Điện Biên: Khai mạc Lễ hội Hoa ban 2024 vào ngày 16/3 Đẹp ngỡ ngàng sắc hoa ban Tây Bắc giữa lòng Hà Nội Hà Nội: Dịch vụ ăn theo "hốt bạc" trên phố hoa ban |
Như một lời ước hẹn của thiên nhiên, mỗi độ tháng 3 về, dọc cung đường Tây Bắc, đoạn từ Sơn La lên đến Điện Biên du khách được thỏa sức đắm chìm vào vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thiên nhiên, đất trời với điểm nhấn là màu trắng của hoa ban. Những năm gần đây, cây hoa ban được nhân rộng và được trồng nhiều hơn trên Quốc lộ 6 dài hơn 400km, nối liền Thủ đô Hà Nội với các tỉnh vùng Tây Bắc: Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên.
Hoa ban là loài hoa gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc. Nhất là với đồng bào dân tộc Thái, hoa ban tượng trưng cho mùa Xuân, sự thuần khiết của tình yêu, lòng hiếu thảo và biết ơn. Hoa ban có năm cánh xòe thành hình quạt, với ba sắc màu cơ bản: trắng, trắng tím và tím trắng.
Dọc cung đường Tây Bắc, đoạn từ Sơn La lên đến Điện Biên du khách được thỏa sức đắm chìm vào vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thiên nhiên, đất trời với điểm nhấn là màu trắng của hoa ban |
Huyền thoại của dân tộc Thái kể rằng, người con gái Thái chính là hiện thân của hoa ban. Chuyện kể rằng, ngày xưa vùng Tây Bắc có một cô gái tên Ban, xinh đẹp, nết na và có giọng hát mê đắm lòng người. Nhiều trai Mường ngấp nghé nhưng trái tim nàng đã trao gửi cho chàng Khum, giỏi săn bắn và làm nương. Nhưng cha Ban chê Khum nghèo nên đã gả cô cho con trai Tạo Mường vừa gù vừa lười biếng. Thấy cha cùng nhà Tạo Mường bàn chuyện cưới hỏi, nàng Ban chạy tìm người yêu cầu cứu. Đúng lúc chàng Khum đi xa. Tuyệt vọng, nàng Ban bèn buộc chiếc khăn piêu của mình vào cầu thang nhà Khum rồi vượt núi, vượt đèo tìm chàng. Cuối cùng, kiệt sức, nàng gục xuống chết bên suối. Nơi nàng nằm xuống, sau đó mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái. Và chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc, và hàng năm cứ mỗi độ xuân về, hoa nở trắng như bông. Người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban.
Chàng Khum, khi về đến nhà, thấy chiếc khăn piêu của người yêu vắt nơi cầu thang, biết là có chuyện chẳng lành, bèn vội vã đi tìm. Đi mãi hết Mường này đến Bản khác, cuối cùng, chàng kiệt sức, ngã xuống. Sau khi chết, chàng hóa thành con chim sống lẻ loi trong rừng, và cứ đến mùa hoa ban nở, lại hót vang như tiếng gọi người yêu tha thiết tự năm nào.
Từ đó, mỗi khi xuân về, hoa ban nở trắng núi rừng, trai gái vùng Tây Bắc lại rủ nhau đi hội, ca hát, múa xoè và bày tỏ tình yêu đôi lứa. Và từ sự tích về tình yêu trắng trong, chung thủy đó nàng Ban đã đi vào thơ ca của dân tộc Thái như một biểu tượng của tình yêu lứa đôi muôn đời.
Trong bài hát Hoa ban trắng của cố nhạc sĩ Trần Lập, thông qua âm nhạc, tác giả cũng đã kể lại nguồn gốc của loài hoa ban: "Từ đó nở nhành hoa trắng lung linh/ Mùa xuân, chim trời da diết gọi về/ Rừng hát/ Dạt dào hương ngát hoa ban...".
Với những ý nghĩa tinh thần đó, ngày nay, hoa ban đã trở thành “thương hiệu” của Điện Biên. Nhiều năm gần đây, mảnh đất cực Tây của Tổ quốc tiến hành trồng mới, nhân rộng và bảo tồn các “tuyến đường, khu đồi, cứ điểm di tích” rợp bóng hoa ban. Hằng năm, khi tháng 3 về, hoa ban bung nở trắng trời, đưa hương theo gió, lan tỏa... thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan các di tích lịch sử của tỉnh Điện Biên và không quên lưu lại những khoảnh khắc đẹp của một mùa ban nở...
Như một lời ước hẹn của thiên nhiên, mỗi độ tháng 3 về, hoa ban lại nở trắng trời Tây Bắc, thu hút đông đảo khách du lịch |
Hoa ban có năm cánh xòe thành hình quạt, với các màu sắc cơ bản như: ban trắng, ban trắng tím và ban tím trắng. Cây ban là loại cây thân gỗ, phân bố ở Bắc Lào, Bắc Thái Lan và Tây Bắc Việt Nam |
Hoa ban là loại hoa rừng đẹp, đặc trưng của núi rừng Tây Bắc nói chung và đối với Điện Biên nói riêng |
Hoa ban tại Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung cánh dày, khỏe khắn mang sức mạnh kiên cường của vùng đất lịch sử "lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu" |
Ngày nay, hoa ban trở thành “thương hiệu” của tỉnh Điện Biên, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Trong ảnh là dãy hoa ban được trồng, quy hoạch tại quảng trường thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên |
Hằng năm, khi tháng 3 về, hoa ban bung nở trắng trời, đưa hương theo gió, lan tỏa... |
Du khách thích thú chụp ảnh checkin giữa "rừng" hoa ban tại thị xã Mường Lay, Điện Biên |
Nối tiếp thành công của các kỳ Lễ hội trước, từ ngày 13 - 16/3/2024 Lễ hội Hoa Ban sẽ chính thức được diễn ra tại Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Lễ hội Hoa Ban năm 2024 được tổ chức gắn với khai mạc Năm Du lịch Điện Biên với chủ đề “Về miền Hoa Ban” sẽ là sự kiện lớn nhằm quảng bá điểm đến du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng, thu hút khách du lịch quốc tế và thúc đẩy du lịch nội địa, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); 115 năm ngày thành lập tỉnh Điện Biên (28/6/1909 - 28/6/2024) và 75 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Điện Biên (10/10/1949 - 10/10/2024). Trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Ban sẽ diễn ra các hoạt động, gồm: Lễ dâng hương Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ; Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 có chủ đề “Về miền Hoa Ban” với chương trình nghệ thuật đặc sắc và màn bắn pháo hoa nổ rực rỡ. Lễ hội Hoa Ban được tổ chức vào thời điểm trung tuần tháng 3 hằng năm nhằm giới thiệu, bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa dân tộc của tỉnh Điện Biên; gắn bảo tồn văn hóa với phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển; đồng thời, tiếp tục “xây dựng phát triển văn hóa con người Điện Biên đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Lễ hội còn là dịp để tôn vinh hoa ban với vị thế là biểu trưng cho mảnh đất và con người Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung, góp phần xây dựng và quảng bá thành công thương hiệu du lịch tỉnh Điện Biên. |
Hoàng Hòa
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|