Lãi suất tăng cao, chứng khoán Mỹ bị bán tháo

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch 21/2, khi nỗi lo lãi suất tăng cao hơn và lâu hơn ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trí nhà đầu tư. Báo cáo tài chính mới nhất của ngành bán lẻ làm dấy lên mối lo ngại về năng lực tài chính của người tiêu dùng.

Đóng cửa phiên 21/2, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 697 điểm còn 33.130 điểm, tương ứng giảm 2,06%. Đây là phiên lao dốc mạnh nhất Dow Jones gồm 30 cổ phiếu blue chip này kể từ phiên 15/12 khi tỷ lệ giảm là 2,3%.

Chỉ số S&P 500 “bốc hơi” 2%, còn 3.997,34 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ cú sụt 2,5% vào ngày 15/12. Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 - thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall - đều chốt phiên trong sắc đỏ, dẫn đầu là nhóm tiêu dùng không thiết yếu với mức giảm 3,3%.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm mạnh nhất trong ba chỉ số chính khi mất 2,5% và dừng ở 11.492 điểm.

Lãi suất tăng cao, chứng khoán Mỹ bị bán tháo

Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm leo lên mức 3,9%, kỳ hạn 2 năm cũng tăng lên 4,7%. Cả hai lãi suất này đều cao chưa từng thấy kể từ tháng 11, trong bối cảnh các nhà giao dịch ở Phố Wall bất an vì số liệu lạm phát gần đaay nóng hơn dự báo. Họ lo ngại rằng lạm phát dai dẳng sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cao hơn dự báo và giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn kỳ vọng, từ đó có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Ông Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường của B. Riley Wealth, nhận định: “Tôi cho rằng thị trường chứng khoán cuối cùng đã hiểu những gì mà thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ nói trong 2 tuần qua. Chúng ta đã có một loạt dữ liệu kinh tế tốt. Với mỗi số liệu tốt, chúng ta lại chứng kiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ nhích lên một chút”, chiến lược gia trưởng Art Hogan của B. Riley Wealth phát biểu.

Ông Hogan cho rằng, không có một nhân tố lớn nào khiến cho thị trường tụt dốc, thay vào đó là tác động tích lũy của hàng loạt số liệu và các phát biểu của quan chức Fed đã khiến nhà đầu tư phải chú ý.

“Giờ đây, thị trường chứng khoán đã hiểu được sự thật trong những gì mà các quan chức Fed nói có ý nghĩa như thế nào với hoạt động kinh tế, và các con số thống kê có nghĩa là lãi suất cao hơn và lâu hơn. Thị trường chỉ đang giảm bù lại phần chưa kịp giảm mà thôi”, ông Hogan nói thêm.

Home Depot là cổ phiếu giảm mạnh nhất trong Dow Jones phiên này, với mức giảm 7% sau khi công ty bán lẻ đồ trang trí nhà cửa công bố doanh thu quý 4/2022 không đạt kỳ vọng. Nhà đầu tư cũng thất vọng khi Home Depot đưa ra triển vọng không tăng trưởng của doanh thu trong năm nay.

Cú giảm mạnh của chứng khoán Mỹ kéo chứng khoán toàn cầu sụt theo. Chỉ số MSCI của chứng khoán thế giới chốt phiên với mức giảm 1,59%, trong khi Stoxx 600 của thị trường châu Âu có lúc giảm 1% trước khi hồi phục và đóng cửa với mức giảm 0,19%.

Sang ngày 22/2, Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp diễn ra hôm 31/1 – 1/2. Các nhà hoạch định chính sách đã nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps) trong cuộc họp này. Nhà đầu tư sẽ phân tích kỹ biên bản cuộc họp để định hướng chính sách tiền tệ của Fed.

7 sai lầm nhà đầu tư cần tránh khi tham gia thị trường chứng khoán để tránh "xa bờ"

Khi tham gia đầu tư thị trường chứng khoán, ngoài những lợi nhuận hấp dẫn mà cổ phiếu mang lại thì các nhà đầu tư ...

Thị trường chứng khoán ngày 22/2/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Phiên giao dịch ngày 21/2, VN-Index đóng cửa ở mốc 1.082,23 điểm, giảm nhẹ -4,46 điểm (-0,41%); Chứng khoán An Bình muốn lên sàn UPCOM; ...

Chuyên gia chứng khoán chỉ rõ nhóm ngành giữ đà tăng trưởng trong năm 2023

Trong năm 2023, Giám đốc Phân tích SHS cho rằng, nhóm ngân hàng sẽ duy trì được đà tăng trưởng, tuy nhiên nhóm này cũng ...

Khánh Vân (t/h)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục