Kỳ II: Mới “ăn” được 7% “miếng bánh”!

(Banker.vn) Với nhiều ưu đãi về thuế quan, VJEPA là “món” ngon cho các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, dù đã có hiệu lực được 6 năm nhưng các DN Việt mới chỉ “ăn” được 4-7% “miếng bánh” này.

Hàng hóa xuất khẩu vào Nhật Bản phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe

Sau giảm thuế là những hàng rào thép gai

Sau dấu mốc ký kết VJEPA năm 2009, vài năm sau, kinh tế Việt Nam và Nhật Bản đều rơi vào suy thoái do đó hiệp định này chưa phát huy tác dụng. Từ năm 2012-2014, kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng trưởng tốt hơn. Tuy nhiên, mức tăng trưởng ấy cũng chỉ ở mức trung bình. Mới đây, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã chia sẻ một thông tin đáng buồn: Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ VJEPA của DN Việt mới được 4-7% do các yêu cầu xuất xứ khắt khe. Một con số quá thấp khi hiệp định đã có hiệu lực được 6 năm!

Theo VJEPA, hàng Việt muốn hưởng ưu đãi thuế quan phải đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ. Đây là khó khăn lớn đối với DN Việt. Ông Hà Duy Tùng- Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, (Bộ Tài chính) - lấy ví dụ: Hàng dệt may Việt Nam dễ dàng xuất khẩu (XK) vào Nhật Bản, song lại khó được hưởng ưu đãi thuế do phải đáp ứng quy tắc xuất xứ chi tiết đối với từng loại nguyên phụ liệu. Giày dép và nhiều sản phẩm khác cũng chịu chung tình trạng trên.

Bên cạnh vấn đề nguồn gốc xuất xứ, các tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật cũng là “bức tường” cao với hàng Việt. Đơn cử như gạo Việt Nam đã từng XK được sang Nhật, nhưng sau khi phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, “cánh cửa” cho gạo đã tạm thời bị đóng lại. Ngoài ra, thủy sản Việt trong đó đặc biệt là tôm cũng đang bị Nhật kiểm tra rất gắt gao về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Là người am hiểu sâu sắc về thị trường này, ông Đỗ Văn Dũng- Chủ tịch CLB Doanh nghiệp Việt Nam- Nhật Bản chia sẻ, XK hàng hóa như thủ công mỹ nghệ, nông sản, tôm đông lạnh… sang Nhật khó vì luật của quốc gia này rất chặt chẽ chứ không đơn thuần ở yếu tố thuế quan.

Theo quy định của Nhật, muốn XK mặt hàng nào sang thị trường này và được hưởng ưu đãi, DN phải chứng minh được xuất xứ từng loại nguyên liệu và thời gian gia công, lương công nhân, độ tuổi công nhân trên 18 tuổi… “Đó đều là các quy định của thế giới, Việt Nam vừa hội nhập nên DN nhiều khi còn không hiểu được những tiêu chuẩn mới chứ chưa nói đến áp dụng”- ông Dũng cho hay.

Chấp nhận luật chơi chung

Theo chia sẻ của ông Dũng, để XK được, DN phải nắm được từng chi tiết kỹ thuật, chất lượng, quy định, luật pháp của nước sở tại. Trên cơ sở đó, DN mới làm đủ thủ tục và được cho thông quan, dù mặt hàng đó có phải chịu thuế hay không.

Ngoài hàng rào kỹ thuật, Nhật Bản còn là nước sử dụng hàng rào thủ tục cực kỳ giỏi. Ngay cả Hoa Kỳ, dù đã có quan hệ với Nhật Bản hàng trăm năm, nhưng nông sản, thực phẩm (như thịt bò) Hoa Kỳ cũng không dễ XK vào thị trường này…

Chưa kể, DN phải am hiểu và sử dụng thành thạo tiếng Nhật, như con cá mòi người Nhật gọi như thế nào. Nếu sử dụng không cẩn thận, gây hiểu sai có thể dẫn đến việc cấm NK. Hoặc với than, DN Việt đã mất 5 – 10 năm mới hiểu được quy cách liên quan đến mặt hàng này của Nhật.

Trong ngành nông nghiệp, từ giai đoạn cải tạo đất, phân tích đất, trồng và từng giai đoạn trưởng thành của cây…, tất cả đều phải có nguồn gốc xuất xứ và lý lịch. Hiện Nhật Bản đã mở lối cho một số trái cây của Việt Nam. "Dù đã có tín hiệu tốt, song DN không nên chủ quan mà cần nắm vững yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, về tiêu chuẩn liên quan đến sâu bệnh hay việc phải chứng minh vùng đất sạch, quy trình sản xuất sạch để bảo đảm việc XK được bền vững”- ông Dũng khuyến cáo.

Ông Nguyễn Sơn – Phó Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế- khẳng định: Các tiêu chuẩn của Nhật là áp dụng chung cho tất cả hàng hóa chứ không riêng cho Việt Nam. Do đó, không thể yêu cầu một quốc gia hạ thấp tiêu chuẩn các hàng rào kỹ thuật. “Trừ khi DN phát hiện Nhật Bản có sự phân biệt đối xử đối với hàng nhập khẩu, ví dụ như có yêu cầu cao hơn đối với hàng nội địa thì DN mới có quyền khiếu nại”- ông Sơn cho hay.

Để các DN thâm nhập sâu vào thị trường Nhật Bản, theo ông Sơn, DN cần đẩy mạnh tiếp thị; hợp tác chặt chẽ với các nhà phân phối của Nhật và nghiên cứu chuyên sâu về những đặc thù riêng biệt của thị trường để có phương thức bán hàng, giới thiệu sản phẩm và chăm sóc khách hàng hiệu quả. Ngoài ra, DN phải am hiểu và sử dụng thành thạo tiếng Nhật...

Để XK hàng hóa sang Nhật Bản và được hưởng ưu đãi, DN phải đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn quốc tế về nguồn gốc xuất xứ từng loại nguyên liệu, thời gian gia công, lương, độ tuổi công nhân…
TIN LIÊN QUAN
Kỳ I: Cánh cửa mới cho hàng Việt

Nguyễn Phượng

Theo: Báo Công Thương