Lãi suất huy động chạm đáy, dòng tiền thông minh sẽ chảy về đâu trong thời gian tới?

(Banker.vn) Trong những ngày đầu tháng 12/2023, lãi suất tiền gửi chạm mức đáy của giai đoạn Covid-19, đầu tư vào đâu để gia tăng lợi nhuận đồng thời đảm bảo yếu tố hiệu quả, an toàn là băn khoăn của nhiều nhà đầu tư hiện tại.

Cụ thể, đầu tháng 12/2023, lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND thông thường tại quầy của các ngân hàng tiếp tục giảm thêm 0,1 - 1,35 điểm % so với 1 tháng trước đó. Lãi suất huy động cao nhất kỳ hạn 12 tháng chỉ còn ở mức 5,7%/năm, thấp nhất chỉ còn ở mức 4,8%/năm.

Lãi suất huy động chạm đáy, dòng tiền thông minh sẽ chảy về đâu trong thời gian tới?
Hình minh họa.

Cụ thể, Tại các ngân hàng thương mại, lãi suất tiền đồng cũng giảm mạnh, đối với kỳ hạn 1 - 12 tháng, Techcombank đang huy động tiền gửi với lãi suất từ 3,4% - 5,2%/năm; MB huy động từ 3,2% - 5,1%/năm…

Tại các ngân hàng thương mại nhà nước như Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank chỉ còn huy động tiền gửi tiết kiệm với lãi suất từ 2,4%/năm đến 5,3%/năm đối với kỳ hạn từ 1 - 12 tháng.

Trong báo cáo mới đây của Công ty CP Chứng khoán VnDirect, tính đến thời điểm ngày 31/10/2023, tín dụng đã tăng 7,39% so với đầu năm, thấp hơn so mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước là 11,62%.

Ngược lại, tăng trưởng tiền huy động vẫn tiếp tục được cải thiện dù cho lãi suất huy động liên tục giảm.

Theo VNDirect, nguyên nhân chính khiến tín dụng tăng trưởng yếu hơn so với cùng kỳ là khả năng trả nợ của khách hàng suy yếu do lãi suất của các khoản vay trong giai đoạn cuối năm 2022 cao trong khi thu nhập giảm và thị trường bất động sản vẫn ảm đạm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, điều hành tăng trưởng tín dụng là rất khó vì bản thân nội tại nền kinh tế Việt Nam, nhu cầu vốn đầu tư đã phụ thuộc rất nhiều vào vốn ngân hàng.

Tư lệnh ngành nêu rõ: Hiện tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam trên 125%. Các tổ chức quốc tế cũng đã cảnh báo Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trong nhóm nước có thu nhập trung bình. Nhưng năm 2023 vốn đầu tư nền kinh tế lại gặp khó khăn. Thị trường bất động sản, trường trái phiếu doanh nghiệp ách tắc nên gần như doanh nghiệp không phát hành trái phiếu doanh nghiệp, áp lực đổ dồn lên tín dụng ngân hàng vốn đã khó lại càng khó hơn.

Trong khi đó, tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo NHNN làm thế nào các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống; thực hiện giải pháp ngắn hạn nhưng vẫn phải đảm bảo giải pháp căn cơ trong dài hạn.

Trong bối cảnh đặc thù như vậy, Chính phủ cũng rất quan tâm vấn đề tăng trưởng tín dụng. Về phía ngành ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, chưa năm nào đến tháng 7, NHNN đã phân bổ hết chỉ tiêu tín dụng cả năm. Trên cơ sở đánh giá khả năng tăng trưởng tín dụng, đến cuối tháng 11/2023, NHNN tiếp tục điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng với tỷ lệ lớn đối với các tổ chức tín dụng.

Với định hướng của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, VnDirect cho rằng từ nay đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng sẽ được cải thiện và đạt 10% so với đầu năm nhờ vào các ngành sản xuất phục hồi với việc đơn hàng sản xuất tăng trở lại, ngành xây dựng phục hồi nhờ thúc đẩy đầu tư công những tháng cuối năm và nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng trở lại trong dịp lễ tết cuối năm.

Tính đến ngày 24/11/2023, bình quân lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các Ngân hàng quốc doanh đã giảm về mức bình quân 5,13%/năm, giảm 0,1 điểm % so với cuối tháng 10. Trong khi đó, lãi suất huy động 12 tháng của các Ngân hàng tư nhân dao động từ 4,6% đến 5,7%/năm với mức bình quân khoảng 5,14%/năm, giảm gần 0,3 điểm % so với tháng trước.

Một số các NHTM có mức bình quân lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng giảm mạnh nhất so với tháng trước bao gồm: STB (-0,7 điểm %), ACB (-0,5 điểm %), SHB (-0,3 điểm %) và LPB (-0,3 điểm %). Như vậy, lãi suất tiền gửi đã thấp hơn cả giai đoạn Covid-19.

Dòng tiền sẽ chảy về đâu trong thời gian tới?

Trong bối cảnh lãi suất huy động của ngân hàng giảm sâu ở mức kỷ lục, giới chuyên gia kỳ vọng dòng tiền tiết kiệm sẽ chuyển dịch sang các kênh đầu tư khác như: bất động sản, chứng khoán hay vàng...

Các chuyên gia của VnDirect nhận định, đây thời điểm thích hợp để đầu tư trung và dài hạn vào kênh chứng khoán do định giá thị trường khá hấp dẫn khi đặt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động thấp hiện nay và thu nhập toàn thị trường được dự báo có thể cải thiện kể từ quý IV/2023.

Chia sẻ về sức hấp dẫn của các kênh đầu tư, ông Phan Khánh Linh - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư TechProfit Việt Nam cho rằng, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Bởi thị trường bất động sản còn gặp những vấn đề liên quan đến pháp lý khiến doanh nghiệp bất động sản khó bán hàng, bên cạnh đó thanh khoản của thị trường mặc dù có cải thiện nhưng để sôi động trở lại cần thời gian khá lâu. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm lại đang ở mức thấp, còn vàng và ngoại tệ thì khó đoán định. "Do đó, tôi cho rằng chỉ cần có "gió đông", thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc hơn" - ông Linh nói.

Ở một góc nhìn khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, thực tế thì lãi suất dù có giảm mạnh nhưng người dân không có nhu cầu tiêu dùng mạnh tay, cũng như không tham gia đầu tư nhiều trước nên tất cả dòng tiền vẫn tập trung đổ dồn vào ngân hàng.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, hầu như tất cả các kênh đầu tư đều có độ rủi ro lớn và vẫn còn nhiều biến động khó lường. Trong 5 kênh đầu tư kênh tư hiện nay (chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ và gửi tiết kiệm) thì chỉ có ngân hàng được coi là nơi cất trữ dòng tiền an toàn nhất. Bởi dù lãi suất có giảm sâu đi chăng nữa thì việc bỏ tiền vào ngân hàng vẫn an toàn, không rủi ro như các kênh đầu tư khác, mà vẫn có lợi nhuận.

"Để an toàn, người ta vẫn lựa chọn việc gửi tiền tiết kiệm ngân hàng. Trong khi đó, bất động sản khôi phục nhưng có lẽ vào nửa cuối của năm 2024. Thị trường bất động sản cũng cần có thời gian để phục hồi, khi các dòng vốn, thị trường chứng khoán khả quan hơn, chính sách tiền tệ của các nước ổn định hơn, tạo ra tiền đề của chính sách tiền tệ của Việt Nam" - ông Hiếu chia sẻ.

Toàn bộ hơn 365.000 tỷ đồng hút qua kênh tín phiếu đã quay trở lại hệ thống

Ngày 6/12 là ngày đáo hạn của lô tín phiếu cuối cùng trong đợt phát hành vừa qua của Ngân hàng Nhà nước với quy ...

Lạm phát trong tầm kiểm soát, kỳ vọng NHNN giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 4,5% trong năm 2024

Trong báo cáo mới đây của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC (HSBC Global Research), HSBC đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam ...

Vân Anh (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục