Lãi suất thấp khiến người dân ngày càng ít gửi tiền, ngân hàng lo thiếu vốn ổn định

(Banker.vn) "Nếu như tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi, người dân sẽ có xu hướng rút tiền ra khỏi ngân hàng để đầu tư vào các kênh khác như vàng, chứng khoán, bất động sản,... trong khi ngân hàng lại cần nguồn vốn ổn định,"...

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm, tổng phương tiện thanh toán tăng lên hơn 12,7 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 5,34% so với đầu năm.

Tiền gửi tại các TCTD đạt 10,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,17% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế (TCKT) tăng 5,46% lên hơn 5,14 triệu tỷ đồng; tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,293 triệu tỷ đồng, tăng 2,95% so với đầu năm.

Đáng chú ý, tiền gửi của dân cư trong tháng 8 giảm gần 986 tỷ đồng so với cuối tháng 7, trong khi tiền gửi của doanh nghiệp tăng hơn 59.000 tỷ đồng. Ghi nhận trong tháng 7, mức gửi ròng của người dân vào ngân hàng chỉ khoảng 1.250 tỷ đồng.

Kể từ tháng 3 đến nay, tiền gửi của dân cư tăng trưởng thấp, thậm chí có những tháng tăng trưởng âm. Trong tháng 6, mức tăng trưởng tiền gửi dân cư đã xuống thấp nhất trong 10 năm qua. Theo đó, tăng trưởng tiền gửi đã từng đạt mức rất cao (trên 10%) vào những năm trước. Chẳng hạn, 17,2% (2012), 15,9% (2013) hay 12,9% (2016).

Chia sẻ tại họp báo thông tin kết quả hoạt động quý III của ngành ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết lãi suất tiền gửi hiện nay rất thấp.

Theo đó, lãi suất đầu vào của các ngân hàng bình quân hiện nay ước khoảng 5 - 5,5%/năm, nếu lạm phát khoảng 3% thì người gửi tiền mới có lãi suất dương. Tuy nhiên trong thời gian qua, khi lãi suất mới giảm 0,5 - 1,5% mà tăng trưởng tiền gửi đã giảm xuống còn 4,8% trong khi cùng kỳ năm ngoái là hơn 6%.

Mức tăng huy động cũng thấp hơn nhiều so với tín dụng, tăng trưởng tín dụng đạt 7,42% trong khi tăng trưởng tiền gửi chỉ ở mức 4,8% cho thấy ảnh hưởng của việc giảm lãi suất tới xu hướng gửi tiền của người dân.

"Nếu như tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi, người dân sẽ có xu hướng rút tiền ra khỏi ngân hàng để đầu tư vào các kênh khác như vàng, chứng khoán, bất động sản,... trong khi ngân hàng lại cần nguồn vốn ổn định," Phó Thống đốc cho biết thêm.

Lưu Lâm

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán