Lãi suất giảm, tâm lý thận trọng vẫn đeo bám nhà đầu tư chứng khoán

(Banker.vn) Thời gian gần đây, thông tin giảm lãi suất không còn tác động quá mạnh đến thị trường chứng khoán khi thị trường phản ứng nhạt nhoà trong 2 lần giảm lãi suất trước đó. Thậm chí, VN-Index không tăng sau thông tin hạ lãi suất đợt 3. Câu hỏi được nhà đầu tư quan tâm liệu thông tin lãi suất còn tác động lên thị trường chứng khoán.

Chuyên gia dự báo có thêm 1-2 đợt giảm lãi suất

Ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định số 951 thay đối mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND có kỳ hạn 1-6 tháng từ 5,5%/năm xuống 5%/năm, được áp dụng ngày 25/5. Điều này phần nào cũng cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang có xu hướng giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Lãi suất giảm, tâm lý thận trọng vẫn đeo bám nhà đầu tư chứng khoán

Trên phương diện đầu tư, xu hướng lãi suất (đầu vào, đầu ra) giảm được giới đầu tư kỳ vọng tác động tích cực lên thị trường chứng khoán. Đơn cử, khi lãi suất gửi tiết kiệm giảm, dòng tiền sẽ tìm đến một số kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản. Lãi vay giảm làm tăng lợi nhuận doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, thông tin giảm lãi suất của NHNN không còn tác động quá mạnh đến thị trường chứng khoán. Minh chứng là thị trường phản ứng có phần nhạt nhoà trong 2 lần giảm lãi suất trước đó. Thậm chí, VN-Index ngược chiều giảm điểm sau thông tin hạ lãi suất đợt 3 này.

Câu hỏi được nhà đầu tư quan tâm liệu thông tin lãi suất còn tác động lên thị trường chứng khoán. Về mặt lý thuyết, lãi suất nằm dưới mẫu trong công thức định giá chứng khoán. Khi lãi suất giảm, kỳ vọng mức định giá của thị trường hay cổ phiếu được nâng lên.

Bàn về tác động của việc giảm lãi suất điều hành, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết cho rằng, giảm lãi suất là điều kiện cần, song chưa phải điều kiện đủ để kích thích tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Bởi NHNN có thể chủ động về mặt chính sách, nhưng không thể quyết định nhu cầu thực của nền kinh tế. Tình hình khó khăn của một số quốc gia lớn trên thế giới tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu của nước ta.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng suy yếu khi người dân thắt chặt chi tiêu. Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất và tiêu dùng kinh doanh khó khăn và không có nhu cầu vay tín dụng, mở rộng sản xuất. Mặt khác, những doanh nghiệp BĐS có nhu cầu tín dụng cao cũng khó hấp thụ dòng vốn khi điều kiện cho vay của các ngân hàng không mấy “dễ thở”.

Do đó, lãi suất là điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thì vẫn yếu. Để giải toả được nút thắt này, ông Ngọc cho rằng Chính phủ cần xem xét triển khai thêm giải pháp giảm thuế để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh ngân sách dồi dào.

Đặc biệt, chuyên gia cho rằng vấn đề cốt lõi là thúc đẩy mạnh đầu tư công để giải ngân vốn vào doanh nghiệp, nền kinh tế. Bên cạnh đó, đẩy tín dụng vào nền kinh tế thông qua room tín dụng, gói hỗ trợ lãi suất cho vay. Từ đây đến cuối năm, ông Ngọc dự báo sẽ có thêm 1-2 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế.

Thị trường hưng phấn trước khi thông tin chính thức được công bố

Bàn về tác động đến thị trường chứng khoán ông Ngọc cho biết, việc giảm lãi suất chỉ tốt cho thị trường chứng khoán trong dài hạn. Bởi để xu hướng giảm lãi suất ngấm vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thì rõ ràng không thể trong một sớm một chiều.

Do đó, yếu tốt độ trễ cũng là một trong những nguyên nhân khiến tâm lý thị trường thận trọng. Trong ngắn hạn, VN-Index ngược chiều giảm trước thông tin giảm lãi suất cũng không quá khó hiểu. Bởi, thị trường đã khá hưng phấn trước khi thông tin chính thức được công bố nên “tin ra là bán” cũng là hợp lý.

Theo chuyên gia, nút thắt của thị trường trong ngắn hạn đó là dòng tiền. Dòng tiền không đủ mạnh giúp thị trường vượt cản khiến VN-Index liên tục hụt hơi, chủ yếu sideway trong biên độ hẹp.

Thứ nhất, dòng tiền đang kẹt ở cả khối ngoại và khối nội. Lượng tiền từ các quỹ đầu tư chủ động nước ngoài hầu như không huy động được vốn, bởi tỷ trọng tiền mặt các quỹ khá thấp nên nguồn vốn “bơm” thị trường không còn lớn. Dù các quỹ ETF vẫn là điểm sáng, song nhìn chung dòng vốn ngoại đã yếu đi trông thấy trong thời gian gần đây.

Trong khi dòng tiền khối ngoại đang có xu hướng đảo chiều, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân cũng mắc kẹt ở một số kênh đầu tư như chứng khoán, trái phiếu, BĐS. Mức giảm lãi suất tiền gửi cũng chưa thực sự đủ hấp dẫn để dòng tiền dịch từ gửi tiết kiệm sang kênh chứng khoán. Thêm vào đó, số dư tài khoản chứng khoán vẫn ở mức thấp cho thấy NĐT chưa sẵn sàng trở lại.

Thứ hai, dự báo kết quả kinh doanh quý 2 tới đây vẫn chưa thể khởi sắc, chủ yếu vẫn sẽ là những gam màu tối. Theo chuyên gia, nhiều doanh nghiệp dự báo gặp khó khăn kéo theo tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường có thể suy giảm.

Thứ ba, áp lực đáo hạn trái phiếu từ tháng 5 đến tháng 9 sẽ rất lớn và đây vẫn là một gánh nặng cho thị trường. Doanh nghiệp sẽ tập trung xử lý vấn đề trái phiếu nên dòng tiền có thể sẽ tiếp tục eo hẹp.

Để kích thích dòng tiền nhà đầu tư quay trở lại, ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng thị trường cần chiết khấu thêm để hấp dẫn dòng tiền. Dù định giá P/E, P/B vẫn đang ở mức hợp lý so với quá khứ, song với dự báo EPS thị trường giảm đi khiến P/E forward có thể tăng cao hơn trong thời gian tới.

Với ước tính lợi nhuận doanh nghiệp giảm 15-20%, chuyên gia cho rằng P/E forward phải về xấp xỉ dưới 10 lần, tương đương VN-Index dao động quanh ngưỡng 950-1.000 điểm mới thực sự đủ hấp dẫn.

Đánh giá về tác động của việc giảm lãi suất điều hành, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, việc NHNN giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Cụ thể, sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, và hiện tại cả hai lĩnh vực đều đối mặt với sự suy giảm hoạt động. Do đó, người dân sẽ không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm và doanh nghiệp cũng không có ý định vay vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất. Giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng.

Ngành sản xuất của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài ra, khi ngành sản xuất hồi phục, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng phục hồi. Những tác động này mới là điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.

Về thị trường chứng khoán, chốt phiên 24/5, các chỉ số đóng cửa trong sắc đỏ khi thông tin NHNN hạ lãi suất điều hành không tạo cú huých cho thị trường. VN-Index đóng cửa giảm 0,38% dừng tại 1061.79 điểm, Upcom-Index cùng chiều giảm 0,09% trong khi chỉ số HNX-Index ngược chiều tăng 0,08%. Giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 13.236 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Mở cửa phiên hôm nay 25/5, VN-Index vẫn lình xình quanh tham chiếu. Sàn HOSE đầu phiên màu vàng chiếm ưu thế, dù sau đó có vẻ ngả dần qua sắc đỏ. Chỉ số nhóm VN30 cũng đã giảm dù rất nhẹ và cũng chỉ có chưa đến 10 mã giảm giá.

Cổ phiếu thị giá lớn nhất sàn chứng khoán vào diện hạn chế giao dịch

Chốt phiên 24/5, cổ phiếu VNZ giảm 28.000 đồng về mức 740.000 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh đạt 523 đơn vị. So với mức ...

Thị trường chứng khoán ngày 25/5/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

ITA "có sóng", VN-Index mất hơn 4 điểm phiên 24/5; Cổ phiếu VNZ bị hạn chế giao dịch từ 25/05; Cổ phiếu FLC tiếp tục ...

Các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ngày 25/5/2023

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến quý độc giả tổng hợp các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục