Kỷ niệm 112 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước: Hành trình vạn dặm vì nước non

(Banker.vn) Cách đây 112 năm, ngày 5/6/1911, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu hành trình đi tìm đường cứu nước từ bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn.
Ngày này năm xưa 5/6: Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh- Hành trình tìm đường cứu nước”

Lý do của hành trình đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành thật giản dị mà vô cùng cao cả, vô cùng vĩ đại như được thuật lại trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” là: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.

Sài Gòn đã thay mặt cả nước tiễn chân Người để rồi 30 năm sau vào mùa xuân 1941, nước non Cao Bằng lại là nơi đầu tiên Người trở về Tổ quốc. Hành trình tìm đường cứu nước ấy đã đưa Bác đặt chân đến 28 quốc gia khắp 4 châu lục, kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau để hoạt động cách mạng, Nguyễn Tất Thành đã đi đến “những đất tự do, những trời nô lệ”, tìm hiểu đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động, giới thợ thuyền, những người nông dân nghèo khổ đến các nông thôn hẻo lánh để tìm hiểu, tham gia vận động và tổ chức các phong trào cách mạng.

Kỷ niệm 112 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước: Hành trình vạn dặm vì nước non
Bến cảng Nhà Rồng hôm nay

Đó là hành trình vô cùng gian khổ khi Người phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống, sống giữa vòng vây của mật thám đế quốc, chấp nhận cả những thử thách nghiệt ngã của thời cuộc lúc bấy giờ để kiên định sự lựa chọn. Toà án đế quốc đã kết án tử hình vắng mặt Người, thực dân và đế quốc từng ra sức cấu kết để buộc Người phải chấp hành bản án.

Song đó cũng là những năm tháng vô cùng đẹp đẽ, vô cùng oanh liệt của Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh. Rời Bến Nhà Rồng với hành trang là đôi bàn tay, sức lao động, nhưng bằng ý chí mãnh liệt, nghị lực phi thường, bằng tình yêu Tổ quốc vô bờ bến và bằng sự kiên nhẫn trong lao động, học tập, nghiên cứu, khổ luyện, Bác đã tìm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Marx-Lenin, chọn lọc và vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo học thuyết cách mạng tiên phong ấy vào thực tiễn Việt Nam khi lấy độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu tối thượng và làm động lực cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước.

Hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc hành trình vĩ đại để tìm đường, mở đường và dẫn đường cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Mỗi bước đi của Bác trong hành trình ấy đều gắn với những quyết định trọng đại, những mốc son lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Đó cũng là hành trình của văn hoá khi Người lan toả những giá trị tốt đẹp của văn hoá Việt Nam ra thế giới và những tinh hoa của văn hoá nhân loại được làm giàu thêm cho bản sắc văn hoá Việt Nam. Mấy chục năm ở những phương trời xa lạ, Bác vẫn không hề quên những ngôn từ giọng nói xứ sở, không quên tiếng mẹ ru con qua những câu Kiều.

Thời gian đã lùi xa trên một thế kỷ từ ngày hè 5/6/1911 nhưng không hề làm phai nhoà ý nghĩa vĩ đại của ngày lịch sử ấy trong tâm tưởng chúng ta hôm nay. Chúng ta chẳng những học ở Bác sự rèn luyện trí tuệ với tầm nhìn vượt thời gian và quyết tâm thực hiện bằng được con đường đã chọn mà còn học được Bác về tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, lòng quả cảm, đức hy sinh, sự bền bỉ trong lao động và tinh thần học tập suốt đời, luôn trăn trở, tìm tòi suy nghĩ, đổi mới tâm thế để vượt qua chính mình.

Bài học lớn từ hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác còn là vận dụng sáng tạo kiến thức vào thực tiễn cuộc sống cũng như khẳng định và phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đối với công việc và chức trách, nhiệm vụ của mình. Luôn sáng lên đó là tinh thần xả thân vì nghĩa lớn, “dĩ công vi thượng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời luôn khẳng định.

Kỷ niệm 112 năm ngày ra đi tìm đường cứu nước của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành, từ chuyến đi lịch sử Người đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam cũng là dịp Đảng, Nhà nước và nhân dân ta khẳng định một lần nữa quyết tâm đi theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra, lựa chọn, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc. Bởi không có độc lập tự do thì không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội, còn xây dựng chỉ nghĩa xã hội chính là xây dựng đất nước hùng cường hơn, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để giữ vững độc lập tự do.

Quang Lộc

Theo: Báo Công Thương