Lãi suất liệu có biến động trước áp lực lạm phát?

(Banker.vn) Tính đến giữa tháng 4, chỉ một số ít các ngân hàng tặng nhẹ lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn, còn lại đa số các ngân hàng vẫn giữ ở mức thấp nhấp trong vòng 10 năm.

Khoảng 1 tháng gần đây, lãi suất tiền gửi ngắn hạn của một vài ngân hàng có tăng nhẹ từ 0,1 - 0,2%, lãi suất phổ biến từ 2,9 - 4%/năm. Tuy nhiên, các kỳ hạn 6 tháng đến 12 tháng hầu như không đổi, dao động từ 3,8 - 6,5%/năm.

Đại diện ngân hàng cho biết, sự điều chỉnh lãi suất không diễn ra trên quy mô rộng, chỉ nhất thời tại một số ngân hàng quy mô nhỏ muốn cơ cấu lại kỳ hạn nguồn vốn.

"Lãi suất có điều chỉnh một chút không làm tăng chi phí vốn quá nhiều, cũng có thể đó là nhu cầu vốn ngắn hạn trong giai đoạn nào đó của một ngân hàng đơn lẻ nên nó không phải xu hướng. Vì vậy, tôi nghĩ từ giờ tới cuối năm lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp", ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cho biết.

Theo các chuyên gia, các thông tin vĩ mô đang ủng hộ mặt bằng lãi suất thấp. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay, tương đương mức tăng năm ngoái, sẽ không tạo áp lực huy động vốn cho các ngân hàng. Trong khi, lạm phát cơ bản trong quý I được kiềm chế khá tốt, chỉ tăng 0,67%.

"Sức cầu còn yếu. Dự báo năm 2021, lạm phát khoảng 3% đổ lại, nên chúng ta có thể duy trì được mặt bằng lãi suất thực dương", ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc cấp cao SK Việt Nam, cho hay.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang tung ra các gói kích thích kinh tế, cộng với đà tăng giá của nhiều loại hàng hóa, đang gây sức ép tăng giá trong nước. Nếu lạm phát tăng vào nửa cuối năm, việc điều hành lãi suất sẽ chịu nhiều sức ép.

"Cung tiền cả năm ngoái lẫn năm nay, đặc biệt là đầu tư công, rõ ràng áp lực lạm phát năm nay tương đối lớn. Trong khi nhiệm vụ quan trọng của chúng ta là vẫn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, nếu ta giữ được lãi suất ổn định, không tăng không giảm trong năm nay cũng đã là thành công", ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, nhận định.

Khảo sát của Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, tỷ lệ các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm trong quý II và cả năm 2021 cao hơn so với tỷ lệ dự báo tăng. Các tổ chức tín dụng cũng cho rằng phải tới năm 2022, mặt bằng lãi suất mới có thể tăng khoảng 0,34%.

Anh Khôi

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán