Lãi suất cho vay tại các ngân hàng tiếp tục giảm từ 0,5-3%/năm

(Banker.vn) Các gói vay ưu đãi có lãi suất thấp hơn biểu lãi suất từ 0,5-3%/năm đang được các ngân hàng tung ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các hội viên giảm lãi suất từ 1,5%-2% Ngân hàng tiếp tục “bơm” vốn ưu đãi kích cầu tín dụng cuối năm

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãi suất cho vay phát sinh mới bình quân tiếp tục giảm còn 8,6%/năm, giảm 1,3%/năm so với cuối năm ngoái. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước liên tục khuyến khích giảm lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng đã đưa ra các chương trình cho vay ưu đãi, nhằm kích thích nhu cầu tín dụng, hướng tới hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Khảo sát ở nhiều ngân hàng cho thấy, các gói vay ưu đãi đang có lãi suất thấp hơn biểu lãi suất từ 0,5-3%/năm tùy nhóm. Bên cạnh lãi suất, nhiều ngân hàng cũng nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách miễn giảm phí dịch vụ.

Mới đây nhất, MSB thông báo giảm thêm 2% lãi suất vay thế chấp dành cho khách hàng cá nhân kể từ ngày 7/8. Đây là lần điều chỉnh giảm lãi suất thứ tư của MSB kể từ đầu năm 2023.

Chương trình được áp dụng đến hết 31/12 đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay thế chấp mục đích mua nhà, xây sửa nhà, tiêu dùng mua sắm trang thiết bị gia đình, du học, chi trả học phí… Với chính sách lãi suất hấp dẫn, khách hàng sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi chỉ từ 8,99%/ năm, thời gian vay lên tới 35 năm và ân hạn gốc lên tới 24 tháng.

Trước đó, ngân hàng cũng đã triển khai hai chính sách giảm lãi suất cho vay dành cho các khách hàng hiện hữu, tổng mức lãi suất khách hàng được giảm theo hai chương trình là 1,5%/năm so với lãi suất hiện hành. Bên cạnh đó, trong tháng 7/2023, MSB cũng đã giảm lãi suất cơ sở cho vay đến 1% với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Lãi suất cho vay tại các ngân hàng tiếp tục giảm từ 0,5-3%/năm
Lãi suất cho vay tiếp tục giảm từ 0,5-3% (Ảnh minh hoạ)

Tương tự, LPBank vừa mở rộng gói tín dụng ưu đãi lên 10.000 tỷ đồng, với lãi suất từ 7,5%/năm dành cho vay doanh nghiệp và 8,5%/năm cho khách hàng cá nhân.

VietBank cũng triển khai gói cho vay ưu đãi 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất từ 8,9%/năm cho doanh nghiệp đến ngày 30/8.

Tại Vietcombank, trong 5 tháng từ ngày 1/8 đến hết ngày 31/12 ngân hàng này giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá, thấu chi…).

ACB đẩy mạnh gói vay ưu đãi quy mô tăng từ 20.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân, với mức lãi suất giảm tối đa 3% so với biểu lãi suất. Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết, Ngân hàng đã giải ngân được 2/3 ngân sách chương trình, với khoảng 60.000 khách hàng. Tổng hợp các chương trình, mức hỗ trợ của Ngân hàng trong 6 tháng đầu năm là 488 tỷ đồng, dự kiến cả năm là 1.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành trong năm nay, nhằm hạ mặt bằng chi phí cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế ảm đạm. Vì thế, mặt bằng lãi suất huy động giảm dần thời gian gần đây được kỳ vọng tác động tích cực lên lãi suất cho vay.

Ông Đào Minh Tú nhấn mạnh, nếu có điều kiện, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành. Nếu không, các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất cho vay dựa trên giảm chi phí. Tuy nhiên, giảm lãi suất chỉ là một phần của vấn đề, chưa đủ để kéo tăng trưởng tín dụng đi lên. Đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, nếu ngân hàng hạ điều kiện cho vay, thì tín dụng sẽ tăng ồ ạt, nhưng hệ luỵ là nợ xấu lập tức gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

HSBC, UOB, Standard Chartered cùng đưa ra dự báo, khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm thêm 0,5% lãi suất điều hành trong nửa cuối năm. Đây sẽ là điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, nhằm kích cầu tín dụng khi dư nợ toàn ngành mới tăng 4,7% so với mục tiêu đưa ra cả năm là 14%.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương