Lâm Đồng: Bất nhất trong xử lý vi phạm tại Dự án Merperle Dalat Hotel

(Banker.vn) Mặc dù dự án Merperle Dalat Hotel (TP. Đà Lạt) xây dựng sai phép. Thế nhưng, UBND tỉnh Lâm Đồng lại thiếu nhất quán trong việc xử lý sai phạm tại dự án này.
Lâm Đồng: Khách sạn lớn nhất Đà Lạt xây dựng “nhầm” diện tích sàn gần 4.500m2 Lâm Đồng: Từ chối kiến nghị của chủ đầu tư khách sạn Merperle DaLat

Dự án khách sạn Merperle Dalat Hotel địa chỉ số 10 Hùng Vương, phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng do Công ty Cổ phần Khải Vy làm chủ đầu tư. Đây là dự án khách sạn có quy mô “khủng” bậc nhất tại TP. Đà Lạt.

Hồi tháng 10/2023, UBND TP. Đà Lạt đã quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Khải Vy số tiền 110 triệu đồng do xây dựng sai phép, không phép tại dự án Merperle Dalat Hotel.

UBND TP. Đà Lạt xác định, theo giấy phép xây dựng được cấp, tầng hầm 2 diện tích sàn 5.806 m2, thực tế thi công đến 7.092 m2, vượt phép 1.286m2.

Tại tầng hầm 1 được cấp phép diện tích sàn 5.777 m2 nhưng xây dựng thực tế 7.092 m2, vượt phép 1.315m2.

Tại tầng 1 được cấp phép diện tích sản 3.612 m2 (kể cả sân vườn), thực tế xây dựng 4.567 m2, vượt phép 955m2.

Ngoài ra, đang thi công sàn mái diện tích 900 m2 nhưng không có trong nội dung giấy phép xây dựng.

Lâm Đồng: Bất nhất trong xử lý vi phạm tại Dự án Merperle Dalat Hotel
Dự án Merperle Dalat Hotel

Vi phạm tại công trình này, nguyên nhân xuất phát một phần tự việc Công ty Khải Vy coi nhẹ kỷ cương phép nước, vô tình hoặc cố ý phớt lờ các quy định pháp luật để thực hiện việc xây dựng công trình sai phép, không phép. Thế nhưng, cũng không thể bỏ qua trách nhiệm, sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng.

Sai phạm trật tự xây dựng tại Dự án khách sạn Merperle Dalat Hotel là cực kỳ lớn, diện tích sai phạm lên tới hàng ngàn mét vuông. Hơn nữa, công trình đồ sộ này nằm ngay mặt tiền đường Hùng Vương đông đúc, cách trụ sở UBND phường 10 chỉ vài bước chân. Vậy tại sao, chính quyền địa phương lại không phát hiện sớm để “con voi chui lọt lỗ kim”? Hoặc nếu phát hiện sớm tại sao không xử lý quyết liệt ngay từ đầu?

Nếu nói không phát hiện sớm thì thực sự khó thuyết phục, do đó, dư luận hoài nghi liệu có sự cả nể, dung túng, sợ đụng chạm đối với trường hợp xây dựng sai phép, không phép này hay không? Liệu có “chống lưng” để chủ đầu tư dám “liều” như vậy?

Tiếp đến, chỉ thời gian ngắn sau khi UBND TP. Đà Lạt có quyết định xử phạt hành chính, đầu tháng 11/2023, ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký văn bản về việc xác định nghĩa vụ tài chính Công ty Cổ phần Khải Vy phải nộp do thay đổi thiết kế làm tăng hệ số sử dụng đất tại dự án khách sạn Merperle Dalat.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, UBND TP Đà Lạt và cơ quan liên quan xác định nghĩa vụ tài chính Công ty Khải Vy phải nộp do thay đổi thiết kế làm tăng hệ số sử dụng đất tại dự án Merperle Dalat Hotel theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trước đó, hồi tháng 6/2023, chính ông Võ Ngọc Hiệp đã ký văn bản giao Sở Xây dựng, UBND TP Đà Lạt tiếp tục kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng tại dự án khách sạn Merperle Dalat Hotel. UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công ty Khải Vy tiếp tục triển khai thi công xây dựng theo đúng tiến độ được gia hạn, đúng giấy phép xây dựng được cấp và hồ sơ thiết kế được phê duyệt đảm bảo an toàn, chất lượng công trình và đưa công trình vào hoạt động theo đúng quy định.

Dư luận cho rằng, thông qua nội dung 2 văn bản nêu trên, UBND tỉnh Lâm Đồng không có sự nhất quán trong việc xử lý sai phạm tại dự án khách sạn Merperle Dalat Hotel. Bởi, cùng một dự án nhưng tháng 6/2023, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phải xây dựng đúng giấy phép đã được cấp nhưng sau đó lại “hợp thức hóa” các sai phạm của chủ đầu tư bằng hình thức “xác định nghĩa vụ tài chính Công ty Khải Vy phải nộp do thay đổi thiết kế làm tăng hệ số sử dụng đất tại dự án Merperle Dalat Hotel”.

Lâm Đồng: Bất nhất trong xử lý vi phạm tại Dự án Merperle Dalat Hotel
Hai văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng liên quan đến xử lý sai phạm tại khách sạn Merperle Dalat Hotel.

Nhiều ý kiến còn cho rằng, với mức độ sang trọng của khách sạn Merperle Dalat Hotel, giá dịch vụ không hề rẻ nên lợi nhuận, nguồn thu khai thác đối với phần diện tích xây dựng sai phép, không phép sẽ rất lớn. Nếu đem ra so sánh với số tiền 110 triệu đồng đóng phạt để được “hợp thức hóa” cho phần xây dựng sai phép này, thì con số này chẳng thấm vào đâu.

Nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật, giảm thiệt hại cho xã hội và cho chính người vi phạm, đối với các công trình sai phép, không phép, chính quyền địa phương cần quyết liệt ngăn chặn, đình chỉ ngay từ đầu. Trường hợp chậm phát hiện, khi công trình đã hoàn thành, cần phải xem xét cưỡng chế, tháo dỡ dứt khoát.

Nếu chỉ phạt hành chính rồi cho công trình tiếp tục tồn tại, chẳng khác nào giải quyết vấn đề từ ngọn, việc này còn tạo tiền lệ xấu trong xã hội, kích thích thêm cho nhiều công trình không phép, trái phép ra đời.

Theo Luật sư Dương Lê Ước An - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, trường hơp vi phạm trên đã phá vỡ cảnh quan, kết cấu của một thành phố. Việc xử phạt hành chính bằng tiền không mang lại hiệu quả răn đe, nhất là mức phạt tối đa hiện nay được áp dụng là 1 tỷ đồng. Nếu xây vượt tầng thì số tiền cho thuê, số tiền lợi nhuận có thể thu được lên rất lớn. Như vậy, rõ ràng chủ đầu tư sẵn sàng chịu phạt để được hợp thức hóa phần sai phạm của mình. Theo pháp luật hiện nay, có nhiều văn bản pháp quy định liên quan đến việc xử lý vi phạm về xây dựng vượt tầng, như: Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Luật Xây dựng 2014, Nghị định 139/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi NĐ 21/2020/NĐ-CP..

Trong đó có quy định rõ, những cá nhân, tổ chức khi vi phạm sẽ bị lập biên bản xử phạt hành chính và được yêu cầu tự nguyện tháo dỡ phần xây dựng sai phạm, nếu không tự nguyện sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ, yêu cầu khắc phục hậu quả.

Tiến Phòng

Theo: Báo Công Thương