Triển lãm "Hậu phương thời chiến giữa thế kỷ XX" Huyện Cam Lộ (Quảng Trị): Anh hùng thời chiến, vẻ vang thời bình |
Cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” do Đại tá - nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn giới thiệu 200 lá thư được lựa chọn từ hàng triệu lá thư của chiến sĩ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ tiếp tục được chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động nhân kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại buổi giao lưu "Những trang viết từ chiến trường".
Những lá thư thời chiến |
Cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành vào tháng 4/2023 và lễ giới thiệu sách được tổ chức tại Đường sách TP. Hồ Chí Minh vào ngày 15/4.
Cuốn sách như những cứ liệu lịch sử quý báu về một thời kỳ đầu hào hùng trong lịch sử dân tộc. Đại tá, nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng cho hay, những bức thư là những kỷ vật lịch sử của một thời, cho chúng ta biết những cảm xúc, suy tư của thế hệ ông cha trước những khoảnh khắc định mệnh của lịch sử, của đất nước và của cuộc đời mỗi con người. Qua mỗi trang viết, để chúng ta biết cha ông ta đã sống như thế nào, đã yêu, đã hy sinh và cống hiến ra sao...
Được biết, gần như tác giả của các lá thư thời chiến đến nay đã không còn, song, từng cánh thư tay với những dòng chữ viết vội trên trang giấy ố vàng bởi dấu vết thời gian đã trở thành chứng nhân lịch sử vô cùng sinh động về lý tưởng sống cao đẹp, hy sinh và cống hiến cho độc lập, tự do của dân tộc của cả một thế hệ.
Vì vậy, Đại tá - nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng hy vọng “Những lá thư thời chiến Việt Nam” sẽ mang đến cho bạn đọc những điều thật ý nghĩa, bồi đắp, dung dưỡng lý tưởng sống cao đẹp, nhân văn, luôn biết ơn và tri ân đối với cha anh đã đánh đổi xương máu, đã ngã xuống vì non sông, vì nền độc lập dân tộc.
Nhà báo Đặng Vương Hưng từng chia sẻ khi ra mắt cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” tại TP.Hồ Chí Minh rằng, trong thời kháng chiến chống Mỹ và sau này là Chiến tranh biên giới, phương tiện liên lạc giữa gia đình và mặt trận, giữa hậu phương và tiền tuyến chủ yếu là thư tay. Mỗi một trang thư như thế từ chiến trường về hậu phương hay từ hậu phương ra chiến trường, chắc chắn các bạn trẻ không thể hình dung ra, ít nhất phải mất 6 tháng, vài năm, và cá biệt trong tập thư này có những lá thư mất đến gần 30 năm mới đến được với người nhận.
Lật giở từng trang “Những lá thư thời chiến Việt Nam” người đọc đều trào dâng những xúc động trước từng cánh thư tay với những dòng chữ viết vội trên trang giấy ố vàng. Đó là thư viết từ chiến trường cho người vợ thân yêu Thượng tướng Vũ Lăng (1921 - 1988) nguyên là Tư lệnh Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên), nguyên Giám đốc Học viện Lục quân Đà Lạt.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Vũ Lăng là vị tướng trận góp mặt trong nhiều chiến dịch lớn với Tây Bắc, Lê Hồng Phong, Hà Nam Ninh, Sông Thao, Biên Giới... Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 đã lập chiến công vang dội trong tiến công đồi C1.
Lá thư ngày 17/6/1953, Thượng tướng Vũ Lăng viết: “Em, Anh đã nhận được của em hai lá thư. Thư ngày 15/4 em viết sau ngày đơn vị anh chiến thắng trận đầu tiên của chiến dịch một ngày (trận Nà Noong ngày 14/4) và đến tay anh sau trận chiến thắng Mường Khoa 12 tiếng (trận Mường Khoa đêm 17, rạng 18/5, còn lá thư sau không đề ngày (có lẽ em viết đầu tháng 5), anh nhận được khi về tới nơi trú quân (8/6). Cả hai thư đến vừa đúng lúc. Anh vui nhiều khi đọc được những dòng chữ thân yêu ở những nơi xa xôi này. Trong cái vui phấn khởi chung của đơn vị chiến thắng, có cái vui về tình cảm của mình, anh thấy mình cũng được hưởng hạnh phúc hơn các bạn xung quanh nhiều…”.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, theo Đại tá Đặng Vương Hưng, đến ngày chiến thắng, nhiều người lính vẫn không quên làm nhiệm vụ, âm thầm và lặng lẽ. Ông kể, cuối năm 2008, Đại tá Đỗ Sâm, nguyên là sĩ quan pháo binh từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã chuyển tới ông tập bản thảo “Người điệp báo Thành Sơn”. Đó là tác phẩm viết về cuộc đời và những chiến công thầm lặng của điệp báo viên Đào Thiện Thùy, đồng thời cũng là bố vợ của Đại tá Đỗ Sâm.
Ở “Người điệp báo Thành Sơn”, có một số tư liệu quý, đó là những bức thư liên lạc nghiệp vụ tuyệt mật một thời, được điệp báo viên Đào Thiện Thùy (mang bí danh Chị Nguyên) sử dụng để gửi báo cáo và tiếp nhận mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên, mà trực tiếp là Tổ điệp báo Công an tỉnh Sơn Tây.
Thư viết: “Lê Nhượng. Sơn Tây, ngày 6/5/1954. Chị Nguyên! Tình hình hiện nay có nhiều chuyển biến có lợi cho ta. Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, địch thiệt hại nặng ở khắp các chiến trường khác. Yêu cầu: Báo cáo cụ thể về tình hình hoang mang dao động của địch, triệu chứng địch rút diễn biến thế nào? Âm mưu của địch hiện nay ở Sơn Tây sau khi chúng rút? Nếu địch rút thì chị cứ yên tâm theo nhiệm vụ cũ. Liên lạc ngay từ bây giờ để sau này không bị gián đoạn…”.
Cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” |
Chia sẻ thêm về cuốn sách cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam”, Đại tá Đặng Vương Hưng cho biết, tháng 12/2004, vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, thay mặt một nhóm nhà văn và cựu chiến binh, ông đã chính thức phát động Cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam” trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ý tưởng trên đã được các đồng nghiệp và bạn đọc gần xa hưởng ứng nồng nhiệt. Các tác phẩm: Mãi mãi tuổi 20, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Sống để yêu thương và dâng hiến, Tài hoa ra trận, Nhật ký Vũ Xuân, Trở về trong giấc mơ, Tây tiến viễn chinh... chính là kết quả của cuộc vận động này. Và đó cũng là những tác phẩm tiêu biểu, cùng hàng trăm cuốn sách khác của Tủ sách Mãi mãi tuổi 20.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản lý CLB Mãi mãi tuổi 20 Trần Hồng Dung cho rằng, cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” cùng những câu chuyện chân thực nhắc nhớ chúng ta nhiều việc cần làm. Trước mắt là việc tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua hành trình tri ân các anh hùng liệt sĩ, sau đó là những việc làm thiết thực nhằm bù đắp phần nào những hy sinh, mất mát của các anh hùng; giúp đỡ gia đình và thân nhân họ.
Bảo Thoa
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|