Lãi suất tăng tạo nhiều thách thức hơn đối với các ngân hàng kỹ thuật số châu Á

(Banker.vn) Rất ít ngân hàng kỹ thuật số chuyên biệt đạt được điểm hòa vốn, và những ngân hàng này đều được các tập đoàn lớn hậu thuẫn.

Các ngân hàng kỹ thuật số chuyên biệt ở châu Á - Thái Bình Dương (APAC) sẽ gặp khó khăn, thách thức hơn trong việc đạt được kết quả tài chính vững vàng do lãi suất ngày càng tăng và các điều kiện tài chính thắt chặt.

Theo các nhà phân tích Tamma Febrian, Elaine Xu và Matt Choi của Fitch Ratings, vấn đề ở chỗ là các ngân hàng sẵn sàng đặt cược về mức độ rủi ro như thế nào để thu được nhiều lợi nhuận hơn. Biên lãi ròng của các ngân hàng này sẽ bị ảnh hưởng bởi khẩu vị rủi ro của họ.

“Nhìn chung, chúng tôi tin rằng các cơ hội tốt nhất cho các ngân hàng kỹ thuật số tại APAC là tại các thị trường có đông đảo dân số chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng. Tuy nhiên, cho vay đối với các phân khúc dưới chuẩn sẽ có rủi ro cao hơn, với thu nhập thấp hơn và lịch sử tín dụng hạn chế  đặt ra những thách thức chính cho các ngân hàng kỹ thuật số đang cố gắng xâm nhập thị trường ”, Febrian, Xu và Choi cảnh báo.

2 nhà phân tích của S&P nói thêm, họ kỳ vọng chi phí tín dụng sẽ tăng đáng kể hơn đối với các phân khúc này trong môi trường lãi suất cao hơn. Một nền kinh tế bất ổn cũng có thể ảnh hưởng đến khách hàng mục tiêu của các ngân hàng theo cách bất cân đối, làm tăng rủi ro về chất lượng tài sản.

Các nước APAC gần đây đang chứng kiến làn sóng ngân hàng kỹ thuật số. Vào cuối năm 2020, Singapore đã trao giấy phép cho các ngân hàng chỉ hoạt động trên môi trường internet. Những ngân hàng này mới chỉ bắt đầu hoạt động vào giữa năm 2021, bao gồm hai ngân hàng bán buôn, Green Link Digital Bank và ANEXT Bank; và mới đây nhất là GXS Bank - ngân hàng chỉ bán lẻ kỹ thuật số do Grab Holdings và gã khổng lồ viễn thông địa phương Singtel hậu thuẫn.

Ở Indonesia, cơ quan quản lý đã chọn thay đổi các quy tắc ngân hàng để cho phép các ngân hàng chỉ hoạt động trên môi trường kỹ thuật số hoạt động; trong khi Malaysia gần đây cũng đã cấp 5 giấy phép ngân hàng loại này, trong đó đáng chú ý là Ngân hàng GXS cũng đã nhận được một trong các giấy phép.

Con đường đi tới lợi nhuận

Việc tạo ra lợi nhuận cũng sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với nhiều ngân hàng kỹ thuật số ở APAC, 2 nhà phân tích của S&P cho biết. Khả năng tồn tại của các ngân hàng kỹ thuật số bị ảnh hưởng nhiều bởi quy mô thị trường, động lực cạnh tranh trong ngành, sức mạnh của việc nhượng quyền thương mại cũng như chiến lược và khả năng thực hiện của ngân hàng.

Nhiều ngân hàng kỹ thuật số hàng đầu ở APAC được các tập đoàn tài trợ hoặc là một phần của một liên minh, đã có sẵn cơ sở khách hàng rộng lớn nhằm cung cấp cho các ngân hàng này để nhanh chóng mở rộng quy mô kinh doanh.

Nhưng có một hệ sinh thái bổ sung và cấu trúc chi phí gọn gàng hơn có thể không đủ để giúp các ngân hàng này bắt đầu kiếm lợi nhuận.

Các nhà phân tích cho biết: “Ví dụ, tất cả các ngân hàng kỹ thuật số của Hồng Kông vẫn chìm trong màu đỏ kể cả sau ba năm hoạt động, mặc dù hầu hết thuộc sở hữu của các tập đoàn hoặc các liên minh, một phần là do phải tiếp tục thực hiện các khoản đầu tư  cũng như tính chất cạnh tranh cao của ngành".

Đối với các nhà phân tích, yếu tố then chốt dẫn đến thành công của một số ít công ty cho vay kỹ thuật số có lãi ở APAC là khả năng xác định các phân khúc thích hợp sinh lợi của mình. Chính các liên kết với công ty mẹ đã giúp ích cho công cuộc tìm kiếm lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng, trong đó các ngân hàng ở các thị trường mới nổi ghi nhận thời gian ngắn hơn.

Thành công cần thời gian. Theo Fitch, trung bình các ngân hàng kỹ thuật số ở APAC vẫn mất khoảng 2-5 năm để hòa vốn. Các ngân hàng này hầu hết đều nằm ở Đông Á, trong đó 3 ngân hàng ở Trung Quốc (aiBank, WeBank và MYBank), 3 ngân hàng ở Nhật Bản (Rakuten Bank, Sony Bank, Lawson Bank) và 2 ngân hàng ở Hàn Quốc (K Bank, Kakao Bank). Trong số này, Ngân hàng Rakuten mất nhiều thời gian nhất, tới 7 năm.

Ngân hàng kỹ thuật số không thuộc khu vực Đông Á duy nhất hiện kiếm được lợi nhuận là Jago của Indonesia, ngân hàng này đã hòa vốn chỉ trong một năm kể từ khi ra mắt.

Các nhà phân tích cho biết: “Khả năng hòa vốn của ngân hàng Indonesia Jago chỉ khoảng một năm sau khi Gojek tăng cổ phần của mình trong ngân hàng cho thấy lợi nhuận có thể dễ dàng đạt được hơn đối với những ngân hàng hoạt động ở các thị trường ít được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng với biên lợi nhuận rộng hơn và ít cạnh tranh gay gắt hơn” .

(Nguồn: Asianbankingandfinance)

Vân Anh

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ