Lãi suất cho vay đã giảm, gỡ nút thắt tiếp cận vốn như thế nào?

(Banker.vn) Trong bối cảnh dịch Covid-19, với vai trò, chức năng của mình, ngành ngân hàng nói chung và các tổ chức tín dụng (TCTD) đã có những chính sách kịp thời, phù hợp nhằm hỗ trợ, chia sẻ, đồng hành cùng khách hàng.

Về tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 tạo cơ sở pháp lý và hướng dẫn các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ tại thời điểm trước dịch, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục vay mới để thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Về lãi suất, NHNN đã 3 lần liên tục điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô lớn với tổng mức giảm khoảng 1,5-2,0%/năm lãi suất điều hành để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD.

Để hỗ trợ các TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với DN, NHNN đã giảm 0,85%-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn Việt Nam đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021, 16/16 ngân hàng quy mô lớn đã tiếp tục giảm ngay lãi suất cho vay bình quân khoảng 1%/năm đối với dư nợ tín dụng của khách hàng hiện hữu chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngân hàng ACB thông báo giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa là 0,8%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 1% đối với cho vay trung, dài hạn. Ngân hàng này còn triển khai thêm gói ưu đãi 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất tối thiểu là 6% cho khách hàng DN và 7% cho khách hàng cá nhân.

Sacombank giảm lãi suất 1% cho khách hàng DN và cá nhân đang có khoản vay tại ngân hàng thuộc các ngành chịu tác động trực tiếp như: Du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế.

HDbank và BIDV cũng đã thông báo giảm lãi suất cho 18.000 khách hàng với mức giảm bình quân từ 1% cho 3 nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Mới đây nhất, từ 1/8-31/12/2021, Vietcombank giảm hàng loạt các loại phí dịch vụ trên toàn bộ các kênh cho các tất cả các đối tượng khách hàng.

Từ 15/7-31/12/2021, Vietcombank cũng đã giảm lãi suất cho vay đối với tất cả khách hàng đợt thứ 8, tổng mức lãi suất cắt giảm lên tới gần 1.800 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi ngân hàng này hỗ trợ khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2021 dự kiến lên tới 4.000 tỷ đồng và cả năm 2021 là 6.100 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn nhiều TCTD cũng đã có những chính sách ưu đãi cho vay, giảm các loại phí… nhằm chia sẻ bớt một phần gánh nặng khó khăn về tài chính cho khách hàng và DN.

Còn khó khăn khi tiếp cận vốn vay ưu đãi

Tiến sĩ Lê Thị Kim Xuân, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Theo ý kiến các ngân hàng, lãi suất giảm cũng phải hỗ trợ cho đúng đối tượng khách hàng đang có khó khăn thực sự, đảm bảo ưu tiên cho các đối tượng sản xuất kinh doanh, các mặt hàng thiết yếu hoặc các DN đang có đơn hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19”.

Rõ ràng, dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, khiến tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tăng lên, buộc các ngân hàng phải thận trọng trong việc cho vay vốn.

Bên cạnh đó, dù các ngân hàng triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhưng nhu cầu khách hàng sụt giảm, nhiều DN chưa có phương án chuyển đổi sản xuất, kinh doanh hiệu quả nên việc vay vốn cũng không phải là ưu tiên hàng đầu.

Mặt khác, nhiều DN mới hoạt động, tài sản bảo đảm chưa có, phương án kinh doanh chưa hiệu quả nên không thể chứng minh năng lực với ngân hàng, do đó việc giải ngân rất khó được thực hiện.

Trao đổi với TG&VN, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH NTV chia sẻ: Dịch bệnh khiến doanh số bán hàng giảm mạnh, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng khiến đơn vị thực sự khó khăn. Nguồn vốn để duy trì cũng khó bởi DN không dễ đáp ứng những điều kiện cho vay của ngân hàng.

Để giải quyết những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của DN, trao đổi với báo chí, chuyên gia tài chính, ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần xây dựng một tổ hợp tín dụng, với sự tham gia của khoảng 10 ngân hàng, dưới sự chủ trì của NHNN. Quy chế cho tổ hợp tín dụng này vay vốn có thể có hạn mức tín dụng lên đến 300.000 tỷ đồng để hỗ trợ các DN vay vốn.

Thời gian vay vốn trong 5 năm, bao gồm 2 năm đầu dưới hình thức tuần hoàn, có hạn mức vay vốn và sau 3 năm thì trả dần vốn vay ban đầu. Mục đích ngắn hạn là giúp DN có ngay vốn lưu động để phục vụ việc trả lương, thanh toán nguyên vật liệu...; về dài hạn có thể giúp DN đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, số hóa... nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để có nguồn vốn lãi suất thấp (khoảng 3-5%/năm) thì các ngân hàng trong tổ hợp tín dụng có thể sử dụng nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của mình (mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn hiện nay chỉ khoảng 0,1%/tháng).

Còn ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, để tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn, trước hết DN phải tự nâng cao năng lực, minh bạch báo cáo tài chính.

Về phía ngân hàng, theo ông Nam, cần thiết kế lại các điều kiện cho DN vay, thay đổi tư duy quá thận trọng, tạo đột phá ở khâu tài sản đảm bảo, tín chấp.

Lưu Lâm

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán