Đi theo con đường cách mạng
Vào đêm giao thừa Tết Tân Sửu năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm và chúc Tết gia đình Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam - bác sĩ Hồ Đắc Di (1900-1984) và gia đình Thứ trưởng Bộ Y tế - bác sĩ Tôn Thất Tùng (1912-1982).
Bác sĩ Hồ Đắc Di kể lại chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm động viên và là người chỉ hướng đi đúng đắn cho ông: “Khi còn trẻ, chọn nghề thầy thuốc, tôi những ước mong tìm thấy ở đó nơi gửi gắm nhiệt tình, nơi mang trí tuệ phục vụ con người. Nhưng cái thực tế phũ phàng của một nước nô lệ, những nỗi đắng cay của người trí thức ở nước thuộc địa đã dần dần mở mắt cho tôi thấy: Không thể có tự do thực sự khi nước nhà chưa độc lập... Cái tên thần thoại “Nguyễn Ái Quốc” và hoạt động của Người trên đất Pháp vào những năm sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã làm cho trong tiềm thức của tôi loé lên tia sáng đầu tiên về ý niệm đó”.
Về giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945-1954), được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn phương châm “Tự lực cánh sinh”, bác sĩ Hồ Đắc Di nhớ lại: “Lời nói giản dị của Hồ Chủ tịch lúc đó thâu tóm vào bốn chữ đã vạch ra cho tôi hướng đi. Thực sự chân lý bao giờ cũng giản dị. Nghe thấy chân lý đó, chúng tôi đã hành động. Không có sách, chúng tôi đã viết ra sách để giảng dạy cho sinh viên. Không có trường sở dạy, chúng tôi đã lập bệnh viện vừa chữa bệnh cho dân địa phương, vừa hướng dẫn sinh viên học tập. Trường sở, nhà ở đều nhờ vào sức dân, thầy trò chung lưng đấu cật, dựng lên những ngôi nhà giữa rừng, vừa làm, vừa dạy. Những khoá bác sĩ đầu tiên đã tốt nghiệp toả ra khắp nẻo đất nước; khắp các chiến trường phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. Chính Hồ Chủ tịch là người cha đỡ đầu tinh thần cho Trường Y kháng chiến”.
Bác sĩ Hồ Đắc Di đúc kết lại: “Hoà bình lập lại, ngành Y gánh thêm biết bao nhiêu nhiệm vụ mới hết sức nặng nề. Một lần nữa Bác lại đến với chúng tôi, vạch ra phương hướng công tác. Bác dạy Lương y phải như từ mẫu... Y học cũng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc, đại chúng! Như vậy là trong cuộc đời của tôi đã có nhiều dịp được gặp Hồ Chủ tịch. Mỗi lần gặp diễn ra trong một hoàn cảnh khác nhau, một thời kỳ khác nhau, nhưng đều bao hàm một ý nghĩa riêng, quyết định phương hướng hành động của tôi”.
Bác sĩ Tôn Thất Tùng (người mặc complet trắng bên trái) dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Bệnh viện Việt - Đức sau ngày Hà Nội giải phóng (10/10/1954). Ảnh tư liệu lịch sử. |
Đối với bác sĩ Tôn Thất Tùng, kỷ niệm khi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên thật sâu đậm: “Ngay giờ phút ấy, tôi đã biết cuộc đời của tôi từ đây sẽ hoàn toàn thay đổi. Ngay giờ phút ấy, tâm hồn và trí tuệ của tôi đã đi theo Bác”.
Bác sĩ Tôn Thất Tùng hồi tưởng: “Rồi tới những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Sau khi thoát khỏi vòng vây của địch ở Đốc - Tín, tôi nhận được một cái thiếp của Bác, có đóng một dấu triện đỏ nhỏ, với những hàng chữ đánh máy màu tím như sau: “Bác sĩ Tùng, chú làm việc rất hăng hái. Tôi rất vui lòng. Chú cứ gắng sức. Kháng chiến nhất định thành công. Tổ quốc sẽ nhớ công con hiền cháu thảo”…”.
Do đó, bác sĩ Tôn Thất Tùng khẳng định: “Năm 1962, tôi được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động… Nghĩ lại, nếu quả tôi đóng góp chút gì về khoa học, chính là nhờ tôi biết học và hành bài học đoàn kết của Bác Hồ. Tôi hiểu rằng sự nghiệp khoa học bao giờ cũng là sự nghiệp tập thể. Người làm công tác khoa học, phải học cách phối hợp, phối hợp rất tài tình các binh chủng khác nhau, như Bác Hồ đã tập hợp trí, dũng của dân ta, đưa dân ta từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Vì dân phục vụ, vì nước quên thân!
Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện (1898-1946) từng theo học Trường Y Đông Dương. Sau 4 năm học, ông được cấp học bổng học tiến sĩ tại Pháp. Sau khi về nước, ông đã không ngần ngại công tác những vùng quê xa xôi, hẻo lánh như Lào Cai, Yên Bái... Khâm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, ông đã ra ứng cử và đã trúng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội.
Tại trận chiến bảo vệ Thủ đô ngày 19/12/1946, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện không di tản mà cùng 2 người con trai là tự vệ thành cầm súng chiến đấu tới hơi thở cuối cùng và đã ngã xuống vì Thủ đô. Tôn vinh những vị đại biểu Quốc hội đã hy sinh vì nước, trong đó có bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Đối với các vị ấy, nhân dân, Quốc hội, Chính phủ đều mến yêu mãi mãi. Các vị đại biểu kể trên đã từ trần vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì nhiệm vụ kháng chiến, xứng đáng là đại biểu của nhân dân Việt Nam anh dũng”. Năm 1953, ông cùng hai con trai đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ. Ngoài ra, ông còn được truy tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất.
Bác sĩ Đặng Văn Ngữ (1910-1967) tốt nghiệp bác sĩ Y khoa nǎm 1937 tại Đại học Y Hà Nội. Ít năm sau, ông sang Nhật nghiên cứu sâu hơn về chuyên ngành. Tháng 12/1946, biết tin kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông tìm cách về nước và tới Việt Bắc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã viết về cuộc gặp đó như sau: “Tôi có cảm tưởng thân mật như một người con đi xa về gặp cha vậy”. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm ông sản xuất Penicilline. Người còn cho mời ông Hoàng Quốc Việt (Chủ tịch Tổng Công đoàn), ông Nguyễn Văn Huyên (Bộ trưởng Bộ Giáo dục), ông Vũ Văn Cẩn (Cục trưởng Cục Quân y) và ông Lê Văn Hiến (Bộ trưởng Bộ Tài chính) tới để giúp ông. Kết quả là bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã nghiên cứu thành công cách sản xuất ra thuốc Penicilline, loại thuốc kháng sinh này đã góp phần rất lớn trong điều trị chống nhiễm khuẩn cho thương binh và nhân dân trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này.
Năm 1955, bác sĩ Đặng Văn Ngữ sáng lập ra Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và côn trùng Việt Nam và làm Viện trưởng đầu tiên của viện này. Đúng vào dịp Tết cổ truyền dân tộc nǎm 1967, ông dẫn đầu một đoàn nghiên cứu sốt rét vào chiến trường Trị Thiên-Huế để nghiên cứu các biện pháp phòng chống sốt rét tại chiến trường và về Vaccine sốt rét. Ngày 1/4/1967 vì một loạt bom B52 của giặc Mỹ, ông đã hy sinh trên mặt trận Trị-Thiên- Huế. Ngay trong năm 1967, ông đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lao động, liệt sĩ. Nǎm 1996, ông được truy tặng giải thường Hồ Chí Minh, giải thưởng lớn về khoa học của Nhà nước cho các công trình khoa học.
Thành tựu của ngành Y tế nước ta
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ III (tháng 9/1960) khẳng định: “Con người là vốn quý nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ và bồi dưỡng sức khỏe của con người là mục tiêu cao quý của các ngành Y tế và Thể dục thể thao dưới chế độ ta”[1].
Việt Nam là một trong các quốc gia có hệ thống y tế hoàn chỉnh. Đến thời điểm này, mạng lưới y tế cơ sở được duy trì rộng khắp cả nước với 99,6% các xã, phường, thị trấn có trạm y tế xã. Nước ta cũng có khoảng 700 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã. Ngành Y tế nước ta đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2022: tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đạt 70%; tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc là 94%; số bác sĩ trên 1 vạn dân đạt 10 bác sĩ; số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt khoảng 30,5 giường bệnh. Đến hết tháng 1/2023, bảo hiểm y tế có hơn 88,9 triệu người tham gia.
Bên cạnh đó, nước ta đã chủ động sản xuất được nhiều loại vaccine phòng bệnh. Nước ta đã sản xuất thành công kháng sinh Pénicilline (1950), vaccine phòng bệnh đậu mùa (1961), vaccine Sabin phòng bại liệt (1961), vaccine phòng cúm mùa 4 type (2021)... Vaccine tả uống của Việt Nam phát triển từ công nghệ được Thụy Điển chuyển giao và Việt Nam cũng là quốc gia nghiên cứu, sản xuất được vaccine này từ sớm. Năm 2000-2001,Việt Nam tiếp tục chuyển giao miễn phí công nghệ này cho Viện Vaccine Hàn Quốc và từ đó một công ty của Ấn Độ đã có bản quyền sản xuất vaccine tả uống xuất khẩu khắp thế giới.
Trong 38 năm (từ năm 1985) thực hiện tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam, hiện Việt Nam đã sản xuất được 12/13 vaccine tham gia chương trình. Bộ Y tế đang đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sản xuất được 14 loại vaccine cung cấp cho tiêm chủng mở rộng. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi từ năm 2000 đến nay luôn được duy trì ở mức trên 90% trên quy mô toàn quốc. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt cao trên 95% trên toàn quốc. Hằng năm, chương trình tiêm chủng mở rộng thực hiện trung bình khoảng 27 triệu mũi tiêm bao gồm cả tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng bổ sung.
Nhờ đó, Việt Nam đã kiểm soát và ngăn ngừa các dịch bệnh nguy hiểm. Nước ta đã thanh toán thành công các dịch bệnh nguy hiểm: Đậu mùa (1978), bại liệt (2000), dịch hạch (2002), uốn ván sơ sinh (2005). Nước ta là một trong những nước khống chế thành công dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng). Nước ta cũng ngăn chặn thành công những bệnh truyền nhiễm mới nổi: Cúm A/H7N9 (Bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus cúm A/H7N9 lây từ gia cầm sang người), Ebola (Bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola gây ra), MERS-CoV (Hội chứng hô hấp Trung Đông - một bệnh hô hấp cấp tính nặng do coronavirus MERS gây ra). Dịch bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam cũng tiếp tục được kiểm soát.
Để phòng chống dịch COVID-19, từ rất sớm, Bộ Y tế Việt Nam đã đưa ra thông điệp “5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”. Bên cạnh đó, Đảng và Chính phủ đang nỗ lực đàm phán để có nguồn cung ứng vaccine phòng COVID-19 từ các nước trên thế giới. Việt Nam đã vượt lên là một trong nhóm các nước có tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao nhất thế giới.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (năm 2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Trong khi chưa thực hiện được việc bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho toàn dân, Việt Nam tập trung vào việc tăng cường y tế phòng ngừa, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều dịch bệnh vốn phổ biến trước đây đã được khống chế thành công”.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng, tập 1, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr. 77
Nguyễn Văn Toàn -
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|