Lãi suất cho vay đã hạ nhiệt nhưng vẫn quá sức "chịu đựng" với doanh nghiệp

(Banker.vn) Tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội được tổ chức vào chiều 21/9, nhiều doanh nghiệp cho biết lãi suất cho vay vẫn quá cao, vượt quá sức chịu đựng của họ, nhất là trong bối cảnh sức mua giảm, thị trường gặp khó.

Lãi suất huy động giảm mạnh

Lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng tại 4 “ông lớn” ngân hàng trong nhóm Big4 gồm: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa tiếp tục giảm 0,3 điểm % xuống còn 5,5%/năm, tương đương mức thấp nhất ghi nhận hồi đại dịch COVID-19.

Cùng với đó, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng tại 4 ngân hàng trên giảm còn 3,5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng còn 4,5%/năm.

Ngoài ra nhiều ngân hàng khác cũng cũng thông báo hạ lãi suất huy động. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) giảm lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 6,5%/năm xuống còn 6,1%/năm; kỳ hạn 6 tháng giảm từ 6,9%/năm xuống còn 6,5%/năm.

Tương tự, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng áp dụng lãi suất huy động mới đối với kỳ hạn 6 tháng là 4,7%/năm; kỳ hạn 9 tháng là 4,6%/năm. Các mức này đều giảm 0,4 điểm % so với trước.

Cùng với đó, tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng giảm từ 0,25-0,3%/năm; Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) giảm 0,6-0,7%/năm lãi suất các kỳ hạn 6 và 12 tháng; Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) giảm từ 0,4-0,5%/năm với kỳ hạn 6 và 12 tháng...

Lãi suất cho vay đã hạ nhiệt nhưng vẫn quá sức
Lãi suất cho vay đã hạ nhiệt nhưng vẫn quá sức “chịu đựng” của doanh nghiệp

Lãi suất cho vay đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo cao, tín dụng tăng trưởng “ì ạch”

Song song với việc hạ lãi suất huy động, nhiều ngân hàng cũng đã công bố hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu, đồng thời tung ra các gói vay ưu đãi mới nhằm kích cầu tín dụng những tháng cuối năm.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) công bố giảm lãi suất từ 1,5-2,5%/năm cho khách hàng đang vay vốn với mục đích sản xuất kinh doanh, mua nhà, mua ô tô, vay tiêu dùng… Theo đó, nhà băng này dùng 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng từ nay đến cuối năm,

Tương tự đối với Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng này thông báo giảm lãi suất cho vay lên đến 2,6%/năm đối với khách hàng cá nhân hiện hữu.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) cũng triển khai nhiều combo sản phẩm dịch vụ với lãi suất cho vay từ 6,3%/năm nhằm đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn của khách hàng cá nhân để phục vụ đời sống, kinh doanh... Riêng các khách hàng đang có các khoản vay hiện hữu tại Vietbank, nếu đăng ký vay thêm sẽ được giảm thêm biên độ lãi suất vay ưu đãi lên đến 0,5%/năm nếu thỏa các điều kiện của chương trình.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) triển khai nhiều gói vay có tổng giá trị lên đến 5.000 tỷ đồng, lãi suất từ 6,5% mỗi năm. Trong đó, với các khoản vay mua nhà, khách hàng có cơ hội hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm và vay mua ô tô với lãi suất từ 9,5%/năm.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) giảm lãi suất cho vay từ 0,5-2,5%/năm đối với dư nợ hiện hữu của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau. Tổng số tiền giảm lãi suất dự kiến lên tới 350 tỷ đồng, tương ứng số dư nợ được giảm là 64.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mặc dù lãi suất cho vay đã hạ nhiệt nhưng lãi suất dành cho các khoản vay hiện hữu vẫn ở ngưỡng cao, khoảng trên 10%/năm.

Theo ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, tín dụng là đòn bẩy rất quan trọng trong tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp rất mong được tiếp tục giảm lãi suất, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng, phí định giá, đấu giá... "Lãi suất mà doanh nghiệp có thể hấp thụ hiệu quả ở mức khoảng 6-7%/năm", ông Hùng nhấn mạnh.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 15/9, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng 5,56% so với cuối năm 2022, chỉ bằng hơn 1/3 so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm.

Giới chuyên gia nhận định, ngoài việc nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện hoặc không dám vay, thì lãi suất cho vay vẫn được neo ở mức cao cũng là nguyên nhân khiến cho tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế không như kỳ vọng.

Tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội được tổ chức vào chiều 21/9, nhiều doanh nghiệp cho biết lãi suất cho vay vẫn quá cao, vượt quá sức chịu đựng của họ, nhất là trong bối cảnh sức mua giảm, thị trường gặp khó.

Nhiều người vay thấy sốt ruột khi lãi suất huy động tuột dốc nhanh nhưng lãi vay chỉ giảm rất nhẹ, thậm chí còn tăng nếu hết thời hạn ưu đãi lãi suất, nhất là với các khoản vay mua nhà. Nhiều người vay mua nhà đang mắc kẹt với lãi suất cao, dao động từ 12,5-14%/năm.

Dù đã có cơ chế cho phép vay vốn ở ngân hàng này để trả ngân hàng khác nhưng nhiều người vẫn e ngại vì phí phạt trả nợ quá hạn rất cao, chưa kể còn tốn hàng loạt phí để vay ở ngân hàng mới như phí công chứng, thẩm định tài sản, phí giải ngân, phí sắp xếp vốn...

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết bản thân các ngân hàng cũng phải tự điều chỉnh lãi suất nhằm đảm bảo cân bằng giữa hai mục tiêu là hiệu quả kinh doanh và hấp dẫn khách hàng. Trong bối cảnh 'đang phải chữa bệnh thừa tiền', các ngân hàng chịu áp lực phải điều chỉnh lãi suất cho vay về mức hợp lý.

Tuy nhiên, với lãi suất huy động cao nhất chỉ còn dưới 6%/năm, ngân hàng này sẽ tính toán cân đối để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Hơn nữa, lãi suất cho vay chưa thể giảm nhanh do vẫn còn những khoản huy động với lãi suất 10%/năm từ cuối năm ngoái chưa tất toán xong.

Theo dự báo của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6-6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023. Trong khi đó, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm và việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu. VNDirect cho rằng lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư cá nhân trong giai đoạn cuối năm.

Ngân hàng cuối cùng trong nhóm Big4 hạ lãi suất huy động từ hôm nay (19/9)

Sau Vietcombank, BIDV và Agribank đến lượt Vietinbank thông báo giảm lãi suất huy động, ngân hàng điều chỉnh giảm 0,2 – 0,3 điểm % ...

Chứng khoán Agribank (Agriseco) tung chương trình ưu đãi mới

Agriseco là một trong 08 công ty chứng khoán đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam, sau 23 năm hình thành và phát ...

Phía sau quyết định giữ lãi suất âm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản?

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức âm, trái ngược với quyết định của các ngân ...

Hải Chi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán