Là trái chủ lớn nhất, nợ xấu trái phiếu của các ngân hàng ra sao?

(Banker.vn) Các ngân hàng đang ôm hơn 200.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng 2,3% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng.
Hơn 1.600 mã trái phiếu doanh nghiệp lên sàn trong tháng 7 Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 1,02 triệu tỷ đồng, tương đương 10,8% GDP

Các ngân hàng đang ôm hơn 200.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng 2,3% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng, trong đó trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm khoảng một nửa.

So với cuối năm ngoái, tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp trong cơ cấu tín dụng của các ngân hàng giảm từ 2,5% xuống 2,3%. Mặc dù Thông tư 03/2023/TT-NHNN cho phép các ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp đến hết 31/12/2023 để thực hiện các cam kết (nếu có) đối với các trái phiếu đã bán ra trước đó song hầu hết các ngân hàng đã giảm tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh rủi ro tín dụng của nhà phát hành vẫn đang ở mức cao.

Là trái chủ lớn nhất, nợ xấu trái phiếu của các ngân hàng ra sao?
Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có trả năng trả nợ song chưa bị rơi vào nợ xấu nhờ Nghị định 8/2023/NĐ-CP của Chính phủ cho phép gia hạn nợ trái phiếu

Thống kê của TPS cho thấy, đến cuối quý II/2023, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng giảm 12% còn 200.715 tỷ đồng và sẽ còn tiếp tục giảm khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phục hồi mạnh và khó khăn chung của ngành bất động sản vẫn còn tiếp diễn. Tính đến hết quý II/2023, một số ngân hàng có dư nợ trái phiếu doanh nghiệp cao: MBB, TCB, VPB, STB... trong khi một số ngân hàng khác không hoặc chỉ nắm giữ ít như ACB, LPB, VIB, EIB, ABB,…

Thống kê của ACBS cho thấy, tỷ lệ nợ xấu danh mục trái phiếu doanh nghiệp trên bảng cân đối của các ngân hàng tinh đến cuối quý II/2023 vẫn ở mức xấp xỉ 0%. Mặc dù vậy, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã chậm trả lãi và gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thống kê của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong đó bao gồm nhiều tập đoàn lớn như Novaland, Đất Xanh, Hưng Thịnh, Trung Nam...

Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ cho phép gia hạn nợ trái phiếu (tối đa 02 năm) giúp các doanh nghiệp trên tránh bị chuyển thành nợ xấu.

Theo thống kê của Fingroup, tỷ lệ nợ mất khả năng thanh toán (bao gồm cả nợ được gia hạn) đối với trái phiếu doanh nghiệp đến cuối quý II/2023 là 26,9% và dự bảo sẽ tăng lên 40% vào cuối năm 2023.

Các ngân hàng hiện đang là trái chủ lớn nhất, nằm giữ khoảng 34% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành (không bao gồm trái phiếu ngân hàng). Tinh đến cuối quý II/2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng 2,3% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng. giảm so với mức 2,5% vào cuối năm 2022. Trong số đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm khoảng một nửa, tương đương 1,2% dư nợ tín dụng của các ngân hàng

Kênh huy động từ trái phiếu doanh nghiệp – chiếm khoảng 30% vốn vay của các doanh nghiệp bất động sản – hiện vẫn đang bị đóng băng và chưa có hướng giải quyết đột phá. Các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn mới trong khi áp lực thanh toán sẽ lớn dần khi các trái phiếu đến kỳ đảo hạn vào cuối năm 2023.

Ước tính nửa cuối năm 2023 sẽ có khoảng gần 133.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó trái phiếu ngành bất động sản đáo hạn khoảng 65.000 tỷ đồng. Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính thức lên sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) vào ngày 19/07/2023 kỳ vọng tăng tính thanh khoản cho trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát triển bền vững và minh bạch hơn.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn khi thị trường BĐS chưa hồi phục, niềm tin nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp còn thấp. Nghị quyết 08/2023/NĐ-CP giúp giảm phần nào áp lực đáo hạn đến hết năm 2023, tuy nhiên khi nghị quyết này hết hiệu lực vào cuối năm, cùng với đỉnh đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vào năm 2024 thì dư nợ trái phiếu doanh nghiệp nhóm bất động sản tiếp tục gặp nhiều áp lực.

Theo dữ liệu của Fiinratings, áp lực trả nợ của các doanh nghiệp bất động sản giai đoạn này (quý III/2023-2024) khá cao, việc đảm bảo nguồn vốn cho các doanh nghiệp bất động sẽ khó khăn trong điều kiện hiện tại. Trường hợp các doanh nghiệp không thể tất toán khi trái phiếu đáo hạn mà các ngân hàng nắm giữ, các ngân hàng sẽ gia tăng chi phí trích lập dự phòng nợ xấu và ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. Ngân hàng nào có dư nợ trái phiếu doanh nghiệp thấp sẽ giảm được gánh nặng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới.

baodautu.vn

Theo: Báo Công Thương