường điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh.
Lâm Đồng: Tập trung nguồn lực phát triển lưới điện nông thôn Lâm Đồng: Vườn hồng Lễ Vân – điểm đến không thể bỏ lỡ trong mùa thu Đà LạtLâ

Theo đó, hiện nay toàn tỉnh có 1.038 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được Công ty Điện lực Lâm Đồng ký hợp đồng mua bán điện với tổng công suất là 284,75 MWp.

Trong đó, hệ thống điện mặt trời mái nhà có quy mô công suất lớn hơn hoặc bằng 100 kWp là 342 hệ thống với tổng công suất là 270,39 MWp; hệ thống điện mặt trời mái nhà có quy mô công suất dưới 100 kWp là 696 hệ thống với tổng công suất 14,36 MWp.

Lâm Đồng: Điện mặt trời góp phần bảo đảm an ninh năng lượng
Hệ thống điện mặt trời được lắp đặt ngay tại Công ty điện lực Lâm Đồng, số 2 Hùng Vương, phường 10, TP. Đà Lạt

Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, quá trình lắp đặt, vận hành và phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà tại địa phương trong thời gian qua đã có những ưu điểm nổi bật, như giảm tải hệ thống lưới điện vào ban ngày, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà đầu tư nhanh, ít thủ tục, công tác bảo trì đơn giản, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp, góp phần giảm áp lực cung cấp điện của ngành điện. Ngoài ra, sản lượng điện còn dư phát lên lưới điện giúp tăng nguồn thu nhập cho người dân và doanh nghiệp.

Lâm Đồng: Điện mặt trời góp phần bảo đảm an ninh năng lượng
Hệ thống điện mặt trời được lắp đặt tại TTC Hotel đường Nguyễn Chí Thanh, phường 1, TP. Đà Lạt

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, việc phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà hiện nay còn nhiều tồn tại, bất cập như: Quy định quản lý Nhà nước liên quan đến xây dựng thiếu chặt chẽ, không rõ cơ quan quản lý (chủ yếu là thoả thuận, hợp đồng giữa chủ đầu tư và ngành điện); phát sinh vướng mắc về các thủ tục phòng cháy chữa cháy; đánh giá tác động môi trường; giấy phép xây dựng; các văn bản hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành không rõ ràng.

Ngoài ra, việc phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà còn phụ thuộc quá nhiều vào ánh sáng mặt trời, ảnh hưởng bởi các yếu tố như thời tiết, khí hậu, vị trí địa lý hay thời gian trong ngày; chi phí đầu tư còn cao; thiếu rõ ràng trong định nghĩa điện mặt trời mái nhà nên nhiều chủ đầu tư đã lợi dụng để được hưởng giá bán điện ưu đãi của Nhà nước,...

Lê Sơn

Theo: Báo Công Thương