Kỳ vọng từ phiên điều trần của Mỹ xét công nhận kinh tế thị trường cho Việt Nam

(Banker.vn) Theo Bộ Ngoại giao, phiên điều trần do Bộ Thương mại Mỹ tổ chức là bước quan trọng trong quá trình xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam Bộ Tài chính ý kiến về việc đề nghị Hoa Kỳ công nhận kinh tế thị trường cho Việt Nam

Tại cuộc Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều ngày 9/5, báo giới đã đặt câu hỏi, đề nghị Bộ Ngoại giao cung cấp thêm thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ tổ chức điều trần về nâng cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam; cũng như đánh giá của Việt Nam về kết quả phiên điều trần và kỳ vọng gì đối với Mỹ trong việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, Việt Nam hoan nghênh Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần ngày 8/5 vừa qua. Đây là một bước quan trọng trong quá trình xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

“Tại phiên điều trần, phía Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường. Nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn làm tốt hơn so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường”, Bà Phạm Thu Hằng thông tin.

Kỳ vọng từ phiên điều trần của Mỹ xét công nhận kinh tế thị trường cho Việt Nam
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng thông tin về việc Mỹ tổ chức điều trần về việc nâng cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, cho tới nay, có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như: Anh, Canada, Australia, Nhật Bản… Việt Nam cũng đã tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác trải rộng khắp các châu lục.

Việc Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao 2 nước, tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Mỹ, qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước.

Hiện tại, Mỹ xem Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nga, Belarus, Azerbaijan và 9 quốc gia khác là các nền kinh tế phi thị trường, phải chịu mức thuế suất cao hơn trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá.

Bộ Thương mại Mỹ có một bộ tiêu chí khá hẹp để xác định tình trạng kinh tế thị trường. Bộ tiêu chí bao gồm mức độ chuyển đổi của đồng tiền quốc gia; mức lương là kết quả của sự thương lượng tự do giữa người lao động và ban quản lý; việc cấp phép liên doanh hoặc đầu tư nước ngoài khác.

Linh Chi

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục