Lãi suất tín phiếu giảm, tỷ giá hạ nhiệt là tín hiệu tích cực giảm lãi suất cho vay

(Banker.vn) Động thái can thiệp thị trường của nhà điều hành tiếp tục bộc lộ rõ nét thông qua việc giảm lãi suất trúng thầu tín phiếu, lần thứ 2 trong trong tháng 8.
Ngân hàng Nhà nước phát hành gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng 10.000 tỷ đồng qua phát hành tín phiếu

Phiên giao dịch ngày 20/8 trên thị trường mở đã gây bất ngờ lớn khi Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất trúng thầu tín phiếu từ 4,25%/năm xuống 4,2%/năm. Trong phiên giao dịch này, Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất và đã có 4.999,9 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 4,20%/năm, giảm nhẹ so với mức 4,25%/năm phiên trước đó. Cũng tại phiên này, đã có 9.250 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.

Như vậy, nhà điều hành đã bơm ròng 1.964,92 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố là 46.585,21 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường ở mức 55.349,4 tỷ đồng.

Lãi suất tín phiếu giảm, tỷ giá hạ nhiệt là tín hiệu tích cực giảm lãi suất cho vay
Lãi suất tín phiếu giảm, tỷ giá hạ nhiệt là tín hiệu tích cực giảm lãi suất cho vay. Ảnh minh họa

Đây là lần thứ 2 trong cùng một tháng, lần trước đó là vào ngày 5/8, Ngân hàng Nhà nước thực hiện giảm lãi suất tín phiếu. Động thái này được giới phân tích đánh giá là bước đi quyết liệt dựa trên những tín hiệu của thị trường, đó là tỷ giá giảm và lãi suất có những diễn biến thuận lợi để có thể giảm thêm hỗ trợ nền kinh tế.

Thực tế, trong gần 1 tuần trở lại đây, tỷ giá đã có dấu hiệu hạ nhiệt qua từng ngày. Đơn cử: Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên 20/8 ở mức 24.923 VND/USD, giảm tiếp 51 đồng so với phiên 19/08. So cuối tuần trước thì tỷ giá liên ngân hàng đã giảm 138 đồng/USD. Sang ngày 21/8, tỷ giá trung tâm là 24.246 đồng/USD, giảm nhẹ 5 đồng/USD so với hôm qua. Bên cạnh đó, tỷ giá USD tại các ngân hàng trong nước cũng đồng loạt giảm chứ không ngược chiều với tỷ giá trung tâm như vài ngày trước đó. Giá USD bán ra tại một số ngân hàng thương mại giảm 17 – 20 đồng USD, dao động quanh mức 25.078- 25.080 đồng/USD. Và tính từ đầu tháng 8 đến nay, giá USD tại các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 350-360 đồng/USD.

Trên thị trường thế giới, trong phiên ngày 21/8, đồng USD cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay so với đồng euro trong bối cảnh nhà đầu tư chuẩn bị tâm lý cho số liệu việc làm được điều chỉnh của Mỹ dự kiến được công bố trong ngày.

Bộ phận nghiên cứu thị trường ngân hàng ACB đưa ra nhận định: Với việc tỷ giá trên thị trường tự do hạ nhiệt nhanh chóng, trong khi đồng USD cũng suy yếu trở lại trước thềm Hội nghị quan trọng của các ngân hàng trung ương trên thế giới và việc không giữ được ngưỡng hỗ trợ 25.100 trong tuần trước có thể khiến xu hướng giảm của tỷ giá sẽ chưa dừng lại trong tuần này.

Tỷ giá hạ nhiệt không chỉ giảm áp lực lên lãi suất mà còn là tín hiệu tích cực để nhà điều hành thực thi các chính sách tiền tệ phù hợp, nới lỏng hơn nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống và cắt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh lãi suất huy động đang có xu hướng tăng, tín dụng cũng bước vào chu kỳ tăng trưởng thì việc giảm các loại lãi suất trên thị trường mở của nhà điều hành là rất cần thiết. Khi các ngân hàng thương mại tiếp cận được nguồn vốn rẻ trên thị trường liên ngân hàng thì sẽ cân đối lại lãi suất cho vay ở mức hợp lý hơn.

Trước đó, một số định chế tài chính quốc tế dự báo tỷ giá USD/VNĐ sẽ đạt mức 25.100 trong quý 3 và 24.800 trong quý 4/2024, và giảm nhẹ còn 24.600 trong quý 1/2025.

Đại diện Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 31/7/2024, tỷ giá trung tâm ở mức 24.255 đồng/USD, tăng 1,63% so với cuối năm 2023, đây là mức trung bình thấp và ổn định so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, Ngân hàng nhà nước vẫn tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có tỷ giá một cách linh hoạt, hài hoà, đảm bảo kiểm soát lạm phát, đảm bảo trạng thái ngoại tệ, cung cầu ngoại tệ.

Duy Minh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục