Lãi suất giảm sẽ hỗ trợ tăng trưởng tín dụng cuối năm

(Banker.vn) Mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục được kéo xuống khi một số ngân hàng điều chỉnh giảm, lãi suất huy động của đa số ngân hàng TMCP cũng đã rời khỏi mức 6%/năm để tạo biên độ hợp lý đối với lãi suất các gói cho vay ưu đãi.
dem-tien-27-.jpg

Vietcombank vừa điều chỉnh giảm lãi suất huy động thêm 0,2%/năm, qua đó kéo lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng còn 2,8%/năm, 6-9 tháng ở mức 4,1%/năm, từ 12 trở lên của ngân hàng còn ở mức 5,1%/năm.

Ở nhóm NHTM cổ phần cũng ghi nhận nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất kể từ đầu tháng 10/2023 đến nay, có thể kể đến như: PVCombank, VIB, Sacombank, Vietbank, SCB, VPBank, SHB, BIDV, HDBank, BaoViet Bank, Techcombank, SeABank, Viet A Bank, PG Bank, Dong A Bank, LPBank, Nam A Bank, CBBank, ACB và Bac A Bank.

Trong đó, Vietbank là ngân hàng tích cực nhất với 3 lần điều chỉnh giảm trong tháng; còn VIB, SHB, Dong A Bank, PG Bank, Nam A Bank, HDBank, LPBank, Viet A Bank, Bac A Bank… cũng đã có 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động.

Trong lần điều chỉnh gần nhất, Vietbank đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-36 tháng, với mức giảm từ 0,15 – 0,2%/tùy kỳ hạn. Theo biểu lãi suất mới, lãi suất huy động tại quầy của ngân hàng này cho kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, dao động từ 4,0 - 4,4%/năm/tùy kỳ hạn; kỳ hạn 6 – 8 tháng có lãi suất ở mức 5,3%/năm; kỳ hạn 9 – 11 tháng là 5,4%/năm; 12 tháng là 5,7%/năm; còn từ 15 – 36 tháng có lãi suất là 6,3%/năm.

Hay Saigonbank cũng vừa điều chỉnh giảm lãi suất huy động, với mức giảm từ 0,1 – 0,5%/tùy kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1 – 5 tháng, dao động từ 3,4 – 4,0%/năm (giảm từ 0,2 – 0,4%/tùy kỳ hạn); 6 tháng còn 5,2%/năm (giảm 0,5%); 9 tháng còn 5,4%/năm (giảm 0,3%); kỳ hạn từ 12 – 36 tháng niêm yết ở mức 5,6%/năm (giảm từ 0,1 – 0,3%/tùy kỳ hạn).

VIB cũng vừa điều chỉnh giảm lãi suất huy động thêm từ 0,1 – 0,15% với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 – 5 tháng; và 0,2 – 0,3% đối với kỳ hạn từ 6 – 36 tháng. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng còn 5,0%/năm; 12 tháng còn 5,4%/năm; lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất của ngân hàng hiện ở mức 5,7%/năm.

Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp được tổ chức tại Đắk Lắk mới đây, bà Hà Thu Giang, Vụ Trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các NHTM giảm khoảng 2,0%/năm so với cuối năm 2022. Với tác động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Trong khi đó, chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, lãi suất huy động trên thị trường đang giảm cùng nhịp với xu hướng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh. Thực tế cho thấy, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay đã trở lại như giai đoạn trước dịch COVID-19. Mức lãi suất này duy trì sự ổn định bền vững và tốt nhất đối với nền kinh tế trong cả vai trò giữ ổn định tiền tệ và vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dù tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp nhưng đã có sự cải thiện tích cực trong tháng 9/2023 vừa qua. Cụ thể, đến cuối tháng 9/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt trên 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với cuối năm 2022. Trước đó, trong tháng 8/2023, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 5,57%, còn tháng 7/2023 là 4,54%...

Nhìn vào thống kê trên có thể thấy, tăng trưởng tín dụng đang phục hồi qua từng tháng. Nguyên nhân của sự phục hồi này được giới chuyên môn chỉ ra là do lãi suất thấp, cũng như có thêm nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và ngành Ngân hàng.

Để khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm, ngành Ngân hàng cũng đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tiếp cận vốn cho cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh việc giảm lãi suất, giảm phí… của các NHTM, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức một loạt các Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp ở nhiều địa phương trên cả nước, nhằm nắm bắt kịp thời các khó khăn trong sản xuất kinh doanh để có giải pháp khơi thông vốn cho từng ngành, lĩnh vực.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, tăng trưởng tín dụng có những yếu tố hỗ trợ, như yếu tố mùa vụ cuối năm, doanh nghiệp có hợp đồng trở lại… Tuy nhiên, yếu tố đáng chú ý là chính sách lãi suất thấp đang phát huy hiệu quả kích thích người dân, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Việc Ngân hàng Nhà nước 4 lần cắt giảm các mức lãi suất điều hành đã tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm mạnh lãi suất, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gián tiếp tiết giảm chi phí tài chính. Hơn nữa, độ trễ chính sách đến nay đã đạt đến “điểm rơi”. Các TCTD đã tạo lập mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường, kích thích doanh nghiệp và người dân vay vốn sản xuất, kinh doanh.

“Lãi suất thấp không chỉ góp phần tiết giảm chi phí, hoạt động của doanh nghiệp mà còn góp phần giữ giá thành sản phẩm, bình ổn giá cả thị trường. Đồng thời, phản ánh tác động tích cực của cơ chế tín dụng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, NHTW và các cơ chế chính sách khác”, ông Nguyễn Đức Lệnh chia sẻ.

Nêu quan điểm về điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua, đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đánh giá cao Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện tốt chính sách tiền tệ hỗ trợ cho phục hồi kinh tế sau đại dịch, đảm bảo cùng lúc thực hiện mục tiêu kép: Vừa kiềm chế lạm phát; giảm lãi suất nhằm hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, vừa ổn định tỷ giá vừa đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

“Ngân hàng Nhà nước đã luôn cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng, điều chỉnh hợp lý, kịp thời các giải pháp quản lý, điều hành để đạt mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Khó khăn của nền kinh tế thời gian qua và hiện nay là khó khăn chung của cả doanh nghiệp, cả xã hội, trong đó có các ngân hàng”, đại biểu Tạ Thị Yên nêu quan điểm.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo đà tăng tốc cho năm 2024, đại biểu Nguyễn Như So – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh kiến nghị, tăng cường giải ngân các gói hỗ trợ, gói vay ưu đãi, tránh tình trạng “đói vốn nhưng vẫn ế vốn”. “Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh”, đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh và đề nghị: “Cần có sự phối hợp hiệu quả giữ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng, đẩy mạnh cung tiền và vòng quay tiền, đẩy dòng vốn chảy vào tiêu dùng và sản xuất, tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp”.

Đoàn Hằng

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ