Kỳ 7: Thị trường điện cạnh tranh và các vấn đề liên quan đến hợp đồng

(Banker.vn) Thị trường điện cạnh tranh đang triển khai theo 3 cấp độ, song những quy định trong Luật Điện lực vẫn còn vướng mắc cần sửa đổi, trong đó có vấn đề hợp đồng.
Những lý do cần sửa đổi Luật điện lực. Kỳ 6: Xây dựng cơ chế giá điện theo thị trường

Những lý do cần sửa đổi Luật điện lực - Kỳ 5: Nâng cao hiệu quả hoạt động điện lực

Tách khâu phân phối và bán lẻ điện

Luật Điện lực ban hành năm 2004 đã tạo cơ sở pháp lý để triển khai thị trường điện lực các cấp độ. Các nguyên tắc vận hành thị trường điện lực đến nay vẫn phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng tại khoản 1 phần II Nghị quyết số 55-NQ/TW về phát triển thị trường năng lượng nói chung và thị trường điện lực nói riêng như chính sách “thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực” (khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực) hay các quy định về nguyên tắc, đối tượng, hình thức và nội dung hoạt động của thị trường điện lực tại Mục 1 Chương IV Luật Điện lực (từ Điều 17 đến Điều 21). Thực hiện quy định tại Luật Điện lực, Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh từ năm 2012, sau đó chuyển đổi sang thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2019.

Tuy nhiên, để tiếp tục triển khai cấp độ về thị trường bán lẻ điện cạnh tranh trong các năm sắp tới đáp ứng yêu cầu “Rà soát, điều chỉnh các quy định về kiểm soát và điều phối thị trường điện lực” và “Đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh” tại khoản 2 Phần III Nghị quyết số 55-NQ/TW, điều kiện tiên quyết là phải phân tách các khâu phân phối điện (mang tính độc quyền tự nhiên) với khâu kinh doanh bán lẻ điện (mang tính cạnh tranh). Trong khi đó, một số quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng việc triển khai cấp độ về thị trường bán lẻ điện cạnh tranh như: Thiếu quy định về hợp đồng kỳ hạn, đây là một dịch vụ tài chính phái sinh để các đơn vị quản lý rủi ro trước biến động liên tục của giá điện trong thị trường điện. Ngoài ra, một số quy định khác cần được luật hóa tại Luật Điện lực như hoạt động mua bán điện thông qua hợp đồng, thanh toán tiền điện bảo lãnh thanh toán... để đảm bảo sự công khai, thống nhất, nhằm tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể như sau:

Làm rõ hơn quy định về thời hạn hợp đồng trong thị trường điện

Tại khoản 2 Điều 20 Luật Điện lực hiện hành có quy định về hai hình thức mua bán điện trong thị trường điện lực: (i) Mua bán trên thị trường điện giao ngay; (ii) Mua bán thông qua hợp đồng có thời hạn.

Tuy nhiên, tại Luật Điện lực hiện nay chưa quy định rõ hợp đồng có thời hạn bao gồm cả hợp đồng kỳ hạn - một dịch vụ tài chính phái sinh để các bên quản lý rủi ro khi tham gia thị trường điện. Vì vậy cần phải quy định rõ hợp đồng kỳ hạn là một dạng hợp đồng trong hình thức mua bán điện thông qua hợp đồng có thời hạn để làm cơ sở pháp lý triển khai trong thực tiễn cũng như xử lý các vướng mắc về thuế Giá trị gia tăng đối với các giao dịch của loại hợp đồng này.

Kỳ 7: Thị trường điện cạnh tranh và các vấn đề liên quan đến hợp đồng
Một số điều khoản trong Luật Điện lực hiện hành cần phải bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thị trường điện cạnh tranh (Ảnh minh hoạ)

Cơ chế mua bán điện trực tiếp

Điều 47 Luật Điện lực hiện hành quy định về quyền mua điện trực tiếp từ đơn vị điện lực của khách hàng sử dụng điện lớn. Tuy nhiên, tại Điều này cũng chưa quy định việc ban hành văn bản hướng dẫn thuộc trách nhiệm của Cơ quan nào theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Đồng thời, Luật Điện lực hiện hành cũng cần quy định rõ về hoạt động của cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện thông qua lưới điện quốc gia. Do đó, cần thiết phải bổ sung quy định về nguyên tắc chính và thẩm quyền hướng dẫn đối với việc mua bán điện này làm cơ sở pháp lý triển khai thực hiện đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng, doanh nghiệp và phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 cũng như của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2023.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật Điện lực: Cơ chế giá bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt tại những khu vực này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định phù hợp với cơ chế hỗ trợ giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định; các loại giá điện khác do đơn vị điện lực xây dựng, Ủy ban nhân

Cần sửa đổi quy định giá điện ở vùng nông thôn miền núi, biên giới hải đảo chưa nối lưới điện quốc gia.

Thực tiễn thực hiện quy định tại Điều 62 Luật Điện lực cho thấy: Theo kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chi phí sản xuất kinh doanh điện khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia cao hơn nhiều lần so với tại những khu vực đã nối lưới điện quốc gia do phải sử dụng các nguồn phát điện tại chỗ như diesel, gió, mặt trời.

Hiện nay, trong cơ cấu biểu giá điện tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ có quy định cơ chế hỗ trợ giá điện cho khu vực chưa nối lưới thông qua việc áp dụng giá bán điện khu vực nối lưới điện quốc gia cho khách hàng sử dụng điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia; chênh lệch chi phí của đơn vị điện lực do áp dụng giá bán điện thống nhất toàn quốc thấp hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện được tính vào giá điện chung toàn quốc đối với các khu vực do Tập đoàn Điện lực Việt Nam bán điện, đối với khu vực không do Tập đoàn Điện lực Việt Nam bán điện, chênh lệch chi phí được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Việc áp dụng cơ chế hỗ trợ giá điện cho khu vực chưa nối lưới thông qua việc áp dụng giá bán điện khu vực nối lưới điện quốc gia cho khách hàng sử dụng điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an ninh quốc gia tại các khu vực biên giới, hải đảo và chính sách an sinh xã hội cho khu vực khó khăn, kinh tế thấp.

Vì vậy, cần thiết sửa đổi quy định giá điện nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia để vừa đáp ứng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong đảm bảo an ninh quốc gia tại các khu vực biên giới, hải đảo và chính sách an sinh xã hội cho khu vực khó khăn, kinh tế thấp, phù hợp với quy định tại khoản 1a Điều 4 Luật Điện lực về chính sách phát triển điện lực (quy định: “ưu tiên phát triển điện phục vụ nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”) và để đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt trong quy định từ Luật Điện lực đến văn bản dưới Luật.

Quy định rõ hơn về kiểm tra hợp đồng mua bán điện

Luật Điện lực hiện hành quy định việc kiểm tra của cơ quan nhà nước đối với với hợp đồng phát điện, hợp đồng bán buôn điện: “Kiểm tra hợp đồng mua bán điện có thời hạn giữa đơn vị phát điện và đơn vị mua điện, hợp đồng mua bán buôn điện theo quy định của Chính phủ” (điểm m khoản 1 Điều 66 Luật Điện lực được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực). Tuy nhiên, việc kiểm tra hợp đồng mua bán điện chỉ phù hợp với giai đoạn phát triển thị trường điện cạnh tranh với mô hình đơn vị mua duy nhất, trong đó đơn vị mua duy nhất có quyền lực thị trường. Trong giai đoạn phát triển thị trường cạnh tranh ở cấp độ cao hơn, quyền lực thị trường không tập trung vào một đơn vị mua duy nhất do có nhiều đơn vị mua điện cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, không cần thiết phải có hình thức điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước đối với hợp đồng mua bán điện có thời hạn trên thị trường nhiều đơn vị mua điện, nhiều đơn vị bán điện.

Do vậy, khi thị trường điện phát triển ở cấp độ cao hơn, việc quy định trách nhiệm kiểm tra hợp đồng mua bán điện có thể chưa phù hợp, cần thiết bổ sung các nội dung để thể hiện rõ nội dung này trong Dự thảo Luật Điện lực theo hướng Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra giá hợp đồng theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn của đơn vị phát điện tham gia thị trường điện cạnh tranh theo mô hình một đơn vị mua duy nhất theo đề nghị của bên bán điện và bên mua điện.

Thực tiễn cho thấy, việc Bộ Công Thương quy định về mẫu hợp đồng mua bán điện và kiểm tra hợp đồng mua bán điện sẽ gây khó khăn cho các bên trong việc đàm phán, thỏa thuận giữa 2 bên theo các quy định pháp luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại. Vì vậy, để phù hợp với cơ chế thị trường cũng như nguyên tắc các bên tự thỏa thuận trong khung giá, cần sửa đổi, bổ sung quy định trong Luật Điện lực theo hướng Bộ Công Thương chỉ quy định các nguyên tắc chính của hợp đồng mua bán điện để phù hợp với quy định thị trường điện và các bên ký kết hợp đồng mua bán điện theo nội dung các bên thỏa thuận, đảm bảo giá điện không vượt khung (đối với các loại giá điện có quy định về khung giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành).

Các hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ, hợp đồng mua bán buôn điện cũng cần được áp dụng cơ chế tương tự như hợp đồng mua bán điện của đơn vị phát điện.

Căn cứ Điều 28 Luật Điện lực và Nghị định số 137/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 09/2015/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2015 quy định trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương mua, bán điện với nước ngoài (thủ tục hành chính). Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đã được sửa đổi, bổ sung), Thông tư của Bộ trưởng chỉ được quy định thủ tục hành chính trong trường hợp được Luật, nghị quyết của Quốc hội giao, do vậy, Dự thảo Luật này đề xuất sửa đổi nội dung liên quan cho phù hợp.

Còn tiếp...

Nguyên Vũ

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục